Khám sản phụ khoa tư nhân lên ngôi:

Lợi nhuận “bóp nghẹt” người bệnh

ANTĐ - Từ năm 2006, thời điểm Nghị định 43 của Chính phủ về công tác xã hội hóa y tế ra đời, loại hình dịch vụ, mô hình khám chữa bệnh, điều trị tự nguyện phát triển mạnh, các phòng khám tư nhân cũng mọc lên như nấm sau mưa, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Tuy vậy, những mặt trái của xã hội hóa y tế đang dần bộc lộ, thể hiện rõ nét qua vụ việc lùm xùm mới đây của phòng khám Maria…

Lợi nhuận “bóp nghẹt” người bệnh ảnh 1


Giá cao không phải là vấn đề…

Trong bối cảnh hiện nay, điều kiện kinh tế, đời sống của người dân ngày càng khấm khá, trong khi các BV công lập luôn quá tải trầm trọng, rất nhiều người dân sẵn sàng bỏ tiền để được khám chữa bệnh nhanh hơn, dịch vụ tốt hơn, thậm chí bỏ rất nhiều tiền để ra nước ngoài điều trị. Mảnh đất màu mỡ đó nhanh chóng được cả khối BV công lẫn các doanh nghiệp tư nhân tận dụng. Bằng chứng là tính tới thời điểm này, hầu như BV công lập nào cũng mở ra khu vực khám dịch vụ, khám tự nguyện, khám theo yêu cầu… để thu phí với giá cao, không thanh toán BHYT. Tương tự, số lượng các cơ sở y tế tư nhân trên cả nước đã lên tới 70.000-80.000 cơ sở. Tại những thành phố lớn như Hà Nội, mật độ tập trung các phòng khám tư dày đặc, thậm chí mọc lên san sát nhau như ở đoạn đường Giải Phóng, song lượng khách đến các phòng khám này mỗi ngày vẫn rất đáng kể…

Chuyên môn về sản phụ khoa chính là lĩnh vực có những thay đổi rõ rệt nhất, bao gồm cả sự phát triển về số lượng, chất lượng và lợi nhuận mà những nhà đầu tư vào lĩnh vực này thu lại. Chẳng hạn như thống kê của BV Phụ sản Hà Nội vào năm 2007- năm đầu tiên thực hiện xã hội hóa y tế, số thu từ khám chữa bệnh, dịch vụ theo yêu cầu chiếm tỷ trọng khoảng 25% tổng thu của BV. Phòng khám 56 Hai Bà Trưng - dù là phòng khám tự nguyện của BV Phụ sản Trung ương song thời gian gần đây luôn quá tải trầm trọng bởi nhu cầu của người bệnh quá lớn.

Theo khảo sát của phóng viên ANTĐ tại phòng khám này, bảng giá các dịch vụ kỹ thuật mới nhất được niêm yết (tính từ ngày 1-7-2012): giá khám thai là 200.000đồng/lượt, khám phụ khoa 200.000 đồng/lượt, hút thai dưới 12 tuần tuổi giá 700.000 đồng, siêu âm 4 chiều đa thai giá 350.000 đồng/lượt, chụp MRI từ 1,5 đến 2,7 triệu đồng... Mức giá này không chỉ cao hơn hàng chục lần mức giá khám chữa thông thường tại BV mà thậm chí nếu so sánh với giá dịch vụ tại các phòng khám tư bên ngoài cũng đã cao hơn đáng kể.

Hiện tại, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội đã có khoảng gần 100 phòng khám tư nhân chuyên về sản phụ khoa, phân bổ khắp thành phố với đủ mô hình từ nhỏ đến lớn, từ bình dân đến cao cấp. Nhiều phòng khám đa khoa như phòng khám Maria cũng đang định hướng phát triển theo hướng tập trung vào chuyên ngành sản phụ khoa. So với khung giá viện phí của các BV công như BV phụ sản Trung ương, khung giá một số dịch vụ ở phòng khám Maria cao hơn nhưng nếu so sánh với các BV quốc tế như Việt-Pháp, Việt-Sing thì mức giá này chỉ tương đương, thậm chí thấp hơn. Chẳng hạn như phí khám bệnh ở phòng khám Maria là 40.000 đồng, truyền dịch là 100.000 đồng, điện tâm đồ là 40.000 đồng, xét nghiệm công thức máu 60.000 đồng, gây mê tĩnh mạch là 1.100.000 đồng… Cộng thêm với các chiêu thức quảng cáo rầm rộ, ấn tượng cùng các chiêu thức lôi kéo khách sành sỏi, những phòng khám tư như phòng khám Maria vẫn có sức hút với nhiều người bệnh. 

Chất lượng không tương xứng

Hóa đơn thanh toán với giá “cắt cổ” tại phòng khám Maria

Như đã phân tích, với một bộ phận không nhỏ người dân nước ta hiện nay, nhu cầu tìm đến các phòng khám tự nguyện, các phòng khám tư nhân là rất lớn, đặc biệt ở lĩnh vực sản phụ khoa (do yếu tố tâm lý, người mắc bệnh vùng kín ngại đến chữa ở chỗ đông người). Song khi đã quyết định đến các cơ sở này, giá cả đắt cũng không phải là lý do chính khiến người bệnh bức xúc. Thực tế ở phòng Maria mỗi ngày tiếp nhận cả trăm khách, hầu như người bệnh nào vào đây cũng tốn ít nhất vài ba triệu nhưng trong số các phản ánh hay khiếu kiện của người bệnh về phòng khám này trước nay, hầu hết đều do bác sĩ phòng khám chẩn đoán sai, chỉ định điều trị không đúng, bệnh nhẹ cũng “thổi phồng” thành bệnh nặng… Điều đó cho thấy, chất lượng khám chữa bệnh, chất lượng điều trị, thái độ phục vụ của nhân viên y tế chính là điều người bệnh chờ đợi nhất.

Chị Phạm Hồng H. (26 tuổi, ở Hà Nội) cung cấp cho chúng tôi xem tờ phiếu thanh toán mà chị phải nộp cho phòng khám Maria ngày 26-5 vừa qua với giá trị 9.822.000 đồng. Chị Hạnh kể, thấy triệu chứng đau nhiễm phụ khoa, ban đầu chị định vào BV Phụ sản Trung ương khám chữa nhưng chứng kiến cảnh bệnh nhân quá đông, không chỉ phòng khám mà các phòng điều trị cũng chật cứng, thái độ y bác sĩ thì kênh kiệu, hách dịch, chưa kể chuyện muốn khám nhanh hay được ưu tiên gì đều phải có “lót tay”… khiến chị phát hoảng. Thà bỏ tấm thẻ BHYT vào ví, chị sang phòng khám tự nguyện của BV này nhưng lại thêm một phen thất vọng, bởi dù thu phí cao hơn nhưng thái độ nhân viên y tế của phòng khám cũng không khác hơn trong BV là bao, trong khi vẫn phải xếp hàng chờ đợi. Vì vậy, nghe quảng cáo, chị quyết định tìm đến phòng khám Maria. Quả thật, tại đây, từ khâu đón tiếp đến dẫn dắt đi khám, xét nghiệm của nhân viên với người bệnh rất lịch sự, phòng bệnh sạch đẹp như khách sạn, máy móc mới toanh và có vẻ rất hiện đại… nên rất ấn tượng. Chỉ có điều, vào điều trị rồi mới thấy…

Chiêu thức “móc túi” tinh vi

Chỉ vào khám phụ khoa đơn giản, song nhìn vào đơn thanh toán của phòng khám Maria mà chị Phạm Hồng H. phải chi trả, chị H. đã được chỉ định làm đến 10 dịch vụ với tổng số tiền mà chị hoàn toàn không ngờ tới trước khi bước vào đây. Cụ thể, ngoài  phí truyền dịch 100.000 đồng và một số chai, lọ thuốc giá vừa phải, có những dịch vụ và thuốc giá rất đắt như: Resist cervical inflammation capsule, 6 hộp, giá 2.040.000 đồng; điều trị bằng bước sóng ngắn, 10 phút, số lượng 06, tổng giá 2.520.000 đồng; điều trị viêm vùng chậu, 10 phút, số lượng 05, tổng giá 1.400.000 đồng… Chị H. kể, sau khi điều trị tại phòng khám Maria ít lâu, chị đi khám lại ở một trung tâm khác thì mới biết bệnh của chị thực ra điều trị rất đơn giản, không tốn kém. Khi trình tờ hóa đơn thanh toán ở phòng khám Maria cho vị bác sĩ này xem, bản thân vị bác sĩ cũng vô cùng sửng sốt…

Lạm dụng kỹ thuật cao, thậm chí cả những kỹ thuật bình thường nhưng được gọi tên một cách khoa học hơn, mỹ miều hơn để nâng thành kỹ thuật cao lừa bịp người bệnh, đó chính là cách thức “móc túi” người bệnh tinh vi và phổ biến mà phòng khám Maria cũng như nhiều phòng khám tư nhân đang áp dụng. Chẳng hạn như phòng khám Maria luôn quảng cáo chữa trĩ hiệu quả một lần là khỏi, chữa bằng sóng cao tần, sóng laser… Tuy nhiên, PGS Nguyễn Xuân Hùng, trưởng khoa Khám bệnh - BV Việt Đức cho rằng, “gọi sóng cao tần có vẻ rất cao siêu, đến cả tôi cũng chẳng rõ nó là phương pháp gì nên người bệnh thấy mới lạ, sẵn sàng bỏ tiền để điều trị cũng phải. Song thực ra đây là những phương pháp, thủ thuật mà chúng tôi đã nghiên cứu, áp dụng từ hơn chục năm nay, giá cả không hề đắt đến thế, thậm chí vào BV chữa BHYT không mất đồng nào…”. 

Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Cần xem lại công tác quản lý

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, nhu cầu đến với các phòng khám tư của người bệnh là không cần phải bàn cãi. Tất nhiên các phòng khám tư có nhiều chiêu thức để thu hút bệnh nhân, kể cả hợp pháp lẫn phi pháp như mượn danh bác sĩ giỏi, sử dụng bác sĩ người Trung Quốc, quảng cáo rầm rộ, nói vống sự thật… Nhưng nếu nói phòng khám Maria lừa người bệnh không hẳn đã đúng bởi đây là phòng khám tư nhân, bệnh nhân tự nguyện đến khám, không ai bắt buộc. 
Ông Nguyễn Văn Tiên phân tích, có 2 cái nguy hại dẫn bệnh nhân vào những phòng khám tư nói chung, phòng khám Maria nói riêng: thứ nhất là các cơ sở tư nhân có chất lượng lễ tân rất hoàn hảo, bệnh nhân đến khám được mời mọc, tiếp đón, đối xử rất tử tế, lịch sự, nhẹ nhàng hơn hẳn so với BV công, kể cả phòng khám tự nguyện của BV công. Chính điều đó đã đánh lừa bệnh nhân, người bệnh cảm thấy hài lòng nên dù phí đắt hơn họ cũng chấp nhận.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiên, vụ việc ở phòng khám Maria và các phòng khám Đông y Trung Quốc thời gian gần đây chính là lời cảnh báo đối với công tác thanh tra và quản lý y tế. Một mặt do nhân lực thanh tra y tế quá mỏng, mặt quan trọng hơn chỉnh sửa lại một số quy định về thanh kiểm tra cho phù hợp hơn. Ông Tiên dẫn chứng, pháp luật quy định rõ, đi thanh tra thì phải lập đoàn, đến báo trước cho cơ sở, còn kiểm tra là đột xuất. Đi thanh tra thì mình phải đến cơ sở, gặp lãnh đạo, đọc quyết định thanh tra. Do đó, khi các đoàn đến các phòng khám tư nhân làm đầy đủ thủ tục đó thì dấu vết vi phạm đã bị đã xóa mất rồi. Vì vậy,  cần có biện pháp thanh tra kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn, nhất là trong cơ chế thị trường, một số đối tượng đã cố tình vi phạm thì họ luôn tìm mọi cách để “lách luật”

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiên, quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong khám chữa bệnh đã cũ, còn nhẹ và không đủ sức dăn đe nên sắp tới, Luật xử lý vi phạm hành chính ra đời, mức phạt sẽ cao hơn. “Cụ thể trong trường hợp của phòng khám Maria, theo thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì những lần trước phòng khám này có vi phạm nhưng lỗi vi phạm chưa đến mức đóng cửa. Chúng ta nên xem xét lại nghị định xử lý vi phạm hành chính đã đúng hay chưa. Có lẽ nên quy định sai phạm nhỏ nhưng 2 lần trở lên là đóng cửa, đặc biệt là hành nghề không phép, phạt đóng cửa tạm thời, đến khi khắc phục thì lại cho hoạt động tiếp” - ông Nguyễn Văn Tiên cho biết.

“2 năm làm phiên dịch cho phòng khám Đông y Trung Quốc (ở đường Giải Phóng và Thụy Khuê) tôi thấy họ toàn mua thuốc Đông y từ phố Lãn Ông. Những loại viên hoàn họ mang sang rất ít, chủ yếu là những loại thuốc bình thường. Sau đó, họ xay thuốc đông y trộn lẫn thuốc tây ra thành bột rồi đóng lại thành thuốc dạng con nhộng. Tôi phát hiện được điều này từ những mẩu thuốc tây xay không hết. Cùng dạng như thế là thuốc tán được đóng trong những túi ni-lon. Tuy bản thân làm việc ở đó, nhưng tôi cũng phải khuyến cáo bạn bè, người thân, quen không nên đến khám, chữa bệnh”. 

Chị Nguyễn Thị Hương, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội