Luci Baines Johnson - ái nữ Tổng thống Mỹ từng vượt qua định kiến kết hôn, nghỉ học lúc 19 tuổi

ANTD.VN - Đó là vào năm 1965 và Luci Baines Johnson - con gái thứ 2 của Tổng thống Mỹ Lyndon Baines Johnson phân vân khi được bạn trai hỏi cưới. Luci Baines Johnson mới 19 tuổi, theo học ngành Điều dưỡng thuộc trường Đại học Georgetown được 1 năm. 

Bà Luci Baines Johnson được trường Đại học Georgetown tặng bằng Tiến sĩ danh dự ngày 19-5-2018

Nhà trường có quy định cấm các nữ học viên ngành này kết hôn và ái nữ của Tổng thống đã chọn… kết hôn. Sau hơn 50 năm, ngày 19-5-2018, bà Luci Baines, nay đã 70 tuổi mới trở lại trường để nhận bằng Tiến sĩ danh dự. “Cảm giác của tôi lúc này cứ như một đứa trẻ vào sáng ngày Giáng sinh. Tôi ước giá mà cha mẹ tôi có thể nghe những lời các bạn nói về tôi”, bà xúc động nói trước đám đông trong đó có 105 sinh viên tốt nghiệp nhận bằng Cử nhân Điều dưỡng. 

Với thế hệ sinh viên hôm nay, chuyện nữ học viên đã có gia đình không hề bị cấm đoán. Tuy nhiên, khi đó, chính sách không kết hôn như trường Đại học Georgetown tương đối phổ biến. Nhiều chương trình đào tạo y tá của các bệnh viện còn yêu cầu học viên sống ở khu ký túc xá và có thể kiểm tra bất cứ khi nào trong đêm. Ông Julie Fairman, Giáo sư Lịch sử trường Đại học Pennsylvania cho biết: “Họ bị cấm bởi quan niệm, nếu đã kết hôn và có các nghĩa vụ khác thì bạn không thể tập trung và trở thành một y tá tốt”. Năm 1967, trường Đại học Georgetown bãi bỏ quy định nói trên nhưng lúc đó bà Luci Baines đã lấy chồng. 

“Tất cả các bạn phải có động lực như Florence Nightingale - người đã vượt qua những định kiến, giới hạn và được coi như người sáng lập ngành Điều dưỡng hiện đại. Hãy mơ ước, phục vụ và sống có mục đích”.

Luci Baines Johnson

Ở tuổi trăng rằm, ái nữ Tổng thống luôn là tâm điểm chú ý của công chúng. Lúc nào Luci Baines cũng có nhân viên mật vụ xung quanh bảo vệ. Năm 1965, Luci Baines gặp Patrick Nugent trong bữa tiệc tốt nghiệp trung học. Thanh niên cao ráo, tóc vàng này khi đó là sinh viên trường Đại học Marquette.

Khi được phép đến thăm Patrick Nugent ở trường, Luci Baines đeo một bộ tóc giả và xưng tên là Amy. Bà được cầu hôn vào tháng 11-1965. “Cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái và tránh xa sự chú ý của công chúng rất hấp dẫn. Vì thế tôi chấp nhận, biết rằng tôi sẽ rời khỏi Georgetown, rời khỏi Washington nhưng cảm giác như thể đó là sẽ là cơ hội để tôi được làm chính mình”, bà Luci Baines lý giải. 

Theo nhà sử học Carl Sferrazza Anthony, cha mẹ Johnson ít lo ngại về quyền riêng tư của con cái nên họ từng cho con mình đi theo chuyến vận động tranh cử qua 26 tiểu bang. Đám cưới của Luci Baines cũng không ngoại lệ, giống như một sự kiện quốc gia. Luci Baines Johnson là con Tổng thống thứ hai tổ chức đám cưới tại Nhà Trắng, sau Alice Roosevelt và là đám cưới của gia đình Tổng thống đầu tiên được truyền hình trực tiếp trên truyền hình. Ước tính đám cưới đó có 55 triệu người theo dõi, hơn bất kỳ lễ nhậm chức nào trong lịch sử.

Sau đám cưới, bà Luci Baines Johnson và chồng chuyển tới Texas, quê hương của gia đình bà. Trong 7 năm, bà sinh được 4 người con. Khi Nugent gia nhập quân đội và tham gia chiến trường tại Việt Nam, Luci Baines thỉnh thoảng trở lại Nhà Trắng. Bà Luci Baines sống ở Texas để duy trì công việc kinh doanh của gia đình. Cuộc hôn nhân với ông Nugent kết thúc sau 12 năm, rồi bà tái hôn năm 1984 với một ông chủ ngân hàng người Anh. Hiện họ điều hành Tập đoàn LBJ Holding Co., doanh nghiệp gia đình được thành lập từ năm 1942.

Suốt quãng thời gian đó, bà Luci Baines vẫn gắn bó với ngành Điều dưỡng khi làm ủy viên bệnh viện và thay mặt cho đội ngũ điều dưỡng viên điều trần trước Quốc hội. Ở tuổi 49, bà có bằng cử nhân về truyền thông nhưng vẫn tiếc nuối tấm bằng của trường Đại học Georgetown. Trong bài phát biểu tại lễ nhận bằng Tiến sĩ danh dự, Luci Baines Johnson kể có lần bà đã đến London thăm bảo tàng dành riêng cho Florence Nightingale - người đã vượt qua những định kiến, giới hạn và được coi như người sáng lập ngành Điều dưỡng hiện đại. Bà Johnson nhắn nhủ với các sinh viên rằng: “Tất cả các bạn phải có động lực như Florence Nightingale. Hãy mơ ước, phục vụ và sống có mục đích”.