Luật chồng chéo "trói chân" công đoàn kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội chịu sự chi phối của 4 bộ luật, tuy nhiên, do cách hiểu chưa thống nhất nên tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý. 
Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Mở rộng diện bao phủ an sinh còn nhiều thách thức

Ngày 3/8, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 7 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 5 tháng cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố.

Thông tin về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ những tháng đầu năm, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết, tính đến hết tháng 7 năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 91,4%. Số người tham gia bảo hiểm y tế là hơn 7,5 triệu người, tăng 2,93% so với cùng kỳ năm 2021.

Về tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, toàn thành phố có hơn 1,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021; số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 64 nghìn người, tăng hơn 10 nghìn người so với cùng kỳ, đạt 87,9% kế hoạch giao...

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, nhiệm vụ phát triển tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,5% dân số Thủ đô theo như chỉ tiêu thành phố giao sẽ hoàn thành trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện là thách thức không nhỏ.

Cụ thể, để hoàn thành chỉ tiêu tỉ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%, 5 tháng cuối năm 2022 cần phát triển thêm ít nhất 9.436 người.

Để hoàn thành chỉ tiêu UBND TP giao về số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động và chỉ tiêu Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao năm 2022, những tháng cuối năm Hà Nội còn phải phát triển 44.614 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bình quân còn phải phát triển 15 người/xã, phường, thị trấn/tháng.

Nợ đọng bảo hiểm vẫn là bài toán nan giải

Thông tin về tình hình nợ đọng các loại bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, đến tháng 7/2022, có 75.866 đơn vị nợ với tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hơn 4.900 tỷ đồng, tăng 2,99% so với cùng kì năm 2021.

Về số nợ không thể thu hồi hiện nay, Bảo hiểm xã hội thành phố theo dõi hơn 12 nghìn đơn vị bỏ trốn, mất tích, giải thể, phá sản với số nợ bảo hiểm xã hội hơn 1.300 tỷ đồng.

Chỉ ra nguyên nhân của việc tăng số nợ bảo hiểm xã hội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, thực tế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và không chấp hành các quyết định thanh tra, kiểm tra.

Bàn về nội dung này, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Lê Đình Hùng cho hay, tình trạng nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm của các doanh nghiệp đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổ chức công đoàn Thủ đô đã nhận được 592 hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền là hơn 475 tủ đồng và có 175 hồ sơ Công đoàn khởi kiện đã được chuyển sang Tòa án nhân dân cùng cấp thụ lý. Tuy nhiên, số được thụ lý và khởi kiện không đáng kể do vướng mắc về mặt pháp lý.

Cụ thể, có luật quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng người lao động, điều này khó khả thi vì rất ít người lao động khởi kiện đơn vị, doanh nghiệp họ đang làm việc...

Việc khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội chịu sự chi phối của 4 bộ luật hiện hành gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, do cách hiểu chưa thống nhất nên Tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý.

Liên quan đến công tác nợ đóng bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TP giao ngành bảo hiểm xã hội phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, làm cơ sở xử lý vi phạm hình sự với các đơn vị nợ đóng, trốn đóng các loại bảo hiểm.