Lừa đảo công nghệ cao diễn biến phức tạp, nổi lên nhiều phương thức mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thống kê của Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, tội phạm lừa đảo giảm, nhưng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội thông tin - Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trên địa bàn thành phố là 153 vụ, giảm 16 vụ = 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Cơ quan công an đã điều tra khám phá 132 vụ, bắt giữ 165 đối tượng, đạt tỷ lệ 86,3%.

Một số thủ đoạn điển hình đã được cơ quan chức năng thống kê

Một số thủ đoạn điển hình đã được cơ quan chức năng thống kê

Tuy nhiên, theo chỉ huy Phòng CSHS, tội phạm sử dụng thủ đoạn công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp. Cụ thể, nổi lên một số phương thức, thủ đoạn như giả danh cán bộ làm trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa đảo; đặc biệt đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao VoIP (Voice Over Internet Protocol) - truyền tải giọng nói qua mạng Internet, GoIP- thiết bị chuyển cuộc gọi qua mạng Internet thành cuộc gọi GMS thông thường, có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Giả mạo chủ tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook để lừa đảo. Đáng chú ý trong thủ đoạn này, xuất hiện hình thức đối tượng sử dụng công nghệ "deepfake" (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video của người có mối quan hệ với bị hại, sau đó thực hiện cuộc gọi "video call" để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Người dân cần cảnh giác, bình tĩnh khi tiếp nhận các cuộc gọi giả mạo

Người dân cần cảnh giác, bình tĩnh khi tiếp nhận các cuộc gọi giả mạo

Ngoài ra, còn các thủ đoạn lừa đảo như thông qua hoạt động tuyển dụng việc làm online, tuyển cộng tác viên bán hàng online; chiếm đoạt quyền truy cập, quản lý và sử dụng tài khoản Internet banking của bị hại thông qua các hình thức như: yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP hoặc yêu cầu truy cập trang web giả mạo của ngân hàng...

Mới đây, CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội đã nhận diện, cảnh báo tới nhân dân thông qua các nhóm Zalo cộng đồng 21 thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao. Trước đó, CATP Hà Nội cũng đã khuyến cáo người dân cảnh giác với 20 thủ đoạn lừa đảo mới. Có thể thấy, thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp, đa dạng, muôn hình vạn trạng, khiến người dân như rơi vào mê cung, bị dẫn dụ, thao túng tâm lý. Thậm chí khi đã mất hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo, người bị hại vẫn không hề mảy may nghi ngờ, tiếp tục chuyển tiền, dẫn đến mất số tiền đặc biệt lớn.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, trong giai đoạn đẩy mạnh và tăng tốc chuyển đổi số hiện nay, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự bùng nổ về công nghệ thông tin, những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao. Khi các công nghệ mới xuất hiện, đối tượng tấn công mạng, lừa đảo cũng sẽ tìm cách để lợi dụng, khai thác đánh vào điểm yếu nhất - đó là con người, áp dụng nhiều biện pháp tác động để thao túng tâm lý rồi dẫn dắt nạn nhân theo kịch bản của chúng. Các hình thức lừa đảo trên mạng, qua điện thoại liên tục gia tăng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm đến lừa đảo đầu tư… nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng đều là tiền.

Khi đối diện với những tình huống bất ngờ, người dân cần bình tĩnh, dùng nhiều cách kiểm chứng lại thông tin và khi có bất cứ một nghi ngờ nhỏ nào hãy thông tin cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn, tuyệt đối không nóng vội thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền của đối tượng.

Trong thời gian qua, với sự cảnh giác của người dân, cán bộ ngân hàng, CATP Hà Nội đã chặn được nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản công nghệ cao. Do đó, biện pháp hàng đầu để ngăn chặn thiệt hại trong các vụ lừa đảo công nghệ cao chính là ý thức cảnh giác của người dân.