Lương tối thiểu theo giờ: Tăng tính bảo vệ với lao động bán thời gian

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc quy định mức lương tối thiểu theo giờ góp phần bảo vệ quyền lợi của lực lượng lao động khu vực không chính thức, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, mức đề xuất đưa ra còn thấp.
Lương tối thiểu giờ góp phần bảo vệ quyền lợi của lao động làm việc không trọn thời gian

Lương tối thiểu giờ góp phần bảo vệ quyền lợi của lao động làm việc không trọn thời gian

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Ngoài mức lương tối thiểu tháng được quy định như hiện hành, cơ quan này đề xuất sẽ có thêm lương tối thiểu giờ với mức từ 15.600 – 22.500 đồng/giờ. Nếu được thông qua, quy định này sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2022 tới đây.

Lý giải đề xuất trên, cơ quan soạn thảo cho rằng cho rằng, trên thực tế, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Do đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.

Trao đổi về nội dung này, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, lương tối thiểu theo giờ là mức tối thiểu nhất mà một doanh nghiệp hoặc người thuê mướn, sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm việc theo giờ hoặc ngày (không trọn tháng).

Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định tiền lương tối thiểu gồm có tiền lương tối thiểu theo giờ và tiền lương tối thiểu theo tháng, cả hai đều áp dụng theo vùng. Chính sách này lẽ ra phải thực hiện từ ngày 1/1/2021 khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phải lùi lại.

Mục đích của chính sách này là nhằm tăng độ bao phủ để có thêm nhiều người lao động được bảo vệ bằng lương tối thiểu. Nếu chính sách này được thực thi thì chúng ta sẽ có mức lương tối thiểu theo tháng (áp dụng cho những lao động được ký hợp đồng lao động, được trả lương theo tháng) và lương tối thiểu theo giờ (áp dụng cho những lao động không làm việc trọn ngày, trọn tháng).

Theo bà Nguyễn Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), thị trường lao động rất đa dạng, nhiều công việc làm bán thời gian, không trọn ngày... nên cần có lương tối thiểu theo giờ. Lương tối thiểu theo giờ cũng được áp dụng ở nhiều quốc gia.

Dù ủng hộ có mức lương tối thiểu theo giờ, nữ chuyên gia cho rằng cần làm rõ hơn về căn cứ xác định mức lương tối thiểu theo giờ. Bà Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng, mức đề xuất lương tối thiểu giờ vẫn còn hơi thấp. Tuy nhiên, đây là quy định mới, sau này sẽ cần điều chỉnh thêm tùy theo các yếu tố tác động.

Theo các chuyên gia, việc xác định lương tối thiểu giờ dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc như dự thảo đề xuất cần tính toán lại. Nếu dùng lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc thì tiền lương tối thiểu giờ sẽ thấp. Thông thường ở các nước lương tối thiểu giờ được tính cao hơn lương tối thiểu tháng vì tính chất công việc không ổn định và không đồng bộ.