Lợi dụng con đường du lịch, nhiều lao động Việt Nam trốn ở lại nước ngoài

ANTD.VN - Hôm 26-12, thông tin 152 hành khách Việt Nam bất ngờ “mất tích” tại Đài Loan (Trung Quốc) đã một lần nữa làm dấy lên cảnh báo về tình trạng xuất khẩu lao động “chui” của người Việt tại nước ngoài. Đây không phải lần đầu tiên những vụ bỏ trốn như vậy xảy ra.

Như trang Vietnamnet đưa tin, sau khi có thông tin về việc 152 du khách người Việt đã biến mất khi đi du lịch Đài Loan, nhà chức trách cũng đã yêu cầu cơ quan ngoại giao đình chỉ các đơn xin thị thực trong tương lai đối với công ty du lịch tổ chức đoàn. Cơ quan Di trú Đài Loan (NIA) đã thành lập đội đặc nhiệm tìm kiếm 152 du khách này. 

Theo lời ông Cheng Ying-huei, Giám đốc Cơ quan các vấn đề quốc tế, đoàn du lịch chia thành bốn nhóm lần lượt hạ cánh xuống thành phố Cao Hùng từ ngày 21 đến 23-12. Tuy nhiên, tới hôm 25-12, phía International Holiday Trading Travel Co, công ty quản lý đoàn du lịch, đã gửi thông báo tới nhà chức trách Đài Loan, cho biết không thể xác định vị trí của nhóm du khách.

Hình ảnh một số du khách người Việt trước khi mất tích qua camera giám sát của khách sạn

Đây là vụ việc mất tích nhiều nhất trong những năm gần đây tại Đài Loan. Theo số liệu trong 3 năm qua của công ty International Holiday Trading Travel Co, khoảng 150 khách du lịch đã bỏ trốn khi tới du lịch Đài Loan.

Bên cạnh Đài Loan, nhiều đoàn du lịch khác tới Hàn Quốc, Nhật Bản cũng xảy ra những tình trạng du khách bỏ trốn tương tự.

59 du khách Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc năm 2016

Theo VOV, vụ việc xảy ra khi đoàn 163 khách Việt Nam của các công ty: Công ty cổ phần đầu tư – vận tải du lịch Hoàng Việt, Công ty TNHH du lịch và thể thao Việt Nam (Vietrantour), Công ty cổ phần du lịch Hanoi Red Tours, Công ty Du lịch Thế giới mới (New World Travel) và Công ty Du lịch Tam Vương đi trên chuyến bay của Vietjet Air đến đảo Jeju – Hàn Quốc từ ngày 11 đến 17-1-2016, do Công ty Woori Club Tourism Development, trụ sở tại Hàn Quốc thuê trọn chuyến khai thác chương trình này.

Trong số khách này, có 8 người không được nhập cảnh, còn lại 155 người nhưng trong thời gian ở đảo Jeju có tới 59 hành khách bỏ trốn.

Lợi dụng con đường du lịch, nhiều lao động Việt Nam trốn ở lại nước ngoài ảnh 2Nhiều du khách Việt đã bỏ trốn tại Hàn Quốc

Qua kiểm tra, Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch Hà Nội nhận thấy, các doanh nghiệp đều có hợp đồng đầy đủ với đối tác Hàn Quốc, có phiếu đăng ký du lịch với khách du lịch theo quy định, hướng dẫn viên và giám đốc doanh nghiệp khi đi cùng đoàn đã tích cực thông báo ngay cho đối tác và cảnh sát Hàn Quốc khi vụ việc xảy ra và đã có biện pháp kiểm soát khách đi tour. Bởi vậy, có thể đánh giá vụ “mất tích” của 59 người này đã được lên kế hoạch và có chủ đích bỏ trốn từ trước.

Cả đoàn du khách Việt mất tích ở Israel

Theo Dân Trí, sự việc này từng gây xôn xao dư luận vào hồi đầu tháng 12-2013. Cụ thể, một đoàn khách Việt gồm 15 người đi theo tour du lịch sang Israel do một công ty lữ hành có trụ sở tại Hà Nội tổ chức, rồi trốn lại cả 15 người.

Theo hướng dẫn viên của đoàn khách, cả 15 người này đã bỏ trốn mà không cần hộ chiếu, vì hộ chiếu của khách vẫn được hướng dẫn viên giữ. Sau đó, phía Israel bắt giữ và trục xuất 4 người, số còn lại chưa được tìm thấy. Theo vị đại diện đại sứ quán Việt Nam tại Israel, nhiều khả năng khách du lịch đã bỏ trốn sang nước thứ 3.

Sau vụ việc, để ngăn chặn tình trạng này, Tổng cục du lịch Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp đang tổ chức tour cho du khách Việt đi Israel cần thực hiện nghiêm túc quy trình, bao gồm kiểm tra kỹ thông tin khách hàng, lưu ý khách mua tour từ những địa phương có trường hợp bỏ trốn tại Israel trước đó (Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương…).

Lùm xùm chuyện khách tour trốn qua Nhật

Theo báo Thanh Niên, do việc khách bỏ trốn ảnh hưởng đến hoạt động công ty nên hôm 6-11-2018, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Công ty TNHH Miss Saigon Travel, đã làm đơn tố cáo lên Thanh tra Sở Du lịch TP và Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM về một số công ty đưa khách qua Nhật không trở về và đang xúc tiến mời các công ty liên quan tới làm việc.

Lợi dụng con đường du lịch, nhiều lao động Việt Nam trốn ở lại nước ngoài ảnh 3Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan tố cáo việc một số khách lợi dụng tour du lịch rồi bỏ trốn ở Nhật (Ảnh: Báo Thanh Niên)

Cụ thể, cuối năm 2017, hai công ty cổ phần thương mại dịch vụ du lịch Mỹ Úc Âu và Miss Saigon đã ký hợp đồng với Công ty TNHH dịch vụ, du lịch và thương mại Gia Thịnh có trụ sở Q.5 về việc tổ chức tour đi Nhật vào ngày 11-1-2018.

Theo đó, sau khi được Tổng lãnh sự quán Nhật Bản cấp visa, Công ty Gia Thịnh thông báo 4 trong 5 khách mà công ty này gửi ghép tour sẽ không tham gia tour do hai công ty trên tổ chức, mà sang Nhật bằng tour Công ty Gia Thịnh tổ chức.

Điều đáng nói, 4 vị khách này sau đó đi tour sang Nhật Bản nhưng đã không trở về Việt Nam theo đúng lịch trình. Nghiêm trọng hơn, phía Miss Saigon phát hiện 4 khách trốn ở Nhật bất hợp pháp. Hai công ty đã nhiều lần liên hệ nhưng Công ty Gia Thịnh né tránh và từ chối cung cấp thông tin về việc khách trốn tại Nhật.

Trước đó, Công ty Gia Thịnh cũng ký hợp đồng với Công ty Mỹ Úc Âu để gửi hai khách tên là N.V.V, N.T.L tham gia đoàn khách 18 người đi tour sang Nhật từ ngày 4 đến 7-10-2017. Sau khi “đậu” visa, bà Hoàng Thị Diễm Trang, Giám đốc Công ty Gia Thịnh, đứng ra xin rút hộ chiếu, visa của hai vị khách kể trên với lý do hai người này bận không thể sắp xếp đi cùng đoàn dịp này do đó Gia Thịnh sẽ tổ chức tour cho hai người này vào dịp khác và cũng xảy ra tình trạng 2 du khách này tới Nhật Bản những không trở về theo đúng thời hạn visa.