Lợi nhuận ngân hàng 9 tháng đầu năm vẫn tích cực nhưng áp lực đang gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lợi nhuận ngân hàng quý III và 9 tháng đầu năm tương đối khả quan. Tuy nhiên, tăng trưởng có thể giảm tốc do các áp lực tăng lãi suất và room tín dụng hạn chế.

Nhiều ngân hàng báo lãi tích cực

Theo báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 vừa công bố, TPBank đạt lợi nhuận trước thuế 5.926 tỷ đồng tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ (+35%) và thực hiện được 72% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo báo cáo, TPBank ghi nhận tổng thu nhập hoạt động đạt 11.951 tỷ đồng, tăng 2.045 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập từ lãi thuần đạt hơn 8.600 tỷ đồng (tăng 20,62% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, thu nhập từ dịch vụ của ngân hàng cũng đạt tỷ lệ tăng trưởng mạnh, hơn 78% so cùng kỳ, mang lại nguồn thu 1.876 tỷ đồng.

Một ngân hàng khác là VIB cũng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ đầy khả quan với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%, thuộc nhóm hàng đầu thị trường.

Tại Sacombank, dù chưa chính thức công bố báo cáo tài chính, song ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đã đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỉ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.

Hay tại SHB, theo hé lộ, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng cũng đã đạt tới 9.035 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021và hoàn thành 78% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

Các ngân hàng tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 9 tháng đầu năm

Các ngân hàng tiếp tục đạt tăng trưởng lợi nhuận tốt trong 9 tháng đầu năm

Tại các nhà băng khác, nhiều dự đoán lợi nhuận cũng rất khả quan. Trong một ước tính mới đây, Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra những con số tích cực đối với một số ngân hàng.

Trong đó, Vietcombank trong quý III/2022 dự kiến đạt 7.400 – 7.600 tỷ đồng lãi trước thuế, đưa lợi nhuận cả năm ước tính đạt 34.000 tỷ đồng, tiếp tục giữ vị trí “quán quân”.

Tại BIDV, SSI dự báo lãi trước thuế quý III cũng có thể đạt tới 6.000 tỷ đồng, tăng 120% so cùng kỳ; cả năm ước đạt lợi nhuận 21.200 tỷ đồng, tăng 56% so với 2021.

MB cũng được kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng 50-60% trong 9 tháng đầu năm, đạt khoảng 18.000 – 18.500 tỷ đồng; VPBank ước đạt 4.200 – 4.500 tỷ đồng lãi riêng trong quý III, tăng 55 – 65% so cùng kỳ.

Tương tự, ACB là ngân hàng có kết quả kinh doanh tích cực, nhờ hoàn nhập dự phòng trong quý III giảm so với 2 quý đầu năm, dự kiến lợi nhuận trước thuế quý III/2022 có thể đạt 4.700 - 4.900 tỷ đồng (tăng 80-87% so với cùng kỳ).

Riêng với Techcombank, lợi nhuận có phần giảm tốc với mức tăng trưởng khoảng 20 - 25% so với cùng kỳ, trước áp lực tăng chi phí vốn và nguồn thu nhập kém đa dạng hơn so với các kỳ trước.

Mặc dù tin tưởng vào triển vọng dài hạn của ngành bất động sản Việt Nam và Techcombank, nhưng nhóm phân tích cho rằng những thay đổi pháp lý tiềm ẩn vào thời điểm hiện tại có khả năng tạo ra một số gián đoạn đối với quỹ đạo tăng trưởng của cả ngành và Techcombank, đặc biệt là trong ngắn hạn. Năm 2023, dự báo ngân hàng vẫn có thể gặp áp lực về cả biên lãi ròng (NIM) và tỷ lệ nợ xấu (NPL).

Áp lực từ nay đến cuối năm

Dù lợi nhuận quý III vẫn tích cực, song việc hạn mức tăng trưởng tín dụng trong quý III được kiểm soát chặt chẽ, nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng nên đà tăng có phần bị hạn chế so với kỳ vọng.

Kết quả khảo sát tại cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý IV năm 2022 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, các tổ chức tín dụng cũng cho rằng kết quả kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý chưa được như kỳ vọng.

Dự báo cho quý IV, hơn 70% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn; trong khi đối với cả năm 2022, 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021. Các con số này đã giảm so với kỳ điều tra trước đó.

Theo dự báo của Chứng khoán Agriseco, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.

Tương tự, Chứng khoán VnDirect khá thận trọng với triển vọng ngắn hạn do những lo ngại về chi phí vốn tăng và tăng trưởng tín dụng hạn chế. Theo nhóm phân tích, với mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô hiện nay, sẽ ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh sẽ gây áp lực lên chi phí vốn kể từ thời điểm này cho đến ít nhất là nửa đầu năm năm 2023.