Lợi nhuận doanh nghiệp quý III: Ngân hàng, bất động sản tích cực; thép, chứng khoán gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến ngày 08/11, đã có 1.064 công ty niêm yết trên 3 sàn chứng khoán, chiếm 94,7% vốn hóa thị trường, đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 với lợi nhuận ròng tăng 17,4% so với cùng kỳ.

Đây là thống kê vừa được các chuyên gia Chứng khoán VNDirect công bố. Cụ thể, lợi nhuận ròng toàn thị trường trong quý đã tăng 17,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng 11,3% trong quý II nhưng vẫn thấp hơn một chút so với quý III/2021 (+18,9%). Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 21,4% so với cùng kỳ.

Ngân hàng, bất động sản và vận tải là các doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất cho đà tăng với mức đóng góp 30,4% vào tăng trưởng lợi nhuận ròng quý III của toàn thị trường.

Trong đó, lợi nhuận ròng của các ngân hàng niêm yết tăng mạnh 59,2% so cùng kỳ trong quý III năm nay chủ yếu nhờ lợi nhuận ròng của BIDV (BID) phục hồi (tăng 158% so với cùng kỳ), chiếm 12% ngành ngân hàng; cùng với đó là áp lực dự phòng giảm.

Ngành bất động sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng quý III tăng 42,5% so với cùng kỳ, lần đầu tiên kể từ quý III/2021. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu nhờ lợi nhuận ròng của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đạt 1.919 tỷ đồng và Tập đoàn Vingroup (VIC) đạt 1.947 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức âm lần lượt 68 tỷ đồng và 351 tỷ đồng trong quý III/2021.

Ngân hàng, bất động sản và vận tải đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết

Ngân hàng, bất động sản và vận tải đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết

Lợi nhuận ròng ngành Vận tải (cảng biển và logistics) tiếp tục xu hướng tăng kể từ quý I năm nay (tăng 33,1% so cùng kỳ), quý II (tăng 116,6%) và quý III (tăng 340,6% so với cùng kỳ). Doanh nghiệp đóng góp nhiều nhất là ACV (sân bay), đạt 2.397 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý, so với khoản lỗ 855 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi ở chiều ngược lại, các công ty sản xuất thép niêm yết đã ghi nhận khoản lỗ xấp xỉ 4.500 tỷ đồng trong quý, do chi phí hàng tồn kho cao, giá bán thấp và lỗ tỷ giá tăng.

Còn lợi nhuận ròng các công ty chứng khoán đã sụt giảm mạnh 68,1% so với cùng kỳ trong quý III, do thanh khoản thị trường chứng khoán giảm 40,9% so cùng kỳ và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hứng chịu tâm lý tiêu cực sau nhiều đợt vi phạm.

Nhóm vốn hóa lớn là các doanh nghiệp dẫn đầu tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 28,2% trong quý III, chủ yếu nhờ ACV, VEA (tăng 154,7% so với cùng kỳ), DGC (tăng 195,6% so với cùng kỳ).

Trong khi lợi nhuận ròng trong quý của nhóm vốn hóa vừa và vốn hóa nhỏ giảm 22,6% và 6,5% so với cùng kỳ, do nhu cầu xuất khẩu yếu, giảm biên lợi nhuận, gánh nặng thanh toán nợ tăng và lỗ tỷ giá.

Nhóm VN30 ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 11,5% so cùng kỳ, trong đó 20 doanh nghiệp nhóm này có tăng trưởng lợi nhuận ròng dương, dẫn đầu là VRE (tăng 3.171%), SAB (tăng 202%) và BID (tăng 158%). Cả VRE và SAB đều hoạt động bình thường trở lại trong quý III/2022 thay vì đóng cửa/giãn cách xã hội như quý III năm ngoái do dịch bệnh bùng phát.

Ngược lại, lợi nhuận ròng quý III của POW giảm mạnh 86% so với cùng kỳ vì sự gián đoạn của tuabin 1 Vũng Áng 1 (do sự cố kỹ thuật) và Cà Mau 1 (do bảo trì). Novaland (NVL) chịu tác động của cả chi phí lãi vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá, có lợi nhuận ròng quý III năm nay giảm 65% so cùng kỳ. Massan (MSN) giảm mạnh 53% từ mức nền cao trong quý III năm ngoái, do nhu cầu tích trữ tăng cao trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Chỉ có HPG ghi nhận khoản lỗ 1.774 tỷ đồng do chi phí hàng tồn kho cao, giá bán thấp và lỗ tỷ giá tăng.

Dựa trên các số liệu, các chuyên gia tổng kết biên lợi nhuận gộp của thị trường tiếp tục xu hướng giảm trong quý III (ngoại trừ ngân hàng) với mức giảm đáng kể xuống 15,5%, từ mức 19,7% cùng kỳ năm ngoái, gần chạm mức đáy 14% - 15,5% trong nửa đầu năm 2020.