Lương đứng im, giá tiêu dùng tăng liên tục, đời sống người lao động bấp bênh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, mức lương người lao động nhận được không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Nhiều người lao động phải chấp nhận làm thêm giờ để bù đắp chi tiêu.
Dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động

Dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động

Ngày 26/4, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Theo tính toán của Viện Công nhân và Công đoàn từ số liệu thống kê cho thấy, công nhân lao động chiếm khoảng 15% dân số và khoảng 27% lực lượng lao động xã hội nhưng đóng góp trên 75% ngân sách và trên 65% GDP cả nước.

Trong thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến đời sống, việc làm, thu nhập của công nhân lao động và gia đình. Một bộ phận lớn công nhân lao động đã bị rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Điều tra năm 2021 của Viện Công nhân Công đoàn cho thấy, có 5% người được hỏi cho biết, rất ít khi trong bữa ăn của họ có thịt cá (chỉ khoảng 1-2 lần/tuần) và 34% cho biết thỉnh thoảng (3-4 lần/tuần).

Để bảo đảm cuộc sống, 11,2% người lao động cho biết thường xuyên phải đi vay tiền, 33,5% người lao động thỉnh thoảng đi vay. Bên cạnh đó, có hơn 21% người được khảo sát cho biết họ đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện chỉ ra rằng, nếu không làm thêm giờ, tiền lương của người lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng.

Nghịch lý đang xảy ra là, mặc dù, công nhân lao động đang phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60-70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ…

Tại hội thảo, TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết, đại dịch Covid-19 bùng phát, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế.

Trong bối cảnh đó, người lao động trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất, cả về số lượng và mức độ tác động. Với đặc điểm 70%-80% là lao động di cư, cơ hội việc làm và điều kiện sống bấp bênh, không ổn định, người lao động ngày càng đối diện trực tiếp và rõ rệt với tình trạng bấp bênh về sinh kế.

Dẫn số liệu chứng minh, ông Nhạc Phan Linh cho hay, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, việc làm không ổn định khiến thu nhập, đời sống của công nhân, lao động bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn giãn cách, nhất là công nhân lao động khu vực phi chính thức, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác.

Theo thống kê, thu nhập bình quân của người lao động trong các năm 2019, 2020, 2021 gần như không thay đổi, lần lượt là 5,6 triệu đồng; 5,5 triệu đồng; 5,7 triệu đồng.

So sánh biến động giữa thu nhập của người lao động và chỉ số tiêu dùng CPI các năm 2019, 2020, 2021 cho thấy, trong khi mức lương hầu như không tăng thì chỉ số CPI tăng liên tục trong 3 năm, năm sau cao hơn năm trước.

Đánh giá về những con số này, TS. Nhạc Phan Linh cho rằng, CPI là thước đo của lạm phát, việc CPI tăng sẽ tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân, đặc biệt là những người có thu nhạp thấp. Mức tăng càng cao, đời sống của người lao động càng khó khăn.

Bàn về nội dung tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn cho hay, hiện nay, mức lương của người lao động nhận được không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Nhiều người lao động phải chấp nhận làm thêm giờ để bù đắp chi tiêu.

Từ góc độ của đại diện cơ quan chuyên trách việc nghiên cứu, tham mưu cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Lan cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng lên 6% mới khắc phục được phần nào sự khó khăn cho người lao động chứ chưa thể giải quyết được ngay tức khắc những eo hẹp trong cuộc sống của họ. Người lao động sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sẽ phải làm thêm nhiều giờ để có đủ thu nhập. Do vậy, không nên trì hoãn việc tăng lương tối thiểu vùng.