Lo thiếu xăng dầu trong nước, doanh nghiệp phải ký hợp đồng nhập khẩu sớm hơn thông lệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, để đủ nguồn cung xăng dầu trong nước, Tập đoàn này đã ký kết hợp đồng mua hàng sớm hơn thông lệ, chấp nhận mua cả hàng không ưu đãi.
Bộ trưởng Bộ Công Thương khảo sát, kiểm tra kho xăng dầu phía Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương khảo sát, kiểm tra kho xăng dầu phía Nam

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa khảo sát Tổng kho Nhà Bè và làm việc tại Công ty Xăng dầu khu vực II thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sau khi thị trường xăng dầu có nhiều dấu hiệu bất ổn, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam.

Tại buổi làm việc này, ông Phạm Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho biết, về nguồn cung trong nước, Petrolimex đã đề nghị với hai nhà máy lọc dầu trong nước có những cam kết chắc chắn về khả năng đảm bảo nguồn theo hợp đồng đã ký kết, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Đối với nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, Petrolimex đã tích cực tìm kiếm nguồn hàng tin cậy, ký kết hợp đồng mua hàng sớm hơn thông lệ. Trong tháng 9 và những ngày đầu tháng 10-2022, Petrolimex đã phải chấp nhận mua hàng không ưu đãi, chịu mức thuế cao.

Đối với nhu cầu tháng 11, Tập đoàn đã lên kế hoạch và mua đủ nguồn hàng bảo đảm khoảng 80% nhu cầu; Đồng thời vẫn đang tiếp tục tìm kiếm và mở rộng các nhà cung cấp để mua cho nhu cầu còn lại trong năm 2022.

Theo ông Phạm Văn Thanh, hiện Tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến định mức bảo quản thấp, không đủ trang trải chi phí... do vậy hàng dự trữ quốc gia còn để chung với hàng kinh doanh.

Doanh nghiệp đề nghị xem xét điều chỉnh đơn giá bảo quản cho phù hợp với chi phí; kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ công ty cải tạo, nâng cao sức chứa tại Tổng kho Xăng dầu Nhà Bè để tăng sức chứa bảo quản hàng dự trữ quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam.

Trước đó, tại buổi làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Công ty Xăng dầu khu vực 1, khảo sát Tổng kho Xăng dầu Đức Giang - thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Phạm Văn Thanh cũng cho biết, sản lượng xuất bán hợp nhất 9 tháng đầu năm 2022 là 10.118.000 m3/tấn tăng 8% so với cùng kỳ và đạt 83% kế hoạch.

Trong những ngày đầu tháng 10-2022, tình trạng khan hiếm cục bộ tại một số tỉnh phía Nam đã dồn áp lực sang hệ thống phân phối của Petrolimex, đơn cử sản lượng bán lẻ của TP HCM ngày 10/10/2022 tăng 72% so với ngày 09/10/2022, Bình Dương tăng 77%, Cần Thơ tăng 58%, Bà rịa - Vũng tàu tăng 60%...

Do đó, mặc dù sản lượng nội địa của Tập đoàn tăng 20% so cùng kỳ, riêng bán lẻ tăng 26% so cùng kỳ nhưng lợi nhuận xăng dầu 9 tháng của Tập đoàn ước lỗ 780 tỷ đồng.

Theo ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương), trong số các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở khu vực phía Nam, có 1 doanh nghiệp không thực hiện dự trữ xăng dầu theo quy định; 5 doanh nghiệp không đảm bảo dự trữ thương mại và có doanh nghiệp không đảm bảo hạn mức nhập khẩu được Bộ Công Thương phân giao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc quản lý hệ thống trên 17.000 cửa hàng bán lẻ trong cả nước có vai trò đặc biệt quan trọng.

“Vừa rồi, những ngày cao điểm nhất cũng chỉ có khoảng trên 200 cửa hàng bán lẻ không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nếu so với tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong cả nước, con số này chỉ chiếm hơn 1% và đặc biệt là quan sát kỹ hơn thì thấy hiện tượng này chỉ có xảy ra ở một vài địa bàn là TP HCM và một vài tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Điều này đã đặt ra câu hỏi: Tại sao hiện tượng này không xảy ra ở các nơi khác? Tại sao chỉ có hơn 1% cửa hàng xăng dầu tạm ngưng mà dư luận lại cho là khủng hoảng hệ thống phân phối xăng dầu trong cả nước?”- ông Nguyễn Hồng Diên nêu vấn đề.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Petrolimex và các thành viên, trong đó có Công ty Xăng dầu khu vực II cần phải nghiêm túc đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ dự trữ xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại và dự trữ quốc gia;

Đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ cung ứng và kinh doanh xăng dầu, nhất là từ những vấn đề đã xảy ra từ đầu năm đến nay; Tập trung thật cao cho việc tìm nguồn cung nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; đồng thời, phải tổ chức, xếp lại hệ thống phân phối, giảm khâu trung gian, tăng chế độ trách nhiệm cá nhân mỗi khâu và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện Hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý và điều hành xăng dầu quốc gia để từ tháng 1-2023 trở đi, toàn bộ doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối phải được quản lý, giám sát bằng hệ thống này để minh bạch hơn về thông tin.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến 15/10 lượng và kim ngạch nhập khẩu xăng dầu vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.Cụ thể, cả nước nhập khẩu 6.805.424 tấn, kim ngạch gần 7,1 tỷ USD, tăng gần 1,3 triệu tấn (tương đương 23,4%) và kim ngạch tăng tới 129,37% (tương đương tăng gần 4 tỷ USD).

Trong các mặt hàng nhập khẩu chính trong nhóm xăng dầu (gồm: xăng, diesl, mazut, nhiên liệu bay), diesel có lượng và kim ngạch lớn nhất với 3.821.338 tấn, kim ngạch gần 4 tỷ USD.