Loay hoay thu hút, giữ chân người tài

(ANTĐ) - Nhân tài ở Thủ đô nhiều vô số nhưng vào làm việc trong các cơ quan của thành phố lại rất ít. Theo dõi của lãnh đạo Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho thấy, cán bộ có trình độ cao làm việc trong các cơ quan Nhà nước đang ngày một ít đi. Dự báo, nếu thành phố không điều chỉnh chính sách thu hút người tài thích hợp, 10 năm nữa, các cơ quan của Hà Nội sẽ không có tiến sỹ.

Loay hoay thu hút, giữ chân người tài

(ANTĐ) - Nhân tài ở Thủ đô nhiều vô số nhưng vào làm việc trong các cơ quan của thành phố lại rất ít. Theo dõi của lãnh đạo Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho thấy, cán bộ có trình độ cao làm việc trong các cơ quan Nhà nước đang ngày một ít đi. Dự báo, nếu thành phố không điều chỉnh chính sách thu hút người tài thích hợp, 10 năm nữa, các cơ quan của Hà Nội sẽ không có tiến sỹ.

Không có nhiều Thủ khoa Đại học về đầu quân cho Hà Nội
Không có nhiều Thủ khoa Đại học về đầu quân cho Hà Nội

Về đã ít, lại nhanh đi

Bà Nguyễn Thị Vinh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hà Nội cho biết, sau thời gian dài thực hiện Quyết định 162/2002/QĐ-UB về thu hút, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ, nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, Hà Nội không cử được cán bộ nào đi đào tạo sau đại học ở những ngành trọng điểm như xây dựng, giao thông đô thị, môi trường... “Tất cả 455 công chức được thành phố hỗ trợ kinh phí cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước đều tập trung ở các lĩnh vực xã hội”, bà Vinh cho biết.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Vinh, trong vòng 5 năm (2003-2008), Hà Nội thu hút được 69 thủ khoa xuất sắc của các trường đại học, cao đẳng. Năm 2008, thành phố thu hút được 10 thủ khoa. Tỷ lệ thủ khoa về làm việc cho các cơ quan TP có thể nói là thấp, chỉ chiếm khoảng 10% số thủ khoa hàng năm.

Đã vậy, Hà Nội cũng chưa thu hút được thủ khoa làm việc ở những ngành trọng điểm, đang rất cần nhân tài như quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông, đô thị, công nghệ thông tin... Hà Nội cũng tuyển dụng đặc cách được 25 viên chức ngoại tỉnh có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ về công tác tại cơ quan, đơn vị. Nhưng số này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế. Đánh giá chung cho thấy, chính sách cũ đã có những đóng góp bước đầu tích cực trong việc thu hút và sử dụng nhân tài, nhưng chưa tạo được ấn tượng mạnh mẽ, nếu không muốn nói là còn rất nhiều hạn chế.

Nói về nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố, ông Nguyễn Thành Công - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội TP cho biết, Hà Nội nhân tài vô số song tỷ lệ cán bộ trình độ cao làm việc trong các sở, ban, ngành thành phố lại rất ít. Có tới 14.120 cán bộ khoa học có trình độ cao đang làm việc, sinh sống tại Hà Nội. Nhưng số người làm cho các sở, ban, ngành khi chưa hợp nhất với Hà Tây chỉ chiếm 1,74%. Tỷ lệ này còn chưa đạt 1% sau khi hai địa phương hợp nhất.

Theo dõi của ông Nguyễn Thành Công cho thấy, cán bộ có trình độ cao đang ngày một ít đi. “Hoặc về hưu, hoặc chuyển lên cơ quan Trung ương hay ra làm ngoài Nhà nước. Trong khi đó, số thu hút được lại không giữ được, “ra đi” liên tục. Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội cũng đã có tới 7 tiến sỹ xin chuyển công tác. Cứ với đà này, chỉ 10 năm nữa, sẽ không có tiến sĩ làm việc trong các cơ quan thành phố ” - ông Nguyễn Thành Công nói.

Làm gì để giữ chân người tài?

Ông Nguyễn Thịnh Thành - Chánh Văn phòng UBND TP nhận định, chính sách thu hút nhân tài hiện nay còn rất bất hợp lý. Thực tế là người mới tốt nghiệp thì tuyển thẳng (thủ khoa), nhưng tiến sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài thì không. Thậm chí, như trường hợp một cán bộ đang làm việc ở Văn phòng UBND TP, dù đã mất 7 năm học lấy bằng tiến sĩ ở Ba Lan, nhưng đến nay vẫn ở dạng hợp đồng.

Bức xúc trong việc thu hút và giữ chân người tài như vậy song dự thảo quy định mới về thu hút, sử dụng, đào tạo tài năng trẻ và nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố lại chưa có nhiều đổi mới. Nội dung mới đáng kể nhất trong dự thảo là bổ sung thêm nhiều đối tượng được ưu tiên tuyển thẳng hơn: sinh viên tốt nghiệp loại giỏi các trường đại học công lập hệ chính quy; thạc sỹ, tiến sỹ có chuyên ngành đào tạo ở các ngành nghề mũi nhọn TP đang cần; vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt giải quốc gia hoặc quốc tế. Trước đây các đối tượng này chỉ được ưu tiên bằng cách thêm điểm khi thi tuyển.

Đi thẳng vào vấn đề, ông Nguyễn Thành Công cho rằng, Hà Nội muốn thu hút và giữ chân được nhân tài thì phải có quy chế rõ ràng để giữ người. Quan trọng hơn, thành phố cần có hỗ trợ nhất định về kinh tế để giữ được người giỏi trong cơ quan Nhà nước. Tuy thế, bà Nguyễn Thị Vinh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ băn khoăn: “Chúng tôi muốn tuyển một kỹ sư xây dựng có bằng thạc sĩ nhưng không thể tuyển được. TP muốn chi tiền để cử người đi học nhưng cũng không ai muốn đi” - bà Vinh nói. Đã vậy, để giữ chân các thủ khoa, rất khó để chi một khoản phụ cấp ngoài lương vì “nếu có chế độ khác sẽ tạo nên những vấn đề về nội bộ”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Phí Thái Bình cho rằng, Sở Nội vụ phải tiếp tục nghiên cứu kỹ càng hơn về chính sách thu hút nhân tài cho thành phố. Cần đặc biệt chú ý đến những điều kiện, tiêu chuẩn để tạo điều kiện có được nhiều cán bộ, công nhân viên đi học nâng cao trình độ phục vụ những lĩnh vực trọng điểm của Hà Nội. Đồng thời, cần có những chế tài nghiêm ngặt trong việc bồi thường chi phí đào tạo nếu người được cử đi đào tạo không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc tự ý bỏ việc hoặc chuyển công tác trước thời hạn.

Thành Nam