Lý giải về đặc tính siêu lây nhiễm và đột biến của biến chủng Omicron

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Virus, giống như các sinh vật khác, phát triển theo thời gian để tăng cơ hội sống sót. Tất nhiên, một loại virus mạnh hơn nói chung là một tin xấu đối với con người. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học cảm thấy lo ngại khi họ phát hiện biến thể virus đột biến như Omicron, và mỗi ngày con người chỉ biết thêm từng chút về nó.

Theo các nhà khoa học, biến thể Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai (thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể), là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2. Vì thế, biến thể này được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác.

Các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang chạy đua để giải mã Omicron

Các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang chạy đua để giải mã Omicron

Biến thể tích hợp cả đoạn gene người và virus cảm lạnh

Trong một nghiên cứu vừa được công bố, công ty phân tích dữ liệu Cambridge có trụ sở tại Massachusetts, Mỹ cho biết, siêu biến thể Omicron đã tạo ra ít nhất một trong số các đột biến của nó bằng cách lấy một đoạn vật liệu di truyền từ virus khác, nhiều khả năng là virus cảm lạnh thông thường.

Hãng tin Reuters ngày 4-12 dẫn lời các nhà nghiên cứu nói rằng, trình tự di truyền này không xuất hiện trong bất kỳ phiên bản nào trước đó của virus SARS-CoV-2, nhưng lại phổ biến ở nhiều loại virus khác, bao gồm cả những virus gây cảm lạnh thông thường và cả trong bộ gene người.

Ông Venky Soundararajan, người đứng đầu nghiên cứu cho biết, bằng cách chèn đoạn mã di truyền này vào chuỗi gene của mình, Omicron có thể tự khiến nó “trông giống thuộc về con người hơn” nhằm né tránh đòn tấn công của hệ miễn dịch ở người. Các nhà nghiên cứu nhận định điều này có thể khiến Omicron dễ lây lan hơn, nhưng chỉ gây bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Trong nghiên cứu, ông Soundararajan và các cộng sự xác định, đột biến mới này có thể xảy ra lần đầu ở một người bị nhiễm cả hai mầm bệnh khi một phiên bản của virus SARS-CoV-2 chọn trình tự di truyền từ virus khác.

Theo các nghiên cứu trước đó, tế bào trong phổi và hệ tiêu hóa người có thể cùng chứa SARS-CoV-2 và virus cảm lạnh thông thường. Đó chính là cơ hội cho virus tái tổ hợp, tương tác với nhau khi tự sao chép, tạo ra virus mới mang vật liệu di truyền từ hai virus “bố mẹ”. Nam Phi, nơi biến thể Omicron được xác định lần đầu tiên, có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất thế giới nên hệ thống miễn dịch nhiều người bị suy yếu. Điều đó có thể tạo điều kiện cho việc tái tổ hợp bổ sung các bộ gene phổ biến vào Omicron. “Chúng ta có thể đã bỏ lỡ nhiều thế hệ tái tổ hợp xảy ra theo thời gian và điều đó dẫn đến sự xuất hiện của Omicron”, ông Soundararajan nói thêm.

Dễ tái nhiễm hơn và triệu chứng cũng khác

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở Nam Phi hôm 2-12 cho biết, họ đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy những người đã từng bị nhiễm Covid-19 một lần có nhiều khả năng bị tái nhiễm với biến thể Omicron hơn là với các biến thể Beta hoặc Delta.

Bà Juliet Pulliam, Giám đốc Trung tâm Mô hình và Phân tích Dịch tễ học Nam Phi tại Đại học Stellenbosch dẫn đầu nhóm nghiên cứu thông báo, còn quá sớm để biết chắc chắn về điều này nhưng sự gia tăng đột biến gần đây về số ca mắc lại cho thấy rằng, Omicron có nhiều khả năng tái nhiễm bệnh cho mọi người. Pulliam và các đồng nghiệp đã xem xét các báo cáo về tình trạng nhiễm trùng bao phủ 2,7 triệu người ở Nam Phi kể từ khi bắt đầu đại dịch, bao gồm hơn 35.000 người được chẩn đoán tái nhiễm Covid-19. “Chúng tôi đã xác định được 35.670 cá nhân có ít nhất 2 lần mắc bệnh (tính đến ngày 27-11-2021), 332 cá nhân bị nghi ngờ nhiễm đến lần thứ ba và 1 cá nhân với 4 lần lây nhiễm. Trong số này, 47 người (chiếm 14,2%) đã trải qua lần lây nhiễm thứ ba vào tháng 11-2021, điều này có liên quan đến việc truyền biến thể Omicron”.

Tuần trước, bác sĩ Angelique Coetzee, Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi cũng chỉ ra triệu chứng khác lạ của người nhiễm Omicron. Đơn cử, bệnh nhân đầu tiên của Nam Phi phát hiện hôm 18-11 là một người đàn ông khoảng 30 tuổi. Anh này nói rằng “cực kỳ mệt mỏi” trong vài ngày, cơ thể có đau nhức và “một chút đau đầu”.

Bệnh nhân không có các triệu chứng thường liên quan đến Delta hoặc bất kỳ chủng Covid-19 nào trước đó như ho, mất vị giác hay “ngứa cổ họng”. “Triệu chứng của họ rất bất thường nhưng nhẹ hơn nhiều so với những người mà tôi từng điều trị”, bác sĩ Coetzee nói.

Omicron chỉ mới được xác định vào tháng 11-2021 nhưng đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới và các quan chức y tế toàn cầu khác lo lắng. Họ đều coi đây là một biến thể đáng lo ngại vì có nhiều đột biến liên quan đến khả năng lây truyền và khả năng trốn tránh hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa đưa ra kết luận rằng liệu Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn, gây bệnh nặng hơn hoặc có thể vượt qua Delta để trở thành chủng trội toàn cầu hay không. Các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới đang chạy đua để giải mã Omicron và có thể mất vài tuần để trả lời những câu hỏi này.

Tuy nhiên, những phát hiện mới nói lên rằng, sự lây nhiễm tự nhiên sẽ không giúp tạo dựng khả năng miễn dịch cộng đồng, nên việc tiêm các loại vaccine Covid-19 hiện có vẫn là yếu tố phòng dịch quan trọng hiện nay.

Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton nhấn mạnh: “Phản ứng miễn dịch do tiêm chủng mạnh hơn nhiều khi so sánh với khả năng miễn dịch mắc phải do nhiễm phải virus. Vaccine vẫn bảo vệ cơ thể người ở mức độ nhất định trước virus, nó là chìa khóa để duy trì mức bảo vệ đó càng cao càng tốt trước biến thể mới”.

Bằng cách chèn đoạn mã di truyền của con người vào chuỗi gene của mình, Omicron có thể tự khiến nó “trông giống thuộc về con người hơn” nhằm né tránh đòn tấn công của hệ miễn dịch ở người. Các nhà nghiên cứu nhận định điều này có thể khiến Omicron dễ lây lan hơn, nhưng chỉ gây bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng.