Mafia Nhật ra tạp chí thơ và câu cá

ANTĐ - Theo tờ nhật báo Sankei Shimbun, ấn bản 8 trang đã được phân phát trong nhóm Yamaguchi-gumi thuộc Yakuza với khoảng 27.700 thành viên nhằm “nâng cao tính đoàn kết trong giới Yakuza”. Tạp chí không được phát hành rộng rãi này còn có một chuyên mục giải trí kể lại chi tiết những chuyến đi câu cá của các ông trùm trong băng đảng, cùng satirical haiku, một loại thơ truyền thống của Nhật Bản, và các bài viết trò chơi cờ Go và Shogi, loại cờ tướng kiểu Nhật. 

Xuất thân từ những tay bài bạc và băng nhóm sống ngoài vòng pháp luật từ thời trung cổ, Yakuza từ lâu bị coi là hình ảnh của những samurai hết thời, bị bó buộc bởi truyền thống, danh dự, trách nhiệm, và sống cuộc đời thoải mái phong lưu. Yakuza là một danh từ thường được dùng để chỉ mafia hay các tổ chức tội phạm truyền thống ở Nhật Bản. Ngày nay Yakuza là một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới. Từ Yakuza bao gồm 2 nghĩa: thứ nhất là dãy chữ số “8-9-3”, một phức hợp số căn bản trong một trò chơi Nhật cổ truyền; thứ hai là “vô ích” hoặc “không cần thiết” theo chữ tượng hình Nhật Bản. 

Một người nào đó muốn gia nhập Yakuza sau khi đã đủ các “điều kiện” đều phải chích máu ăn thề và phải xăm mình, thường là những hình như rồng, phượng, núi non, hoa... trên khắp cơ thể. Hầu như mọi thành viên trong thế giới ngầm tại Nhật Bản đều có hình xăm, song họ hiếm khi để lộ chúng ở những nơi công cộng. Yakuza nữ cũng có những hình xăm độc đáo và gợi cảm.

Một điều đặc biệt của các thành viên Yakuza giúp ta có thể nhận dạng dễ dàng đó là phần lớn đều có ngón tay út ngắn hơn bình thường hoặc mất hẳn. Nguyên do của điều này là theo luật của mafia Nhật, bất kỳ thành viên nào không tuân lệnh cấp trên, lệnh của các ông trùm đều phải tự chặt một đốt ngón tay út. Và đối với những tay Yakuza không cẩn thận thường xuyên lặp lại lỗi thì số ngón tay “ra đi” cũng tương đồng với những lỗi nặng mắc phải. Những lần vi phạm sau sẽ lần lượt lấy đi những đốt tiếp theo của cả 2 ngón tay út và có khi ở những ngón khác.

Dù có nhiều băng nhóm khác nhau, mỗi băng nhóm lại do những ông trùm khác nhau lãnh đạo, nhưng nhìn chung họ đều tham gia hoạt động trên các lĩnh vực như kiểm soát thị trường lao động, kiểm soát việc kinh doanh... Mặc dù có thời gian Yakuza chủ trương không dính líu tới ma túy, không buôn bán, sản xuất nhưng gần đây họ đã tham gia rất tích cực vào buôn bán ma túy. Ngoài ra, họ còn chi phối phần lớn lĩnh vực cờ bạc tại Nhật.

Yakuza kiểm soát mạng lưới mại dâm trên cả nước Nhật. Họ thường ép những cô gái trẻ từ các nước châu Á khác ký hợp đồng làm người giúp việc sau đó buộc họ phải làm việc như những “gái gọi”. Thống kê cho thấy, một số nhóm Yakuza có thể thu về hơn 1 triệu USD mỗi tháng từ các quán bar tình dục, nhà thổ hay các “câu lạc bộ hẹn hò” dành cho nam giới. Giờ đây phần lớn thu nhập của các Yakuza đến từ cổ phiếu, bất động sản và tài chính. 

 Luật pháp Nhật Bản trước kia không cấm mọi người trở thành thành viên các băng nhóm Yakuza. Văn phòng của họ thậm chí còn có biển tên và danh sách thành viên. Khoảng một nửa trong số hơn 80.000 thành viên Yakuza nằm trong liên minh Yamaguchi-gumi, có thể nói là tổ chức tội phạm lớn nhất thế giới. Phe cầm đầu trong Yamaguchi-gumi là Kodokai.Tuy nhiên, tình trạng trên chấm dứt vào năm 1992, khi luật mới chống tội phạm một cách nghiêm khắc hơn được ban hành. Những năm gần đây, Yakuza ngày càng có thái độ đối lập đối với cảnh sát. Cảnh sát đang quyết tâm quét sạch các băng nhóm khỏi đời sống xã hội. 

Số lượng tội phạm có tổ chức, được gọi chung là yakuza ở Nhật Bản đã giảm đi nhiều trong những năm gần đây, với 63.200 thành viên vào cuối năm 2012, theo Cục Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản. Riêng nhóm Yamaguchi-gumi quy tụ hơn 40% số Yakuza ở nước này, nhưng cũng để mất 3,300 thành viên trong năm 2012. 

Cũng như toàn thể dân số Nhật,  ngày càng ít thanh niên coi việc gia nhập Yakuza là một cơ hội nghề nghiệp. Nhiều thanh niên ngày nay không còn hiểu rõ về Yakuza và cũng không thích những công việc dính đến bạo lực như xưa kia.