Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023, thông qua giữa năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ Tư pháp cùng thống nhất lộ trình sẽ trình Quốc hội xem xét Luật Thủ đô (sửa đổi) vào kỳ họp tháng 10 năm nay và dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5-2024...
Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội và Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị

Chiều 2-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) của Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì.

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, UBND thành phố đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách trên các lĩnh vực.

Ngày 30-12-2022, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Ngày 7-2-2023, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp cho ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Ngày 23-2-2023, Chính phủ đã tổ chức phiên họp để xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và cơ bản thông qua 9 nhóm chính sách như trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh báo cáo tại hội nghị

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động theo quy trình xây dựng Luật và dự kiến 14 nội dung hoạt động chính theo các mốc thời gian cụ thể.

Theo lộ trình dự kiến, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XV vào cuối năm 2023 và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy diễn ra tháng 5-2024...

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ban đầu, thành phố dự kiến đề xuất 16 nhóm chính sách trên các lĩnh vực; sau khi rà soát, xem xét kỹ lưỡng, thành phố đã cô đọng lại còn 9 nhóm chính sách.

Các nội dung này đều dựa trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đời sống Thủ đô như: Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội quy mô lớn đồng bộ về hạ tầng; khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, thu hồi các dự án có sử dụng đất kéo dài gây lãng phí; bảo vệ và phát huy kho tàng di sản, di tích văn hóa, lịch sử; phát triển các đô thị vệ tinh, kéo giãn mật độ dân cư đô thị lõi; tỷ lệ điều tiết ngân sách, nguồn lực đầu tư...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, Bộ Tư pháp, các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật tiếp tục đồng hành, sát cánh cùng thành phố Hà Nội với tinh thần khẩn trương, quyết liệt để hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và đúng lộ trình dự kiến.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao sự chủ động của thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) thời gian qua. Nhất trí với lộ trình và các đề xuất của thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm cơ chế, chính sách thực sự vượt trội, khả thi cho Hà Nội phát triển.