Lo ngại "thực phẩm bẩn" tràn lan thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Mặc dù lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ các vụ tập kết, vận chuyển thực phẩm không rõ xuất xứ, không đảm bảo chất lượng nhưng dường như, kết quả chỉ là “muối bỏ bể”.
Thanh cua, kẹo dẻo, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán nhiều xung quanh trường học, được trẻ em yêu thích

Thanh cua, kẹo dẻo, các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán nhiều xung quanh trường học, được trẻ em yêu thích

Tại Hà Nội, đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) vừa kiểm tra, tạm giữ lô hàng gồm 1.300 thùng bánh nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ tại với điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa tại địa điểm số 838 đường Bạch Đằng, Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Cơ sở kinh doanh này được xác định là đầu mối chuyên cung cấp hàng cho các điểm bán lẻ trên mạng xã hội Zalo, Facebook…

Đại diện đội QLTT số 1 cho hay: “Các loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc không có thông tin địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật như trên, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như vi phạm quy định quản lý của Nhà nước”.

Đáng chú ý, trên thị trường đang bày bán rất nhiều loại bánh kẹo, thực phẩm chế biến sẵn phục vụ nhóm đối tượng trẻ chủ yếu là trẻ em, như: chân gà cay, thanh cua, bánh kẹo, nước uống không rõ nguồn gốc.

Với giá thành rẻ, thường dưới 10.000 đồng/sản phẩm, trẻ em dễ mua và thích ăn các loại thực phẩm, nước uống này. Hầu hết các hàng quán gần trường học đều bán sản phẩm.

Chị Mai Loan (Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết: “Con tôi và các bạn học đều thích mua mấy đồ ăn nhanh ngoài cổng trường. Tôi đã thử nhưng không biết đồ ăn làm bằng thực phẩm gì mà bán tới tay người dùng có 2.000 đồng/gói. Đồ ăn chủ yếu có vị cay nồng, rất mặn và có mùi hắc như mùi thuốc sâu. Tôi đã cấm các con ăn loại đồ ăn này nhưng có thể, cháu vẫn ăn chung với bạn”.

Ngày 13-4, một số học sinh THCS tại Hà Nội sau khi được người lạ cho nước uống tại cổng trường và sử dụng, có cháu đã bị đau bụng. Nhà trường và địa phương đã có thông báo về trường hợp này và khuyến cáo không sử dụng đồ ăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng.

Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng QLTT các địa phương vẫn liên tiếp kiểm tra, tạm giữ hàng hóa là các lô hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng.

Điển hình là ngày 13-4-2023, tại khu vực tổ 23 đường Bùi Đức Minh, phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, đội QLTT số 5 (Cục QLTT tỉnh Lào Cai) phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai thực hiện việc khám lô hàng gồm 37 thùng carton bên trong chứa hàng hoá là thanh cua ăn liền và kẹo dẻo, không thể hiện xuất xứ của hàng hoá.

Kết quả khám, lực lượng chức năng phát hiện bên trong các thùng hàng có chứa 10.000 cái thanh cua ăn liền, 2.880 hộp kẹo dẻo trên bao bì không thể hiện xuất xứ, không có hoá đơn chứng từ, giấy tờ và tài liệu kèm theo. Số hàng này được tuồn vào nội địa và bán trên các nền tảng thương mại điện tử cho người tiêu dùng khắp cả nước.

Tương tự, lực lượng QLTT tỉnh Lạng Sơn cũng vừa tạm giữ các lô hàng là chân gà rút xương, thực phẩm đông lạnh đã biến chất đang trên đường vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Thực tế cho thấy, mất an toàn thực phẩm là nỗi lo thường xuyên của người tiêu dùng. Thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng không chỉ xuất hiện ở các mặt hàng dành cho trẻ em, mà còn rất phổ biến với thực phẩm dành cho người lớn.

Thịt bò nghi không đảm bảo chất lượng, thịt gà nhiễm khuẩn đưa vào bếp ăn công nghiệp, lòng lợn bốc mùi hôi thối sau khi được tẩm ướp được bày bán trong các quán nhậu... đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Những vụ việc lực lượng chức năng phát hiện, xử lý dường như chỉ như "muối bỏ bể".

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1983/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) “Tháng hành động vì ATTP” năm 2023.

Theo Quyết định, Hà Nội sẽ thành lập 4 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm tại các quận, huyện trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”. Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra từ ngày 15/4 đến hết ngày 15/5/2023.

Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, thực phẩm, nông sản. Đồng thời, xử lý, kiến nghị xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.