Lúa ngập úng vì nông dân “xé” lịch

ANTĐ - Mặc dù Sở NN-PTNT Phú Yên đã chỉ đạo các địa phương tập trung xuống giống vụ đông xuân đúng lịch thời vụ, tránh tác động bất lợi của thời tiết, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Tuy nhiên, nhiều nông dân đã tự “xé” lịch, triển khai gieo sạ sớm, gặp mưa lớn nhiều ngày lúa bị ngập úng, hư hỏng.
Hâụ  quả  nhãn  tiền  do “xé” lịch thời vụ

Để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thời tiết đối với năng suất lúa đông xuân, Sở NN-PTNT Phú Yên đã yêu cầu các địa phương tổ chức gieo sạ tập trung từ ngày 15/12-10/1/2012. Thế nhưng nhiều nơi mới đầu tháng 12, nông dân đã tiến hành gieo sạ đồng loạt.

Bà Võ Thị Tâm ở thôn 5, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An buồn bã cho biết, đã sạ lúa lần 2 trên diện tích 1,3 sào tại cánh đồng Gò Rồng, xã An Ninh Đông, nhưng đều bị nước lũ ngâm nhiều ngày, lúa thối toàn bộ. Giờ chỉ còn 1 sào giống đã nảy mầm đang phơi, chờ nước rút để tiếp tục gieo sạ. Tuy nhiên, mấy ngày nay trời tiếp tục có mưa, ruộng bị ngập lênh láng. Lúa giống phơi đã héo mọng, nếu không sạ kịp phải đổ cho gà ăn.

Gần như toàn bộ diện tích cánh đồng thôn 5, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An
ngập bị ngập, người dân tát nước lúa cứu lúa giống.

Cùng hoàn cảnh, Bà Nguyễn Thị Liên, có ruộng cạnh bà Tâm than vãn: “Do ruộng trũng nên phải sạ sớm. Ai ngờ mới sạ xong, vừa bưng thúng về nhà thì trời mưa to, sáng ra nước nổi trắng đồng. Nhiều hộ khác làm ruộng tại cánh đồng này cũng chịu cảnh tương tự, nước ngập, giống bị dồn, ngập úng. Hiện nay, dọc đường nội đồng (từ cánh đồng Gò Rồng qua đồng Cà Da, xã An Ninh Đông) có gần 50ha lúa đông xuân mới gieo sạ bị những cơn mưa liên tiếp vừa qua gây ngập, giống bị ngâm nhiều ngày liền dẫn đến hư hỏng gần như hoàn toàn.

Còn tại xã An Định, huyện Tuy An, nông dân bừa kéo láng, chưa kịp gieo sạ lúa thì gặp mưa nên phải chờ nước rút. Nhiều người đã mang giống ra tận chân ruộng, gặp đồng lênh láng nước đành quay về. Theo một số nông dân, khi ruộng rút nước sẽ để lại lớp bùn chai cứng trên bề mặt, phải tốn công làm đất lại. Ông Trần Duy Tân ở xã An Định nói: “Ruộng nhà tôi gần suối cầu Cây Cam mới sạ xong thì gặp mưa, tưởng đâu mưa một ngày rồi dứt, nào ngờ kéo dài mấy ngày liền, nước tràn ngập ruộng phải tát liên tục 3 ngày. Rất may là mầm lúa chưa ra lá, nếu không sẽ bị thối.

Tại các cánh đồng Bàu Đâu, Cầu Tre, Bàu Sạp…nông dân huyện Đông Hòa và các phường Phú Lâm, Phú Đông, Phú Thạnh (TP Tuy Hòa), sau ngày 23/10 Âm lịch đã tập trung gieo sạ. Theo nhiều nông dân, do đồng trũng, lại gieo giống lúa dài ngày có thời gian sinh trưởng 4 tháng, nên phải sạ sớm để tránh chính lịch thời vụ. Thời điểm này các cánh đồng lân cận thường sạ đồng loạt, nước sẽ dồn dập về. Chị Dương Thị Lâm ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa thở dài: “Mới sạ xong thì gặp mưa nên phải thường xuyên túc trực tại ruộng để tát nước. Nhưng do mưa kéo dài, tát không xuể nên giống hư toàn bộ phải sạ lại”. Theo ông Phan Khánh, Trưởng Phòng kinh tế TP Tuy Hòa, nhận định thấy thời tiết bất lợi nên trước khi vào vụ sản xuất lúa đông xuân năm 2011-2012, đã triển khai cho các HTX khuyến cáo bà con nông dân tuân thủ lịch thời vụ. Năm nay sẽ xuất hiện lũ muộn nên gieo sạ chậm hơn các năm trước để khi lúa trổ tránh gặp thời tiết lạnh.

Trăn trở cả đêm chăm ruộng

Từ khi gieo sạ lúa đông xuân (từ ngày 15/12 đến nay), trên các thửa ruộng trũng của thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), đêm nào cũng có người chăm sóc lúa. Người dân phải be bờ tát nước, đắp mội rịn. Nông dân Huỳnh Hồ Hải cho biết, gần một tuần nay, hầu như đêm nào cũng thức trắng để chăm sóc ruộng sạ. Đầu hôm phải trực ngoài ruộng từ 7 đến 10 giờ. Tối về nhà tranh thủ chợp mắt, đến khoảng 1 giờ đêm  lại phải ra ruộng tát nước tới sáng. Còn ông Hai Sơn, cũng ở địa phương này ngán ngẩm: “Không ở đâu làm ruộng khổ như chúng tôi. Đêm hôm khuya lạnh như cắt da, vợ chồng cũng phải lụi cụi ra đồng lội ruộng tát nước. Nhiều người đuối sức không thức nổi, đành để ruộng ngập nước, lúa non úng thối hết, phải tốn công, tiền mua giống sạ lại”. Theo người dân địa phương, tình trạng này đã diễn ra đã nhiều năm nên nhà nào cũng phải sắm gàu sòng tát nước cả ngày lẫn đêm.

Thôn Phước Nhuận có 50ha ruộng trũng thấp, trong đó cánh đồng đội 3 và 4 rộng khoảng 30ha. Do hệ thống kênh mương nội đồng bằng đất đắp, lại bị xuống cấp lấp nên khó thoát nước. Còn cánh đồng đội 1 và 2 rộng 20ha, có kênh thoát nước kéo dài qua thôn Phước Lộc vừa được kiên cố hóa, nhưng chừa lại một đoạn dài khoảng 100m. Do đoạn kênh này bị bồi lấp quá lớn nên nước không thoát kịp. Ông Trịnh Kỳ Phương, Chủ nhiệm HTX Phước Nhuận nói: “Tuyến kênh thoát nước ruộng ở đội 1và 2 nếu được thi công thêm một đoạn nữa thì nông dân khỏi phải nhọc công tát nước. Riêng tuyến kênh đội 3và 4, muốn tránh ngập úng phải được kiên cố hóa!”.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, vừa qua toàn tỉnh có hơn 1.500ha lúa gieo sạ, trong đó có hơn 200ha bị ngập úng phải gieo sạ lại.