Đề xuất bỏ quy định lao động nữ nuôi con nhỏ được nghỉ 60 phút/ngày:

Lý do chưa thuyết phục!

ANTD.VN - Việc bỏ quy định cho phép lao động nữ nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc chăm sóc sức khỏe đầu đời cũng như sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Lao động nữ không yên tâm lao động, sản xuất  khi lo con đói sữa

Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến, đơn vị soạn thảo đã đề xuất bỏ quy định: “Lao động nữ trong thời kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”. Đề xuất này đã gặp phải nhiều ý kiến phản đối.

Doanh nghiệp mong bỏ, “mẹ bỉm sữa” muốn giữ

Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị bỏ quy định cho phép lao động nữ nghỉ 60 phút mỗi ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi với lý do, thời gian lao động nữ được nghỉ thai sản (6 tháng) đã đủ dài; quy định trên không còn phù hợp, gây cản trở tới việc bố trí lịch sản xuất và sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ, sản xuất theo dây chuyền hoặc khu công nghiệp có xe đưa đón.

Bên cạnh đó, việc quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong thời kỳ kinh nguyệt hầu như không được áp dụng, bởi lao động nữ không khai báo và doanh nghiệp cũng không thể giám sát nên không khả thi.

Không đồng tình với kiến nghị trên, chị Nguyễn Thanh Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ chia sẻ: “Tôi rất thất vọng khi được biết quy định lao động nữ được nghỉ 60 phút/ngày có thể bị bỏ. Công ty tôi quy định 8h có mặt, chấm công bằng quẹt vân tay. Việc được đi muộn 1 tiếng vì nuôi con dưới 12 tháng tuổi giúp con tôi có thời gian bú mẹ nhiều hơn, nâng cao sức đề kháng cho bé, giảm nguy cơ bệnh tật”.

“Nội dung gì đảm bảo quyền công dân thì chúng ta vẫn phải ưu tiên. Dù quy định này có ảnh hưởng tới một bộ phận doanh nghiệp, nhưng có lợi cho người lao động thì vẫn phải giữ” Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH)

Dù đã qua thời gian nuôi con nhỏ nhưng chị Hà Thị Thu đang làm việc tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) bức xúc: “Tôi không biết bớt đi 60 phút/ngày đối với phụ nữ đang trong thời gian nuôi con nhỏ thì doanh nghiệp sẽ phát triển đến đâu? Có từng nuôi con nhỏ mới biết, thời gian 1 tiếng không nhiều nhưng rất quý giá với phụ nữ. Những công nhân như chúng tôi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, việc đi làm muộn hoặc nghỉ sớm giúp giải tỏa nỗi lo con đói sữa”.

Theo ông Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), đề xuất bỏ quy định nghỉ 60 phút/ ngày với lao động nữ nuôi con nhỏ là không hợp lý. Quy định này khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ để trẻ tăng sức đề kháng, giảm bệnh tật, giúp các thế hệ tiếp theo của người Việt khỏe mạnh hơn. Thay vì đề xuất bỏ, nên khuyến khích các công ty bố trí phòng vắt sữa cho nhân viên nữ nuôi con nhỏ khi lao động nữ không đủ thời gian về nhà trong 60 phút.

Sẽ cân nhắc các yếu tố ảnh hưởng

Lý giải đề xuất bỏ quy định được đánh giá là nhân văn và rất cần thiết đối với lao động nữ, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Đình Bốn cho biết, trong quá trình tổng kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động, nhiều doanh nghiệp kiến nghị bỏ quy định trên với lý do nếu dành quá nhiều ưu đãi cho lao động nữ, sẽ tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất. Vì vậy, trên cơ sở tập hợp ý kiến, ban soạn thảo phải đưa vào đề xuất để xin ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, người dân… Việc giữ hay bỏ quy định thì phải chờ tập hợp ý kiến, trình Quốc hội cho ý kiến có thông qua hay không. 

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan bổ sung: “Việc bỏ quy định nghỉ 60 phút/ngày đối với phụ nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi chỉ là một phương án đưa ra trong dự thảo để xin ý kiến, chưa phải phương án cuối cùng. Về nguyên tắc, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động nên cần phải cân đối quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Tuy nhiên, dù làm gì cũng phải đảm bảo mục tiêu chăm sóc tốt hơn cho người lao động. Mặt khác, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em cho nên tôi đã đề nghị Vụ Pháp chế tham mưu cho ban soạn thảo để có những quyết định đúng đắn, bảo đảm quyền lợi của người lao động”.