Lời sám hối của tử tù sát hại mẹ chỉ vì xin tiền không được

ANTĐ - Ngồi trong trại giam chờ đến những ngày cuối cùng của cuộc đời, để trả giá cho tội ác không thể dung thứ của mình, tử tù Nguyễn Mạnh Dương (trại giam Kon Tum) đã từng khóc hết nước mắt vì sự hối hận đến tột cùng khi chỉ vì một phút nóng giận nhất thời, y đã nhẫn tâm sát hại người mẹ nghèo khó cả một đời tảo tần nuôi mình khôn lớn, hy vọng y thành người có ích cho xã hội.
Lời sám hối của tử tù sát hại mẹ chỉ vì xin tiền không được ảnh 1

Người mẹ nghèo và đứa con nghịch tử

Phải khó khăn lắm, tử tù Nguyễn Mạnh Dương mới đồng ý tiếp chuyện cùng chúng tôi, bởi đối với Dương, những ngày chờ đợi đến lúc trả án nặng tựa ngàn cân. Thế nhưng, dù ở bất cứ con người nào, dù có phạm phải những tội ác man rợ đến đâu thì tận sâu trong góc khuất của họ đều có những con đường sáng.

Thường thì khi phải trả giá cho hành động của mình bằng một bản án nghiêm khắc nhất, thì đó là lúc phần “thiện” trong con người mới được đánh thức. Họ ân hận, nuối tiếc vì “một phút” nông nổi của mình, đã khép lại cánh cửa tương lai đang rộng mở trước mắt và hơn nữa phải trả giá bằng chính sự sống của mình thì lúc đó mới thấy hối tiếc cuộc sống tươi đẹp này. Đối với tử tù Nguyễn Mạnh Dương cũng không phải là ngoại lệ.

Nguyễn Mạnh Dương (SN 1979, tổ dân phố 7, thị trấn Plei Cần - Ngọc Hồi - Kom Tum) từng là một đứa con ngoan, từng là niềm hy vọng của cha mẹ, từng là một người bình thường như bao người khác. Y cũng hy vọng vào một cuộc sống êm đềm, đủ ăn đủ mặc. Thế nhưng không ai ngờ trong một phút giận dỗi mù quáng, y lại là hung thủ gây ra vụ án rùng rợn ở một thị trấn miền núi. Nhớ lại những ngày tháng ấy, Dương cứ cúi gằm mặt, đôi vai rung lên rưng rức.

Y hối hận đến tột cùng vì hành vi của mình gây ra, nhưng trên hết là y cảm thấy mình thật có lỗi với người mẹ. “Tôi được mẹ thương nhất nhà, thế nhưng sự thương yêu của mẹ lại khiến tôi ảo tưởng, cứ đòi gì được nấy. Nhiều lần tôi đòi hỏi những sự quá đáng, nhưng mẹ tôi vẫn cố gắng đáp ứng. Tôi không biết lưng mẹ ngày càng còng thêm, tóc mẹ ngày càng bạc thêm, tay mẹ gầy hơn vì phải làm lụng nhiều hơn để lo cho những sự đòi hỏi của tôi!”, Dương nức nở bắt đầu câu chuyện như thế.

Dương kể lại, trước đây mình cũng là một đứa con ngoan hiền, luôn biết nghe lời mẹ và anh em trong nhà, nhưng chẳng hiểu sao từ khi lấy vợ được thì Dương bất ngờ trái tính, trái nết. Hai vợ chồng đã không chịu làm ăn lại còn hay chơi bời khiến cho kinh tế gia đình suy sụp rồi dẫn đến cơ sự này. “Tôi là đứa con bất hiếu!”, Dương gục mặt xuống bàn. Người mẹ vốn chỉ dựa vào sự tần tảo sớm hôm quanh cây lúa, con lợn, con gà để nuôi 4 anh em Dương khôn lớn.

Hai đứa em gái lấy chồng ở miền Trung, anh trai Dương thì sớm lập nghiệp ở  miền Nam còn Dương thì cũng mới được mẹ cưới vợ cho gần 3 năm về trước. Kinh tế chẳng khá giả gì nhưng trong tâm trí của Dương, người mẹ khốn khó ấy chẳng bao giờ để cho 4 anh em phải chịu đói khát hay thua thiệt bạn bè. Nhưng từ khi có vợ, tính tình của Dương bỗng đổi khác. Hai vợ chồng chẳng chịu làm ăn mà suốt ngày chơi bởi, lêu lổng.

Rồi lần lượt 2 đứa con ra đời khiến cho kinh tế của vợ chồng Dương ngày càng khó khăn. Không hiểu vì sao, từ khi có vợ Dương quay sang ghét mẹ, xa lánh anh em trong nhà. Từ đó, mâu thuẫn giữa vợ chồng Dương với mẹ ngày càng lớn, đặc biệt là sau ngày vợ chồng Dương làm ăn thua lỗ phải bán nhà về ở cùng với mẹ thì những mâu thuẫn lại càng xảy ra thường xuyên hơn. 

Cuối cùng, vợ chồng Dương đã lên kế hoạch sát hại người mẹ tội nghiệp này, sau khi sát hại mẹ xong, Dương định vứt xác xuống đoạn sông cạnh nhà nhưng không thành nên đành vứt xuống giếng để chờ có cơ hội sẽ phi tang. Không ngờ, sau mấy ngày thi thể người mẹ buộc trong bao tải bốc mùi hôi thối nên mọi người trong vùng mới phát hiện được.

Khi bị bắt, Dương đã thành thật khai nhận rằng sau khi đi uống rượu, Dương về xin tiền mẹ nhưng bà cụ không cho cộng với mâu thuẫn giữa 2 mẹ con trước đó nên Dương đã dùng dao chém vào đầu, vào chân mẹ gây thương tích và ngay sau đó, Dương còn tiếp tục dùng khúc cây đánh nhiều nhát vào đầu bà Cử cho đến chết. Sau khi giết chết mẹ đẻ của mình, Dương đã dùng bao tải, túi ni lông và mềm quấn cột quanh thi thể rồi vứt xuống giếng nước trước sân nhà để phi tang.

Qua hai phiên xét xử vụ án hình sự số 178/2014/HSPT ngày 14/4/2014 của Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, Nguyễn Mạnh Dương đã bị tuyên phạt tử hình với tội danh “Giết người”. Vợ nghịch tử Nguyễn Mạnh Dương là Lê Thị Tuyết được cơ quan công an cho tại ngoại do đang nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi, nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú để hoàn tất hồ sơ điều tra và sẽ xét xử trong một phiên tòa gần nhất.

Sự ân hận của đứa con chờ ngày trả án

Đã gần 1 năm, kể từ ngày hắn bị tuyên án tử hình, cũng như bao tử tù khác, không biết chắc mình có được ân giảm không? Đêm nào cũng vậy, hắn hồi hộp nghe ngóng xem có nhiều tiếng chân đi đến, dừng lại trước cửa phòng của mình vào lúc rạng sáng không? Hắn không biết có phải luật quy định, hay con người ta thường nghĩ bóng tối luôn đồng hành cùng với tội lỗi, và do vậy muốn kết thúc tội ác từ trong bóng đêm, trước khi bình minh đến, khởi đầu một ngày mới trong sáng, thánh thiện, không còn cái ác nữa.

Hắn cũng như các tử tù khác, đều chuẩn bị sẵn cho mình một bộ quần áo mới, đôi tất chân, găng tay và cả dầu gội, xà phòng để nếu có phải “đi” cũng “đi” cho sạch sẽ, để trả hết nợ và rửa sạch tội lỗi mang trên mình. Chỉ khi nào nghe tiếng kẻng báo thức, hắn mới biết chắc mình còn được sống thêm một ngày nữa. Và chỉ dám chắc như vậy thôi, sau đó lại là những đêm chờ đợi… cho đến khi tiếng kẻng báo thức vang lên…

Hắn cúi gằm mặt, không dám nhìn ai, giọng lí nhí: “Tôi hối hận nhiều lắm vì đã sát hại mẹ của mình. Đối với một kẻ từng gây nên tội ác trời không dung, đất không tha như tôi, phút lắng lòng sẻ chia có thể trở thành trò cười, thậm chí trò lố trong mắt người khác. Nhưng nỗi nhớ gia đình, nhớ vợ, nhớ con tha thiết… là thật sự. Mỗi chiều, tôi lại để lòng mình lắng sâu cùng tiếng hát bay qua khung cửa sổ bé tẹo, như nỗi nhớ hiếm hoi phát ra từ chiếc loa phát thanh của Trại”. Đó là lời bộc bạch của tử tù Nguyễn Mạnh Dương trong một buổi giáo dục.

Hơn 1 năm trong phòng biệt giam, Dương lúc nào cũng cảm thấy đau đớn, ân hận vô cùng.

Lương tâm của một đứa con bất hiếu luôn bị giằng xé cắn rứt. Dương cứ ao uớc gì thời gian quay ngược trở lại, hắn sẽ sẽ không đối xử như vậy với mẹ nữa, và giờ đây Dương cũng không phải lãnh lẽo cô đơn và dằn vặt bởi sự bất kính, bất hiếu của mình với mẹ và ngày ngày lặng lẽ đếm thời gian qua song sắt nhà tù đến ngày trả án. Giá như lúc đó Dương giữ đạo làm con, nhẫn nhịn thì sự việc đáng tiếc đâu có xảy ra với hai mẹ con.

Trong khoảng thời gian chờ thi hành án, những tử tù như Nguyễn Mạnh Dương mới cảm thấy quý cuộc sống tự do. Trong sâu thẳm tâm hồn của hắn lúc này có rất nhiều ước nguyện, trong đó có lời sám hối muộn màng muốn được nói với các bạn trẻ là đừng bao giờ lạm dụng rượu bia, đừng để con ma men điều khiển mình để rồi xảy ra những hành vi phạm pháp dẫn tới những hậu quả mà không bao giờ sửa chữa được.