Ma túy phá nát gia đình

(ANTĐ) - Những trại giam mà tôi có dịp vào làm việc số lượng những phạm nhân thụ án liên quan đến ma túy luôn chiếm số đông. Chỉ vì ma túy, họ đã bán rẻ tương lai của chính mình bằng những bản án nghiêm khắc của pháp luật.
 Ma túy phá nát gia đình ảnh 1
Những phạm nhân chấp hành quy định, lao động cải tạo tốt sẽ được xem xét hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước (Ảnh minh họa)
Hại người, hại cả bản thân Ở độ tuổi ngũ tuần, có lẽ nhiều người đàn ông đang rất hạnh phúc vì được làm bố, làm ông sống thanh thản ở tuổi xế chiều, thế nhưng với Thào A Bình (SN 1957, trú tại thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) lại đang còn nằm dài sau những chấn song sắt của nhà giam. Hơn 12 năm “mặc áo số, ăn cơm phần”, Thào A Bình - kẻ được mệnh danh là “thần chết” nơi cổng trời Tây Bắc đủ thấm thía và cay đắng nhận ra rằng, hành vi mua, bán ma túy của hắn đã phải trả bằng một cái giá quá đắt… Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Sa Pa, Thào A Bình là con cả trong số 7 anh em. Sau khi tốt nghiệp trường bổ túc Công nông Tây Bắc, tháng 2-1975, Bình nhập ngũ. Kết thúc khoá huấn luyện tân binh, Thào A Bình được chọn cử đi học lớp Sỹ quan. Hơn 10 năm trong quân ngũ, Bình xin nghỉ theo chế độ bệnh binh ở tuổi 31. Năm 1993, về nhà không được bao lâu thì người vợ trẻ của Bình bị tai nạn lao động và qua đời khiến Bình lâm vào cảnh “gà trống nuôi con”. Bình kể: “Trước sự hụt hẫng về tình cảm, tôi bị bạn bè xấu rủ rê vào con đường ma túy. Ban đầu dính vào thuốc phiện chỉ đơn giản là để quên đi sự đau buồn. Đến khi từng thứ đồ đạc, vật dụng trong nhà lần lượt “đội nón ra đi”, chẳng còn gì, nhìn 3 đứa con nhỏ tôi lại càng điên cuồng “nghĩ” ra cách mua, bán ma túy trái phép để vừa có tiền chơi thuốc và cải thiện cuộc sống cho gia đình”. Vào một ngày đầu tháng 4-1999, trong lúc đang tổ chức cho các đối tượng nghiện sử dụng ma túy tại nhà, Thào A Bình và Thào Quốc Sơn (em trai Bình) đã bị Công an thị trấn Sa Pa bắt giữ cùng tang vật. Qua điều tra Bình và Sơn khai nhận, trước đó hai đối tượng này thường xuyên đến lấy “hàng” tại nhà Đặng Thị Lý (trú tại phố Cầu Mây, trị trấn Sa Pa) để về cô lại, chia lẻ bán cho các con nghiện lấy tiền tiêu xài. Từ một người có ăn có học Bình ngày càng dấn sâu vào con đường ma túy và trong mắt nhiều người, hắn như một “thần chết” nơi cổng trời Tây Bắc khi bán và tổ chức cho các con nghiện thỏa mãn mỗi khi lên cơn vật thuốc. Tại phiên tòa diễn ra ngày 3-8-1999 do TAND tỉnh Lào Cai xét xử, HĐXX nhận định: Hành vi của Bình và Sơn là cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, bởi lẽ các bị cáo đều là những người có trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật song vẫn mua, bán và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy… nên cần phải có một hình phạt thích đáng. Vì các lẽ trên, HĐXX đã ra quyết định tuyên phạt Thào A Bình 10 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và 15 năm tù về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”, tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 20 năm tù. Còn Thào Quốc Sơn cũng bị tuyên phạt 11 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.Kết cục đau lòng Rời phòng khách, Bình được cán bộ trại giam cho xuống sân trò chuyện, dưới những tàng cây cổ thụ trong khuôn viên của Trại giam số 5 - Bộ Công an (đóng trên địa bàn huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), thỉnh thoảng Bình lại đưa ánh mắt nhìn xa xăm rồi chỉ lên những cây hoàng lan gần đó hỏi: “Nhà báo có ngửi thấy mùi hoàng lan không? Mùi hoa này khiến tôi nhớ quê nhà lắm. Hơn 12 năm ở trại giam, mấy gốc hoàng lan ở vườn nhà tôi giờ chắc cũng to lắm rồi!”. Bất chợt, giọng Bình chùng xuống và những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm đen. Bình nhớ đến người mẹ tên Hồ Thị Giàng (năm nay đã 93 tuổi) đang sống héo hắt những ngày cuối đời ở quê nhà. Bình nghẹn giọng: “Từ khi tôi bước chân vào nhà giam, nỗi khổ đau và sự vất vả lại chồng thêm lên trên đôi vai gầy của người mẹ. Chồng chết sớm, một thân nuôi bảy đứa con, bà cố gắng cho chúng tôi ăn học bằng chúng, bằng bạn. Trong số đó, bà dành nhiều tình cảm và hy vọng vào tôi nhất. Nhưng trái với mong mỏi của mẹ, tôi lại lao vào ma tuý, phải đi tù, gây nỗi tủi hổ cho không chỉ người thân mà ngay cả những người hàng xóm vốn đã rất tin tưởng ở tôi. Giờ đây, mẹ lại tiếp tục nuôi ba đứa cháu (con của Bình - PV), bà bảo bà không dám hứa sẽ nuôi dạy chúng thành người tử tế nhưng sẽ cố dạy bảo chúng thành người không phạm tội, để khi tôi ra tù còn trông thấy mặt con”. Thương mẹ bao nhiêu, Thào A Bình lại lo lắng cho cuộc sống 3 đứa con của mình ở ngoài xã hội đang bơ vơ cả cha lẫn mẹ bấy nhiêu. Ngày mới vào Trại giam số 5, ngồi sau chấn song sắt, Bình ngán ngẩm với án tù quá dài mà chẳng dám hy vọng có ngày về. Những đêm thức trắng, Bình ngồi suy nghĩ: “Cuộc đời mình đi đến ngã ba đường, nếu không biết chọn con đường đi đúng, tất sẽ đi lệch hướng. Thiếu gì cách kiếm tiền hợp pháp, tại sao trước kia mình lại làm thế” - Bình nói.   Thời gian sẽ làm lành mọi vết thương, ai đó đã từng nói như vậy và Bình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nỗi nhớ mẹ, thương con trong lòng Thào A Bình cũng sẽ vơi đi theo năm tháng để rồi người phạm nhân này nhận ra rằng, cần phải sống và sống làm người có ích cho xã hội. Bình tâm sự: “12 năm trong tù, tôi thấy quãng thời gian này quá đủ để cho tôi suy nghĩ cái gì nên làm, cái gì không nên làm và quá thấm thía với sự trừng phạt của pháp luật. Nhớ những lời mẹ dặn mỗi lần lên thăm, tôi luôn tự hứa với bản thân cố gắng cải tạo tốt để được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về bên người mẹ già và ba đứa con của mình”. Có lẽ, đây cũng là điều tất yếu với những kẻ lầm lỡ khi thức tỉnh lương tri nhận ra điều trái, phải và sống hướng thiện thì chưa bao giờ là muộn.(Còn nữa)Lời tòa soạn: Ma túy, nguồn cơn của bao tai họa giáng xuống những gia đình có con em sa chân vào. Tại các trại giam, số phạm nhân thụ án liên quan đến ma túy luôn chiếm số đông. Hãy nghe những chuyện kể về những kết cục đau lòng của họ để thấm thía thêm về hạnh phúc gia đình - tưởng là điều giản đơn mà có người không mơ chạm tới.