Lời khai của cha con ông chủ Tân Hoàng Minh về “chiêu trò” phát hành, mua bán trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều (19-3), phiên tòa xét xử cha con Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng 13 bị cáo liên quan bị cáo buộc phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền hơn 8.643 tỉ đồng tiếp tục phần xét hỏi.

Con trai nói bố ra chủ trương và chỉ đạo trực tiếp

Là người trả lời xét hỏi đầu tiên, bị cáo Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh, con trai bị cáo Đỗ Anh Dũng) cho biết, bản thân giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách Trung tâm Tài chính kế toán thuộc Công ty Tân Hoàng Minh với nhiệm vụ lên kế hoạch tài chính năm của doanh nghiệp. Theo lời khai của Việt, Tân Hoàng Minh có nhiều công ty khác nhưng đều được điều hành bởi lãnh đạo tập đoàn.

Liên quan đến việc lấy pháp nhân của 3 công ty, gồm: Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông ngụy tạo các hoạt động kinh doanh không có thật giữa nội bộ các doanh nghiệp nêu trên để làm phương án phát hành các gói trái phiếu lẻ với tổng giá trị phát hành 10.030 tỉ đồng, nhằm huy động tiền cho tập đoàn, Việt khai lúc đó doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, nên mới họp bàn lên kế hoạch huy động vốn của dân.

Hội đồng xét xử vụ án do Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn làm chủ tọa.

Hội đồng xét xử vụ án do Thẩm phán Nguyễn Xuân Văn làm chủ tọa.

Trả lời HĐXX, Việt cho biết năm 2021 là lúc COVID-19 bùng phát, Tân Hoàng Minh gặp khó khăn trong việc huy động vốn, khó khăn về tín dụng, có nhiều khoản nợ đến hạn nhưng không thể vay được tiếp. Việt cũng nói rõ chủ trương huy động vốn là từ Chủ tịch Tân Hoàng Minh, tức bị cáo Đỗ Anh Dũng. Chủ tịch chỉ đạo trực tiếp rằng dự kiến sắp tới sẽ phát hành trái phiếu. Lúc đó, mới thống nhất về mặt chủ trương.

Sau đó, bị cáo Dũng giao cho Việt lên phương án và báo cáo lại. Ngoài ra, theo cáo trạng, dưới sự chỉ đạo của Dũng, Đỗ Hoàng Việt còn chỉ đạo ký hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống” cho Công ty Tân Hoàng Minh trở thành trái chủ sơ cấp để bán trái phiếu, huy động, chiếm đoạt tiền của người mua thứ cấp.

Về nội dung này, theo lời khai tại tòa của Việt, các phòng ban chuyên môn đã lên phương án rồi đề xuất lên. Sau khi tạo dựng hồ sơ, bị cáo báo cáo Dũng để làm tiếp các công việc liên quan. Việt cũng giải thích, về việc ngoài Tân Hoàng Minh ra không có đơn vị nào mua được là chủ trương ban đầu.

Theo đó, Việt khai để mua lại gói trái phiếu, Tân Hoàng Minh đã “chạy dòng tiền”, bị cáo nghĩ lúc đó nguồn lực đủ nhưng thực tế lại không. Việt thừa nhận các gói trái phiếu Tân Hoàng Minh bán ra cho nhà đầu tư cũng không đảm bảo giá trị. Quá trình bán ra, thu vào trái phiếu, bị cáo có báo cáo và bị cáo Dũng chưa biết đó là hành vi khống.

Trong vụ án này, thiệt hại được xác định là hơn 8.643 tỉ đồng với hơn 6.630 bị hại. Bị cáo Việt thừa nhận con số này và cho biết đến nay đã khắc phục toàn bộ thiệt hại.

Đến lượt mình, bị cáo Lê Thị Mai (cựu Phó ban Nguồn vốn Công ty Tân Hoàng Minh) bị cáo buộc tham gia tạo dựng hồ sơ phát hành của 2 gói trái phiếu, giúp sức cho Chủ tịch Tân Hoàng Minh chiếm đoạt số tiền 1.753 tỉ đồng.

Ông chủ Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và đồng phạm tại phiên tòa.

Ông chủ Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và đồng phạm tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, bị cáo Mai thừa nhận lời khai của bị cáo Đỗ Hoàng Việt, thừa nhận truy tố của Viện kiểm sát là đúng và không bị oan. Bị cáo Mai khai nhận, có tham gia với Đỗ Hoàng Việt và một số người khác để lên phương án phát hành trái phiếu theo hướng dẫn của các công ty tư vấn, cung cấp hồ sơ về phương án phát hành.

Bị cáo Mai khai biết hồ sơ phát hành là tạo dựng nhưng không lường được hậu quả hành vi lại nghiêm trọng đến vậy. Bị cáo Lê Thị Mai cũng thừa nhận, có việc liên hệ với công ty thẩm định giá nhưng bà không trực tiếp thực hiện mà chỉ đạo cấp dưới là trưởng phòng và cán bộ làm.

Tương tự bị cáo Mai, các bị cáo liên quan cũng lần lượt khai báo và cho biết cáo trạng truy tố là đúng. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng hành vi phạm tội của bản thân là do cha con ông chủ Tân Hoàng Minh chỉ đạo.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh nói đã khắc phục thừa tiền

Về phần mình, bị cáo Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) khai bản thân là người đề ra chủ trương phát hành trái phiếu và giao cho con trai là Đỗ Hoàng Việt làm. Theo lời khai của Dũng, năm 2021, do nhu cầu vốn của Tân Hoàng Minh ngày càng cần thiết, bị cáo có trao đổi với Việt là cần thêm các nguồn huy động khác nữa (ngoài ngân hàng). Sau đó, bị cáo Việt đề xuất việc phát hành trái phiếu.

Ông chủ Tân Hoàng Minh cho hay, bản thân được biết kênh trái phiếu này là hiệu quả. Tại tòa, bị cáo Dũng nói rõ: “Tôi chỉ ra chủ trương lớn; đi vào chi tiết thì tôi không chỉ đạo”.

Để phát hành được trái phiếu, ngoài việc các bị cáo đã thông đồng thực hiện nhiều hành vi, thủ đoạn gian dối, Viện KSND tối cao còn nêu rõ các bị cáo đã ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”, thể hiện việc Công ty Tân Hoàng Minh thanh toán tiền mua trái phiếu và dòng tiền từ 3 công ty phát hành theo các hợp đồng hợp tác đầu tư, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu.

VKS xác định các bị cáo đã sử dụng tài sản của chính những hợp đồng hợp tác đầu tư “khống” làm tài sản bảo đảm cho trái phiếu. Từ đó tạo niềm tin, sử dụng pháp nhân, thương hiệu Công ty Tân Hoàng Minh để huy động, chiếm đoạt của 6.630 nhà đầu tư tổng số hơn 8.643 tỉ đồng.

Liên quan đến nội dung Tân Hoàng Minh “chạy dòng tiền ảo”, bị cáo Dũng cho biết trên góc độ dòng tiền thì đó là “ảo” nhưng 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông đều là sở hữu của bị cáo này. Từ việc tạo dựng hồ sơ phát hành trái phiếu đến việc chạy dòng tiền “ảo”, bị cáo Dũng thừa nhận sai phạm, thừa nhận bản thân có trách nhiệm.

Theo lời khai của Chủ tịch Tân Hoàng Minh, ngay từ khi phát hành trái phiếu, ông ta không nghĩ đó là chiếm đoạt tiền mà chỉ nghĩ là hoạt động phục vụ cho sản xuất, kinh doanh. “Thời điểm đó, suy nghĩ và hiểu biết pháp luật của tôi chưa đầy đủ, nhưng khi làm việc với CQĐT, tôi đã nhận thấy sai phạm” - bị cáo Dũng phân trần.

Về việc sử dụng tiền, Dũng thừa nhận bản thân là người quyết định và nghĩ đây là huy động tiền về để phục vụ hoạt động kinh doanh. Chủ tịch Tân Hoàng Minh cho biết, khi bị bắt tạm giam, CQĐT đã giải thích về những sai phạm trong vụ án này nên bị cáo đã viết đơn đề nghị được khắc phục tối đa hậu quả.

Ngoài ra, bị cáo Dũng cũng nói rõ: “Với tinh thần quyết liệt, tôi đã khắc phục toàn bộ hậu quả của vụ án, trả lại cho các bị hại”, đồng thời cho biết thêm, bản thân bị cáo này đã nộp thừa hơn 1 tỉ đồng và khẳng định với số tiền đã nộp đủ để khắc phục trả lại các bị hại.