Mù Cang Chải và những nỗi nhọc nhằn (2)

Ma túy, đói nghèo ám ảnh bản nghèo

ANTĐ - Những cung ruộng bậc thang đẹp nhất tập trung ở xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn và Dế Xu Phình. Những nương lúa lượn vòng, uống khúc quanh co như những đường vân lượn vòng trên chiếc thớt vàng. Kỳ vĩ, ngất ngây là vậy, nhưng cái đói, cái rét và con chữ vẫn đeo đẳng con người nơi đây.

Cạp lồng cơm đi học


Nhọc nhằn cõng chữ, cõng em

Là huyện vùng cao nên giáo dục ở Mù Cang Chải cũng được ưu ái phần nào. Song, khó khăn vẫn chất chồng lên trường lớp, lên đôi vai của những người học trò nghèo nơi đây. Mùa này khí hậu Mù Cang Chải đã se se lạnh về đêm và sáng sớm. Đến trường Tiểu học La Pán Tẩn vào một buổi chiều muộn, khi cố co mình trong chiếc áo len mỏng để tránh những đợt gió thổi, tôi mới nhận ra rằng, các em học sinh vẫn trong trang phục mùa hè. Ngỡ ngàng, những đứa trẻ nếu ở dưới xuôi thì vẫn còn được nâng niu, chăm bẵm, dỗ dành ăn uống, thì ở đây, các em đã phải tự chăm lo cho mình. Đứa nào đứa ấy mặt mũi đen nhẻm, tiếng cười giòn tan trong cuộc chơi. Các em vẫn vậy, gần gũi với thiên nhiên, hồn nhiên và đầy nhựa sống chẳng nề hà mưa gió, sự đỏng đảnh của thời tiết, nắng đấy, rồi lại chợt mưa, chợt rét để đến trường học từng con chữ.

Ông Giàng A Tông cho biết, toàn huyện Mù Cang Chải có 30 trường học các loại, trong khi, phần lớn nhà các em đều xa, phải ở lại, chỉ về nhà vào mỗi dịp cuối tuần thì cơ sở vật chất, phòng ốc, chỗ ăn, ở sinh hoạt còn thiếu thốn bộn bề. “Có cháu phải đi bộ nửa ngày mới tới được trường học. Có cháu đi học còn phải cõng theo em để trông nom, chăm sóc cho bố mẹ ở nhà  đi làm”, thầy giáo Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng trường THCS Lao Chải cho biết. Thầy Trường giải thích, 100% các em ở đây đều là người Mông,  gia đình đông anh em, lại khó khăn, bởi vậy, đứa lớn cõng đứa bé đi học, rồi tự tay chăm bẵm em, cuối tuần lại cõng nhau đi bộ cả chục cây số đường rừng về để lấy gạo. Trường THCS Lao Chải có 242 học sinh đang theo học thì có đến 193 em phải ở bán trú vì nhà quá xa.

Bữa cơm trưa ở trường THCS Lao Chải của các em hoàn toàn tự túc. Mỗi em 1 chiếc niêu nhỏ cơm. Em nào điều kiện hơn thì có thêm chút mì tôm lõng bõng nước để làm canh. Giàng Thị Dê, lớp 8 - trường THCS Lao Chải cho biết, nhà Dê ở bản Hồ Nhì Pá, em không ước lượng được khoảng cách từ nhà đến trường dài bao nhiêu, chỉ biết rằng, em phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới được trường.

Những bữa cơm trưa độc món


Ma túy ở bản chờ chồng

Đứng đầu về tỷ lệ người đi tù vì ma túy ở Mù Cang Chải phải kể đến bản Pú Cang - xã Nậm Khắt. Pú Cang là bản xa xôi nhất của xã Nậm Khắt, gặp trời mưa, dù là những “chiến mã” nơi núi rừng như xe Win100 cũng phải đầu hàng. Trưởng Công an xã Nậm Khắt, Giàng Gà Phua cho biết, gặp trời mưa, muốn vào Pú Cang chỉ còn nước đi bộ. Cách UBND xã Pú Cang hơn 10km, nếu tính theo vận tốc đi của người dân ở đây thì cũng mất 7-8 giờ đồng hồ đi bộ. Có lẽ, vì quá xa nên bản làng ở đây cũng heo hút, để tìm gặp một người dân vào ban ngày là rất khó, kể cả trẻ em cũng theo mẹ lên nương, lên rẫy.

Những nếp nhà cũ nát, tồng tuềnh, trống trải, im lìm giữa núi rừng. Trời về cuối thu nhanh tối, mới hơn 6h chiều nhưng đã xâm xẩm, xa xa, từng tốp người mới về bản. Lạ lùng, trong những tốp người ấy, vắng bóng những người đàn ông, thanh niên trai tráng. Người nơi khác đến, những tưởng đàn ông thanh niên đi làm ăn xa, hoặc đi vào rừng hái Sơn Tra, lấy măng… chưa về kịp. Giàng Gà Phua tâm sự: “Cái đói, cái nghèo của người dân nơi đây đều bắt nguồn từ ma túy, chồng nghiện ngập, hoặc buôn bán ma túy phải vào tù. Ruộng nương tài sản cũng bán hết. Những người vợ, người con ở lại quanh năm phải đi nơi khác làm thuê kiếm sống”. Bản Pú Cang chỉ có 94 hộ dân thì hầu hết hộ nào cũng có người đi tù vì ma túy, và quá nửa trong số ấy là hộ đói nghèo. “Mọi người trong xã vẫn hay nói, Pú Cang là bản chờ chồng mà”, anh Phua nói. Như chị Giàng Thị Pàng, một nách với 3 đứa con, năm 2001, chồng bị đi tù vì tội buôn bán ma túy. Bốn mẹ con nương nhau mà sống, ruộng nương không còn, sáng sớm, chị đã quảy quả ra khỏi nhà, tối tắt mặt trời mới về đến bản. Mọi việc trong nhà, chị giao lại cho đứa con lớn.

Pú Cang bấy lâu trở thành điểm nóng về ma túy, theo anh Phua là do địa hình phức tạp, nằm giáp ranh với xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, Sơn La. Do nhận thức của người dân còn hạn chế, thêm vào đó, do ảnh hưởng của tập quán trồng và sử dụng thuốc phiện trước đây, cùng với việc giao thông đi lại khó khăn và bản Pú Cang đã trở thành cái rốn của ma túy, không riêng gì của xã Nậm Khắt mà của cả huyện Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải vấn vít lòng người đến bởi những sóng ruộng bậc thang như dẫn lên cổng Trời, song lại ám ảnh người về bởi cái đói, cái nghèo vẫn còn đeo bám. Nhiều năm qua, giáo dục được huyện đặt lên hàng đầu, song nói như hầu hết cán bộ bản, xã, huyện Mù Cang Chải “khó lắm, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, nhưng, để vận động được người dân cho con em mình đến lớp lại càng khó hơn”.