Lời giải cho bài toán khó?

ANTĐ - Sau đúng 100 ngày hối hả thi công (khởi công vào 21-1-2012) trong địa hình chật hẹp, vừa thi công vừa phải bảo đảm ATGT, 2 cầu vượt lắp ghép nhẹ đầu tiên của Hà Nội đã về đích trước thời hạn 2 tháng. 

Trước khi có cầu vượt, 2 nút giao thông Láng Hạ - Thái Hà và Thái Hà - Chùa Bộc thường xuyên ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm. Nay, 2 cây cầu vượt lắp ghép kết cấu nhẹ, (loại trước nay chưa hề có ở Việt Nam) không chỉ là giải pháp tình thế tốt do lắp ghép đơn giản, nhanh, không tốn nhiều diện tích thi công mà khi đưa vào sử dụng còn phát huy tác dụng ngay trong việc giải tỏa ùn tắc giao thông. Đặc biệt về kinh tế, cây cầu có giá thành rẻ này lại đang  giảm thiểu về thời gian, nhiên liệu của xe cơ giới tại mỗi nút bình quân là 200 tỷ đồng/năm.

Trước đó, cầu vượt Ngã Tư Sở được đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 1000 tỷ đồng (năm 2005) và cầu vượt Ngã Tư Vọng  với mức đầu tư cũng lên đến gần 500 tỷ đồng. Có nghĩa rằng, với tổng mức đầu tư cho 2 cầu vượt ở 2 ngã tư đầu mối này có thể xây được ít nhất 15 cầu vượt nhẹ như 2 cầu vượt vừa hoàn thành. Và nhờ số cầu lắp ghép nhẹ ấy, giao thông Hà Nội trong 5 năm qua đã không phải chịu cảnh ùn tắc nghiêm trọng như thực tế vừa qua. Để tránh ùn tắc giao thông thì phải cần một  loạt các giải pháp phối hợp với nhau như hạn chế lượng xe lưu thông, mở rộng cơ sở hạ tầng cầu đường và đặc biệt là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Nhưng trước mắt, nếu tại các điểm ùn tắc trầm trọng còn lại cũng làm cầu vượt sẽ khắc phục được tối đa ùn tắc giao thông mà không cần can thiệp vào các phương tiện cá nhân mà người dân sử dụng.

Ngoài việc thi công nhanh, giá thành hạ, cầu vượt nhẹ còn có thể dễ tháo, lắp và có thể sử dụng lại các cấu kiện, hoặc điều chỉnh kết cấu trong trường hợp cần phải điều chỉnh quy hoạch giao thông ở Hà Nội vốn chưa hoàn thiện. Nói vậy để thấy rằng, nếu phương án cầu nhẹ được đưa ra thực hiện sớm hơn, thì thành phố Hà Nội đã không tiêu tốn một khoản tiền lớn đến như vậy. Đó là vì quy hoạch giao thông ở Hà Nội có bài bản sẽ phát triển theo các đường vành đai kết hợp các tuyến hướng tâm, các xe tải lớn sẽ không được đi vào trung tâm thành phố. Thế nên hai cầu vượt như ở Ngã Tư Sở  và Ngã Tư Vọng đã được thiết kế với tải trọng tối đa hàng trăm, nghìn tấn của ngành Giao thông. Thế là phí. Đối với cầu vượt sông, hoặc các cầu trên đường vành đai, quốc lộ... thì đương nhiên phải được thiết kế với tải trọng đó, để đảm bảo an toàn xe chạy.

Nhưng đối với cầu vượt trong nội đô, việc áp dụng tải trọng quá lớn, vô hình trung đã làm cho chi phí đầu tư bị đội lên gấp nhiều lần và có thể là không cần thiết. Kể cả khi vốn đầu tư cho 2 cầu này là vốn vay của Nhật Bản. Bởi vay rồi sẽ phải trả, và rồi đó vẫn là tiền thuế của nhân dân. Tiết kiệm được đồng nào tốt đồng đó.

Thực tế cho thấy, 2 cầu vượt lắp ghép nhẹ vừa được đưa vào sử dụng đáp ứng được mục tiêu là thi công nhanh để gấp rút giải quyết bài toán ùn tắc; giá thành lại hợp lý. Nếu như chiều rộng cầu được thiết kế rộng hơn một chút và có sự đầu tư chỉn chu hơn một chút về mặt thẩm mỹ, kiến trúc thì các cây cầu vượt nhẹ trong phạm vi nội đô không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích chống ùn tắc giao thông, mà còn là các công trình kiến trúc mang đậm văn hóa tạo nét đẹp mới cho Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc này không khó khi sử dụng  các vật liệu siêu nhẹ, các kết cấu thép hiện đại có thể đáp ứng tiêu chí về kiến trúc, cảnh quan trong thiết kế như những công trình kiến trúc đẹp, hài hòa và mang tính biểu trưng cao cho Hà Nội.

Hy vọng, nhiều công trình công cộng được thi công chuyên nghiệp như 2 cầu lắp ghép nhẹ kia  tại các điểm nút giao thông trọng yếu sẽ hỗ trợ rất lớn cho giao thông ngày càng khó khăn của Thủ đô.