Ma thuốc độc, nỗi kinh hoàng bí hiểm trên dãy Trường Sơn

ANTĐ - “Ma thuốc độc” là một truyền thuyết trong đời sống của người dân tộc Vân Kiều, đến ngày nay nó vẫn là một mối đe dọa đời sống bà con. Không những vậy, câu chuyện về “ma thuốc độc” còn lan ra khắp miền Trung, tạo điều kiện cho nhiều kẻ lợi dụng mê tín dị đoan gây ra nhiều vụ án tàn độc đến kinh hoàng.

Ngôi nhà bà Na - người bị vu là “ma thuốc độc”

Những câu chuyện đau lòng từ… “ma thuốc độc”

Chuyện về “ma thuốc độc” đã âm ỉ ở thôn 8, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk vài năm nay. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi trong thôn có một tiệc liên hoan vào năm 2013. Hôm đó, chị Trần Thị Kiệm cầm cốc bia đi mời một số phụ nữ. Sau tiệc, những phụ nữ này cảm thấy mệt mỏi, nhất là bà Phạm Thị Tâm. Cùng thời điểm, cháu Lê Viết Trung trong thôn bị bệnh máu trắng qua đời. Lập tức, mọi nghi ngờ đổ dồn vào chị Kiệm. Ngay sau đó, gần 10 người trong gia đình bà Tâm và cháu Trung kéo đến nhà chị Kiệm đập vỡ cửa kính, rắc muối và những thứ dơ bẩn lên bàn thờ, chăn chiếu, nền nhà để giết “trùng độc”.

Ông Bùi Văn Sơn, chồng bà Tâm, còn cầm dao đuổi chém Kiệm nhưng chị nhanh chân chạy thoát. Sau vụ việc này, con gái chị Kiệm cũng bị bạn học xa lánh. Cách đây không lâu, có câu chuyện đau lòng đã xảy ra. Một cô giáo sống ở Đăkrông tình nguyện về giảng dạy cho con em đồng bào Vân Kiều. Trong một lần đứng lớp, có cậu học sinh cá biệt không chịu nghiêm túc nghe giáo viên sửa bài, khi bị nhắc nhở còn vô lễ với cô giáo. Cô đã lấy thước đánh vào tay để răn đe. Ngay hôm đó, bố mẹ cậu ta đến phản ứng cô giáo này. Không lâu sau, cô đột ngột ốm rồi qua đời. Cái chết bất thường của cô giáo đã làm nhiều người xôn xao cho rằng, phụ huynh kia đã bỏ “ma thuốc độc” cô giáo để trả thù. Và còn nhiều cái chết bí ẩn không có một kết luận rõ ràng nào đã xảy ra trên địa bàn các xã của người Vân Kiều ở Đăkrông, Hướng Hóa, khiến họ càng tin vào sự hiện diện của một con “ma” có tên là thuốc độc.

Mới đây nhất, những ngày cuối tháng 1-2014, CAH Sơn Hà (Quảng Ngãi) nhận được nguồn tin tại thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, xảy ra vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc”. Người bị nghi có “đồ độc” bất ngờ chết và gia đình lặng lẽ đem chôn. Tiếp tục mở rộng điều tra, công an huyện phát hiện trước đó một tháng, ông Đinh Văn Nương (60 tuổi, cũng ở thôn Gò Da) bị bệnh ung thư gan. Mặc dù được người thân đưa đi chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không qua khỏi và đã chết tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Sau đó, người nhà ông Nương tìm đến thầy bói và được phán ông Nương chết do bị “cầm đồ thuốc độc”. Vị “pháp sư” này còn khẳng định kẻ bỏ “đồ độc” là người bà con, giới tính nữ và có mâu thuẫn với gia đình.

Chính từ đây, gia đình ông Nương cho rằng bà Đinh Thị Na là “ma làng” sát hại ông Nương. Hai đối tượng Đinh Văn Hút (con ruột ông Nương) và Đinh Văn Bẻo (21 tuổi, đều ở thôn Gò Da) bị bắt khẩn cấp ngay sau đó về hành vi giết bà Na. Cả hai khai nhận do tin vào lời phán của thầy bói rằng cha mình do người khác “thư” chết, nghi bà Na là “ma làng” hại chết cha mình, anh em họ tìm giết bà để trả thù. Ngày 14-1, biết được bà Na sau khi tá túc ở xã Long Môn, huyện Minh Long trở về ở trên chòi rẫy cách làng khoảng một cây số, anh em ruột Đinh Văn Hút và Đinh Văn Hắp (ảnh trên) rủ Đinh Văn Bẻo lên rẫy đánh đập bà Na dã man, tiếp đó lôi bà về làng để chỉ chỗ giấu “đồ độc”. Trên đường đi, vì bị đánh liên tục, bà Na không còn sức phải nằm gục giữa đường. Hút và Bẻo tiếp tục đánh chết bà Na rồi bỏ xác bên đường.

“Ma thuốc độc” là gì? 

“Ma thuốc độc” vẫn là một khái niệm còn ẩn chứa nhiều bí mật. Theo người Vân Kiều, nó là một loại bùa ngải, được chế biến theo các công thức rất ma mị và không phải ai cũng biết tạo ra nó. Hiện, đây đang là một trong những “vũ khí uy lực”, khiến mọi người khiếp sợ ở chốn rừng sâu đại ngàn Trường Sơn. “Ma thuốc độc” - được truyền qua nhiều đời như một truyền thuyết. Họ cho rằng ở những vùng rừng, vùng sâu, vùng xa ai muốn làm giàu thì bí mật nuôi một con chuột bạch, bọ hung hoặc rắn nhốt trong chum, ché hoặc sành giấu một nơi thật kín không ai biết. Sau ba tháng mười ngày gia chủ lấy lông hay nước bọt của con chuột bí mật mang ra chợ bỏ vào đồ ăn, nước uống, hoa quả… Nhưng cũng có nhiều người nói về cách chế thuốc độc khác, như là bí mật của mỗi gia đình “ma thuốc độc”.  

Những người ở đây cho rằng nghề nuôi thuốc độc là một nghề “cha truyền con nối”, khi người cha đã làm thì trong gia đình nhất định phải có người con nối dõi. Thường thì con trai trưởng là người phải nối cái “nghiệp” nuôi thuốc độc, trong trường hợp không có con trai thì con gái cũng phải gánh cái nghề đó của tổ tiên. Con vật thuốc độc sẽ tự biết cách tìm đến dòng họ đã nuôi nó bao đời trước, nếu người được con vật đó chọn mà không tiếp tục nghề thì sẽ bị bệnh tật mà chết. Triệu chứng của người bị mắc thuốc độc là khờ khạo, nhìn như ốm nặng nhưng đi khám lại không có vấn đề gì, một thời gian ngắn người bệnh sẽ chết. Tuy nhiên, có nhiều cách chế biến thuốc, nên cũng có nhiều phương pháp bỏ khác, như đập vào vai người muốn bỏ, hoặc chế biến thành dạng thuốc bột rồi hòa vào nước uống, canh, cơm hoặc rượu. Chính vì có muôn hình vạn trạng cách bỏ “ma thuốc độc”, nên người Vân Kiều rất sợ loại “ma” này, bởi không biết thế nào mà đề phòng. Còn người miền xuôi lên đây sinh sống, công tác luôn trong trạng thái nơm nớp lo sợ, đề cao cảnh giác.

Người ta còn truyền tai nhau về những trường hợp bị bỏ “ma thuốc độc” thường có các triệu chứng như: Phình bụng, vàng da, tóc rụng nhiều, mệt mỏi, uể oải, buồn nôn, luôn trong trạng thái thèm ngủ. Cơ thể người bệnh bị hủy hoại dần dần. Người nào trúng độc nặng, máu mũi và miệng bị hộc ra rồi chết, còn người bị nhẹ thì cũng chỉ kéo dài hai tháng, rồi cũng qua đời. Người bị bỏ không thể tự giải được cho mình mà phải nhờ người khác chữa. Còn người bỏ được thuốc độc thì tống khứ được rủi ro, đón may mắn về, “ăn nên làm ra”, nuôi heo heo chóng lớn, nuôi gà nuôi vịt đẻ được nhiều trứng, trồng cây thì nhiều hoa trái.

Không có “ma thuốc độc”, chỉ có tội phạm lợi dụng mê tín dị đoan

Câu chuyện “ma thuốc độc” này đã làm cho đời sống bà con dân tộc Vân Kiều và các dân tộc anh em trên khắp các vùng núi miền Trung không còn được an toàn nữa. Rất nhiều các vụ việc đánh nhau, giết người đã xảy ra từ mâu thuẫn do nghi kỵ “ma thuốc độc” gây nên. Kịch bản chung của các vụ này là sau khi có người ốm bất thường, gia đình người ốm thường đi đến gặp thầy bói, thầy cúng. Và nếu những thầy bói, thầy cúng này phán rằng người ốm do “ma thuốc độc” thì gia đình người bệnh sẽ về bản tìm người nghi thả “ma thuốc độc”. Và nhiều mâu thuẫn, thậm chí vụ án hình sự đã xảy ra. Trở lại vụ giết bà Đinh Thị Na tại Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), sau khi Đinh Văn Hút và Đinh Văn Bẻo bị cơ quan CSĐT bắt giam, đối tượng Đinh Văn Hắp, ở thôn Gò Da đã thú tội trước nhân dân thôn Gò Da. Hắp thừa nhận cùng đồng bọn ép vợ chồng bà Đinh Thị Na có “đồ độc”. Ngoài việc đánh đập, giết nạn nhân, bọn chúng còn thu lợi từ việc nghi kỵ đồ độc này. Bọn chúng dựng chuyện bà Na bỏ túi đồ độc trong các nhà dân.

Theo tục lệ của người dân ở đây, hễ ai bị nghi có “đồ độc” thì phải nộp trâu, bò, heo cho gia đình bị hại. Sau khi đánh đập bà Na bọn chúng ép bà Na bán 1 con bò, 2 con lợn và 4 đám rẫy để lấy tiền nộp phạt cho chúng. Tưởng dừng lại đó, bọn chúng tiếp tục giết nạn nhân. Sau khi giết bà Đinh Thị Na, chiếm đoạt nhiều gia súc, vì cho rằng nạn nhân đã “cầm đồ thuốc độc” hại chết cha mình, Đinh Văn Hút cùng đồng bọn tiếp tục vu oan cho bà Đinh Thị Nới đã bày cách cho bà Na bỏ “đồ độc”. Vì tin vào hủ tục nghìn năm nên dân làng không ai phản đối, bênh vực gia đình bà này. Sau nhiều lần tổ chức tra khảo, đánh đập, Hút ép buộc bà Nới thừa nhận đã hướng dẫn bà Na làm túi bỏ “đồ độc” sát hại cha mình. Hắn buộc bà Nới bán 5 con trâu, 2 con bò, 3 con heo cùng nhiều gà cho thương lái với giá rẻ mạt đề lấy 60 triệu đồng bồi thường cho gia đình mình. Không chỉ chiếm đoạt tài sản, Hút còn kích động người dân truy sát, trừ khử bà Nới, “con ma” hại dân làng. May là bà Nới trốn thoát, và cơ quan công an sớm bắt giữ các đối tượng nếu không bà Nới cũng sẽ bị chúng giết chết. Trước tất cả dân bản, các tên Hút, Bẻo, Hắp đã phải nhận tội dựng chuyện, làm giả các món thuốc độc để vu vạ giết người, cướp tài sản.

Thượng tá Võ Văn Đãi, Trưởng CAH Sơn Hà cho biết, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 22 vụ nghi kỵ cầm đồ thuốc độc. Điểm chung giữa các vụ việc này là lợi dụng niềm tin mù quáng của bà con miền núi, kẻ xấu đã thông qua lời phán của thầy mo, thầy bói để đánh đập, thậm chí là giết người và chiếm đoạt tài sản. Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tiếp tục điều tra mở rộng làm rõ vụ án, kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng gây án để răn đe, tuyên truyền người dân trước hủ tục man rợ còn tồn tại dai dẳng trong đời sống đồng bào miền núi Sơn Hà.

Qua những vụ việc trên cho thấy chẳng có “ma thuốc độc” nào cả, mà đó chỉ là những hủ tục và những niềm tin mù quáng. Thực tế cũng đã chứng minh đã có những kẻ lợi dụng niềm tin mù quáng của người dân để bày trò mê tín dị đoan, trục lợi, bà con cần hết sức cảnh giác.