Lửa sáng từ địa đạo Nam Hồng

(ANTĐ) - Nam Hồng, Vĩnh Mốc, Củ Chi, những tên đất, tên làng cũng là tên địa đạo trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tinh thần yêu nước bất khuất; yêu tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Lửa sáng từ địa đạo Nam Hồng

(ANTĐ) - Nam Hồng, Vĩnh Mốc, Củ Chi, những tên đất, tên làng cũng là tên địa đạo trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đã trở thành biểu tượng cao đẹp của tinh thần yêu nước bất khuất; yêu tự do, hòa bình của dân tộc Việt Nam.

 Hệ thống địa đạo Nam Hồng dài hơn 10km, với bao câu chuyện cảm động về những người anh hùng vô danh, đã thôi thúc chúng tôi trở về làng chiến đấu năm xưa.

Ông Nguyễn Văn Bắc, nguyên xã đội phó xã Nam Hồng (Đông Anh)
Ông Nguyễn Văn Bắc, nguyên xã đội phó xã Nam Hồng (Đông Anh)

“Nơi hầm tối là nơi sáng nhất”

Hai “lão tướng” du kích, ông Nguyễn Văn Bắc, 85 tuổi, nguyên xã đội phó và bà Trần Thị Tẩy, 70 tuổi, nữ du kích Nam Hồng hồ hởi tiếp chuyện chúng tôi. Nhìn ông Bắc vẫn giữ được vóc dáng chắc khỏe, nhanh nhẹn và khuôn mặt bà Tẩy với đôi mắt sáng, miệng cười tươi giòn, hàng răng hạt na đen rưng rức, tôi thầm nghĩ: “Đất ấy, người ấy, nên Nam Hồng trở thành vùng “đất thép” của Hà Nội là phải.

Theo bước chân của hai “lão tướng”, chúng tôi đi thăm những đoạn địa đạo còn lại. Từ trục đường chính rộng thoáng đã trải nhựa, đi vào các ngõ xóm quanh co lát gạch đỏ sẫm, thật khó có một hình dung đầy đủ về hệ thống địa đạo nối liền các thôn.

 Trong sự thái bình, yên ả của làng quê, những ruộng rau cải, su hào, bầu bí xanh mỡ màng trải dài tít tắp trên đất bãi lại càng không thể hình dung ngày xa xưa ấy, làng xóm, ruộng đồng bị bom đạn giặc cày nát, tan hoang không còn một lá cây, ngọn cỏ. Ông Bắc kể: “Khi giặc Pháp chiếm đóng Nam Hồng, cho lập tề ngụy, đóng bốt ở thôn Mỹ Nội, chúng tôi phải đào hầm chông, lập làng chiến đấu để chống những cuộc càn quét quy mô lớn của chúng từ Phù Lỗ (Đông Anh) và Phúc Yên xuống.

9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân dân Nam Hồng đã đánh 308 trận, diệt 354 tên, làm bị thương 153 tên, bắt sống 11 tên, 135 tên phải quy hàng; thu 72 súng trường, 3 súng tiểu liên, 780 lựu đạn, phá 3 xe lội nước, 1 trung liên, hàng chục mét đường sắt của địch.

Trong 2 cuộc kháng chiến, Nam Hồng đóng góp cho đất nước 247 liệt sĩ, 80 thương binh, 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Ghi nhận những đóng góp to lớn trên, năm 1996, Nhà nước đã tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ và nhân dân xã Nam Hồng.

Trận đầu chạm trán với quân lê dương (13-9-1949) được trang bị hiện đại, du kích thôn Tằng Mi bị tổn thất lớn, dân phải tản cư lên núi Sóc lánh nạn. Nhưng bỏ làng để bọn giặc mặc sức hoành hành mãi sao được? Xót xa lắm! Chúng tôi lại đưa dân và du kích về bám trụ đất quê hương mà sản xuất, chiến đấu chống địch, phá tề. Địa đạo ra đời từ đó”.

Ông cười sảng khoái: “Chúng tôi phải “khoán” cho du kích đấy. Cháu lạ lắm à? Thế này, mình vẫn trồng lúa, ngô thì mới sống mà uỵch nó được. Nó đến thì xách súng quả na, mìn muỗi, mã tấu ra chống càn. Nó đi thì mình lại đào hầm rồi ra đồng cày cấy.

Tôi giao chỉ tiêu mỗi du kích phải đào được ít nhất 2m/ngày - phải nhích từng mét trong lòng đất, không phải bằng thuổng, cuốc, xẻng mà bằng liềm bẻ cong lại để cạo từng bát đất cho vào bị đem ra ao, xa nơi đào. Cứ như vậy, phải 4-5 đêm mới đào được hầm sâu 2-3 mét chứa 1-2 người.Vì đào trong lòng đất từ hai đầu lại, muốn nối thông đường phải gõ “bồm bộp” trong lòng đất, xem có bị lạc nhau không”.

Cửa hầm trong lòng nhà
Cửa hầm trong lòng nhà

Nhưng rồi hệ thống địa đạo và giao thông hào vẫn liên hoàn trong thôn và giữa các thôn với nhau. Mặc bom cày, đạn xới, du kích Nam Hồng kiên gan, bền lòng đào được 465 hầm bí mật, 2.680 hố tác chiến, 3.469m địa đạo sâu hơn 1m, 5.900m giao thông hào và hào chiến đấu, đắp 800m thành lũy.

Riêng ổ tác chiến thông với hầm bí mật thường có 3 lỗ châu mai, từ lòng đất ghếch súng lên mà đánh. Đang “say” chuyện cũ, bà Tẩy góp: “Địa đạo thông với hầm bí mật trên đường làng vào cả trong lòng nhà đấy, vì nó càn quét dữ lắm. Có trận, nó xông vào nhà dân, bắt được du kích, treo ngược anh Nguyễn Văn Thúy, Phạm Văn Mặc lên gốc mít sau nhà rồi cắt cổ”.

Chúng tôi đến nhà bà Lại, tận mắt nhìn căn hầm bí mật sâu hun hút. Cảm giác rùng rợn, ớn lạnh chợt đến khi tôi vòng ra sau nhà, nơi hai du kích bị lũ ác ôn cắt cổ dã man như thời trung cổ; càng thấm thía mỗi tấc đất đều thấm máu đào của bao anh hùng vô danh.

Bà Lại vừa băm rau khoai lang vừa nói: “Bố tôi hy sinh năm 1953, bốn chị em tôi đều là du kích. Hầm mà các cháu vừa xem có đường bí mật thông với phía trước vườn ra đồng và thông ra sau sang nhà ông Dộc đấy”.

Địa đạo Nam Hồng, chiến tranh du kích ở Nam Hồng là thế! Trên mảnh đất Nam Hồng, quân đội Pháp thiện chiến nã đại bác từ bốt Chèm sang, từ tàu chiến trên sông Hồng lên; kết hợp máy bay ném bom, bộ binh càn quét hòng hủy diệt Nam Hồng, quyết triệt hạ bằng được cái chấm đỏ trên bản đồ - cửa ngõ quan trọng ở phía Bắc thành phố. Tám năm kháng chiến gian khổ không kể xiết, Nam Hồng bị giặc chà đi xát lại 10 trận càn lớn.

Những lũy tre bị chặt trụi, 2.047 nóc nhà thành tro than, xóm làng không còn tiếng gà gáy, 461 du kích và dân lành bị giết, 420 phụ nữ bị giặc hãm hiếp. Lão tướng Nguyễn Văn Bắc bùi ngùi cho tôi xem bản thảo lịch sử thôn Tằng Mi với những dòng thô ráp nhưng đầy xúc động: “Nhân dân thật vô cùng cực khổ, nhưng càng cực khổ bao nhiêu, càng căm thù giặc bấy nhiêu.

Chiến đấu giải phóng quê hương đã trở thành khát vọng lớn nhất của những người nông dân mặc áo nâu sồng, cầm súng, tin một ngày mai được ăn bát cơm thơm hương gạo mới dưới trời tự do, vang tiếng sáo diều chiều đồng quê yên ả.

Phụ nữ chỉ quen việc đồng áng, cơm nước, dẻo vai gánh gồng, hăng hái xung phong vào du kích. Các em thiếu niên xung phong làm liên lạc. Du kích tự tạo vô số mìn kiềng, mìn cóc, mìn chai đánh giặc, phá tề ngụy, đồn bốt, tháp canh. Địch tái lập tề, ta lại phá. Địch càn quét, ta xuống địa đạo; từ lòng đất xông lên mà đánh để giành lại quyền sống của con người”.

Tiễn chúng tôi ra ngõ, lão tướng du kích dặn đi dặn lại: “Các cháu cầm bản thảo về xem, khi nào đăng bài viết, nhớ báo cho ông biết”, rồi ông nhìn sang bà cụ đang lúi húi quét dọn sau ngõ, vui vẻ: “Bà ấy cũng là du kích đấy”.

Quả là “ra ngõ gặp anh hùng”. ở đâu tôi cũng được thấy, được nghe chuyện “ngày xửa, ngày xưa” của người dân bình dị, chân chất, hồn hậu kể lại cuộc chiến đấu anh dũng giành lại độc lập, tự do, tự nhiên như “lẽ trời phải thế”.

Phạm Thị Kim Thanh