Lời cảnh tỉnh từ học sinh nghiện game online

ANTĐ - Đã có rất nhiều cảnh báo từ các chuyên gia giáo dục về tác hại của game online nhưng việc ngăn chặn từ phía nhà trường chưa thực sự hiệu quả. Tại trường THCS thị trấn Quốc Oai (Hà Nội), việc một học sinh bỏ đi mất tích vì nghiện game online đã gây chấn động…

Lời cảnh tỉnh từ học sinh nghiện game online ảnh 1Game online giáo dục là một biện pháp giúp học sinh 
cân bằng nhu cầu cá nhân

“Em từng nghiện game online”

Một nhiệm vụ không dễ đã được Vũ Lan Anh, học sinh lớp 9D và cô giáo Phạm Thị Xuân Hương, trường THCS thị trấn Quốc Oai bắt tay vào thực hiện ngay từ đầu năm học 2014-2015 là tìm hiểu về ảnh hưởng của game online với học sinh ngay trong trường mình để có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Sự việc được bắt đầu khi bản thân Lan Anh thừa nhận em cũng đã từng ham mê game online mà sao nhãng việc học tập. Là một học sinh giỏi, chăm ngoan nhưng khi dính vào trò chơi điện tử, Lan Anh học tập sa sút khiến bố mẹ, thầy cô hết sức lo lắng. May mắn, được sự quan tâm, nhắc nhở kịp thời của gia đình, bạn bè, thầy cô nên em đã nhanh chóng chia tay game online để trở lại với danh hiệu học sinh giỏi như các năm học trước.

Không phải ai cũng may mắn như Lan Anh. Cô Phạm Thị Xuân Hương cho biết, một học sinh của cô đã trở thành một nạn nhân của game online. “Cho đến bây giờ, gia đình em vẫn chưa có thông tin gì về con mình. Nghiện game online, V.M.D đã bỏ học và bỏ nhà ra đi từ tháng 9-2014…” – cô Hương chia sẻ. Lan Anh tâm sự: “Chúng em cùng tham gia vào việc tìm kiếm bạn nhưng không kết quả. Em nghĩ rằng việc có ích nhất lúc này là làm sao để không còn những sự việc đau lòng như vậy xảy ra trong giới học sinh”.

Nghiện gameonline có bỏ được không?

“Game online cũng gây nghiện như ma túy. Không ít gia đình đã đến xin được tư vấn, tìm mọi cách can thiệp và cuối cùng phải chấp nhận đưa con đi cai nghiện game online” – chuyên gia tư vấn tâm lý trường THCS Alpha Vũ Phạm Nguyên Thanh kể lại. Chuyên gia này cũng cảnh báo, một trong những trò chơi đang gây “bão” trong trường học hiện nay là trò Liên minh huyền thoại. “Nếu đúng con mình đang chơi trò chơi này thì phụ huynh phải hết sức cảnh giác, can thiệp kịp thời trước khi sự việc trở nên nghiêm trọng” – bà Thanh nhấn mạnh.

Thực tế, việc chơi game online của học sinh không phải cứ cấm là được. “Nếu cứ cấm đoán, sẽ càng khiến các bạn tò mò nên cần giải thích rõ cách chơi thế nào thì hiệu quả, không ảnh hưởng đến học tập. Đặc biệt, phụ huynh không cho con tiền tiêu vặt bừa bãi, cũng không nên theo dõi, làm mất tự do của con mà cần tâm sự, khích lệ…”- Lan Anh cho biết. “Với các bạn đã trót “gắn bó” với game online, cần tự cam kết với chính bản thân mình. Bạn cần ghi lại những thay đổi trong cuộc sống của mình vào nhật ký. Quan trọng là bản thân bạn phải tự nỗ lực, quyết tâm vượt qua cám dỗ của game online, không ỷ lại vào sự nhắc nhở, thúc giục của bố mẹ, thầy cô…” – Lan Anh nói.

Kiên trì thực hiện những biện pháp đã đề ra, cô Phạm Thị Xuân Hương cho biết, đã có những thay đổi đáng ghi nhận ở trong và ngoài nhà trường. “Trường chúng tôi đã lồng ghép chuyên đề tìm hiểu về game online và ảnh hưởng của nó đến học sinh vào hoạt động giáo dục ngoài giờ. Rất nhiều các hoạt động ngoại khóa bổ ích đã được nhà trường tổ chức để thu hút học sinh tham gia, tránh xa những trò chơi vô bổ. Đặc biệt với những học sinh ham mê game thì trường tổ chức cho các em thi đấu với các game có tính giáo dục cao, đã được kiểm duyệt” – cô Phạm Thị Xuân Hương chia sẻ.

Cùng với sự tích cực tuyên truyền của thầy và trò trong trường, các chủ quán net đã có thái độ tích cực hơn với học sinh, nhắc nhở các bạn về khi hết giờ chơi. Phụ huynh học sinh cũng nên dành nhiều thời gian quan tâm, kiểm tra việc học tập và chơi game của con khi có sự lưu ý của giáo viên chủ nhiệm. “Kết quả điều tra ban đầu sau khi thực hiện tuyên truyền vào cuối tháng 11, số bạn thường xuyên chơi game online đã giảm từ 57/162 (lớp 9) xuống còn 16, 31 bạn đã hoàn toàn không chơi game online” – Lan Anh chia sẻ những tin vui ban đầu từ nhiệm vụ ngăn chặn ảnh hưởng xấu từ game online của mình và các bạn.