Lộn xộn trông giữ xe - ngân sách thất thu tiền tỷ (2): Trăm hoa đua nở, tiền vào túi ai?

ANTD.VN - Theo tìm hiểu của phóng viên, Hà Nội hiện có hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép trông giữ xe. Hệ quả của tình trạng “trăm hoa đua nở” này dẫn tới phần lớn doanh thu của dịch vụ này chảy vào túi tư nhân.

Tại điểm trông giữ xe ở Bưu điện Bờ Hồ, người gửi phải trả từ 10-15 nghìn đồng/xe máy Ảnh: Lam Thanh

Theo quy định về phân cấp, phân quyền của UBND TP Hà Nội, các điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố do Sở GTVT Hà Nội và các quận, huyện cấp phép. Đáng nói, khâu hậu kiểm lơi lỏng là nguyên nhân gây ra tình trạng “chặt chém” người gửi xe hoặc tổ chức trông giữ xe khi chưa có giấy phép và cả tình trạng sử dụng quá diện tích được cấp phép. 

Vai trò quản lý mờ nhạt

Nhìn nhận về hoạt động trông giữ xe trên địa bàn thành phố hiện nay, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, quá lộn xộn, thiếu quản lý, gần như không có sự giám sát, nhất là ở khâu hậu kiểm.

“Theo phân cấp mà thành phố quy định, hầu hết các điểm trông giữ xe dưới lòng đường do Sở GTVT cấp phép, trừ một số tuyến giao về cho quận, huyện quản lý. Còn thẩm quyền cấp phép trông giữ xe trên vỉa hè thuộc về UBND các quận, huyện. Tuy nhiên, chúng ta chỉ cấp phép mà chưa có hậu kiểm. Thực tế, hoạt động quản lý các điểm trông giữ của đơn vị cấp phép và trách nhiệm của chính quyền các quận, huyện còn hết sức mờ nhạt”, ông Trần Đăng Hải nói.

Thực tế trên cũng được các cơ quan dân cử chỉ ra sau khi khảo sát một số điểm trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội. Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội cho rằng, một trong các nguyên nhân khiến hoạt động trông giữ xe lộn xộn là do sự thiếu chủ động và kiên quyết của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng tại địa bàn có điểm trông giữ xe.

Có một thực tế là dù hoạt động trông giữ xe mang lại lợi nhuận cao  nhưng rất hiếm đơn vị, doanh nghiệp đầu tư bài bản, quy củ. Có vẻ như, nó càng lộn xộn, càng bát nháo thì người ta mới dễ kiếm chác

Liên quan đến trách nhiệm kiểm soát của lực lượng Thanh tra GTVT, ông Trần Đăng Hải thông tin, muốn kiểm tra một điểm trông giữ xe phải có đủ thành phần của các sở, ban, ngành như Tài chính, Thuế… Để thành lập được một đoàn liên ngành kiểm tra về hoạt động trông giữ xe thì một năm nhiều nhất cũng chỉ được 2 lần.

“Chỉ trông chờ vào lực lượng Thanh tra GTVT thì không thể kiểm soát, xử lý hết được vi phạm vì còn liên quan đến nhiều sở, ngành, quận, huyện… Thanh tra cũng không thể túc trực 24/7 để giám sát các điểm trông giữ xe vi phạm để xử lý. Theo tôi, trách nhiệm cao nhất vẫn phải do đơn vị cấp phép. Anh cấp phép thì anh phải quản lý, giám sát, nếu đơn vị nào làm sai thì thu hồi giấy phép”, ông Trần Đăng Hải phân trần.

Khó khai phá doanh thu của “thế giới ngầm”

Đánh giá hoạt động trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội hiện nay là quá lộn xộn và bát nháo, ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội nêu quan điểm: “Trên một tuyến phố trung tâm, nơi tạm coi là “mỏ vàng”, thậm chí có đến 10 đơn vị cùng tham gia trông giữ xe. Mỗi điểm thu tiền một mức chẳng theo quy định nào. Mỗi bãi xe phát ra một loại vé, chỗ thì do cơ quan Nhà nước phát hành, chỗ thì ghép cả ảnh của chủ cơ sở. Mỗi đơn vị một loại trang phục, người đồng phục mũ mão, phù hiệu chỉnh tề, người lại quần soóc, áo ba lỗ rất nhếch nhác. Các chuyên gia giao thông nước ngoài sang Việt Nam đều không thể hiểu nổi tại sao Thủ đô Hà Nội cứ để mãi tình trạng bát nháo như vậy”, ông Phạm Văn Đức than thở.

Trong bối cảnh gần như 100% các bãi trông giữ xe thu quá giá vé quy định, người dân bị móc túi trắng trợn còn thành phố thì thất thu thuế, lợi nhuận “khủng” lặng lẽ chui vào tài khoản của “một nhóm cá nhân nào đó”. Đi tìm câu trả lời cho con số thu ngân sách từ hoạt động trông giữ xe trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi không thể có được “đáp án” từ các sở, ngành chức năng bởi trên thực tế, loại hình dịch vụ này diễn ra ở khắp nơi, rất nhiều nơi cấp phép nên không thể thu thập được con số chính thống đáng tin cậy. 

Thế nhưng, với gần 7 triệu ô tô, xe máy, xe đạp các loại trên địa bàn thành phố, chỉ cần tính mức thu thực tế gấp đôi giá quy định của thành phố (3.000 đồng/lượt xe máy) thì hàng năm, số tiền chảy vào túi tư nhân “khủng” đến như thế nào trong khi ngân sách thành phố thì thất thu cực lớn.

Nghe chúng tôi kể lại “thất bại” của mình, một doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực trông giữ xe ở khu vực trung tâm Hà Nội nói: “Muốn thống kê được, thành phố phải thành lập một ban chỉ đạo để “thu gom”, xử lý số liệu từ các sở, ngành, quận, huyện để nắm được đại thể chứ ai mà nắm hết được “thế giới ngầm” của hoạt động trông giữ xe ở khắp Hà Nội rộng lớn này. Béo bở lắm đấy nhưng Nhà nước chả được bát nước xáo đâu…”.

Càng lộn xộn càng kiếm bộn tiền

Trong quá trình tìm hiểu thông tin cho loạt bài này, chúng tôi phát hiện một thực tế là dù hoạt động trông giữ xe dễ “kiếm” như thế nhưng rất hiếm đơn vị, doanh nghiệp đầu tư bài bản, quy củ vào lĩnh vực này. Có vẻ như, nó càng lộn xộn, càng bát nháo thì người ta mới dễ kiếm chác, còn nếu làm ăn minh bạch, đúng quy định thì lại không còn là “món hời”.

Đại diện một doanh nghiệp được cấp phép trông giữ xe ở khu vực trung tâm thành phố (đề nghị giấu tên) bày tỏ: “Các điểm trông giữ xe của chúng tôi đều phải được Sở GTVT cấp phép, đồng bộ hệ thống từ con người tới vé, trang thiết bị và khi xảy ra sự cố như vi phạm giá vé, trông giữ quá diện tích… các sở, ngành cứ “túm thằng có tóc” để xử lý, xử phạt nên chúng tôi phải thường xuyên chấn chỉnh nhân viên của mình làm đúng quy định”.

Thế nhưng, trong khi doanh nghiệp này cố gắng tuân thủ đúng quy định thì các điểm trông giữ bên cạnh lại thản nhiên làm ăn “chộp giật”, sẵn sàng thu vé cao hơn quy định gấp 2-3 lần, thậm chí phát hành những loại “vé ma”, nằm ngoài quy định để trốn thuế mà vẫn “sống khỏe”. “Làm ăn đúng luật thì khó lắm, nên đôi khi cũng phải thu quá lên” - vị này cho biết.

Thừa nhận việc đầu tư các điểm trông giữ xe hiện đại, quy mô trên địa bàn Thủ đô rất chậm trễ, ông Phạm Văn Đức - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho rằng, để làm được một điểm đỗ xe phải có quy hoạch.

“Các điểm đỗ xe theo quy hoạch cũ đã biến thành trung tâm thương mại, nhà cao tầng, còn quy hoạch mới thì vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa được phê duyệt nên không doanh nghiệp nào đầu tư. Hơn nữa, thành phố vẫn chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng và ổn định về đất đai, tài chính, thuế… để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. 

Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, đầu tư một điểm trông giữ xe hiện đại, văn minh đòi hỏi chi phí cao và đặc biệt là phải mất 20-30 năm mới thu hồi được vốn nên rất ít doanh nghiệp mặn mà. Thực tế là trong nhiều năm qua, một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao tiềm năng của dịch vụ trông giữ xe tại Hà Nội nhưng khi vào cuộc, khảo sát kỹ hơn, họ lại đành bỏ cuộc. Không chỉ vì thời gian thu hồi vốn kéo dài mà nhà đầu tư còn e ngại sự không ổn định của chính sách và nhất là lo không cạnh tranh nổi với những đối tượng làm ăn bát nháo, sẵn sàng vi phạm để trục lợi… 

Cục Thuế Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các phòng Kiểm tra, các Chi cục thuế quận, huyện, thị xã phối hợp kiểm tra các điểm trông giữ xe do đơn vị mình quản lý, kiên quyết xử lý theo quy định đối với các trường hợp vi phạm quy định về việc niêm yết mức thu tại địa điểm trông giữ; vi phạm quy định về việc sử dụng hóa đơn; vi phạm về mức thu... 

Trường hợp cố tình vi phạm, vi phạm nhiều lần phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép sử dụng hè, lề đường để chấm dứt hoạt động trông giữ xe. Trường hợp vi phạm đến mức phải xử lý hình sự thì lập hồ sơ chuyển cơ quan công an để xử lý.  

Đồng thời, thống kê, rà soát, phân loại các tổ chức, cá nhân có hoạt động trông giữ xe do Phòng, Chi cục Thuế quản lý để xây dựng kế hoạch kiểm tra việc kê khai doanh thu phù hợp với thực tế kinh doanh, đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. 

(Còn nữa)