Lò mổ tập trung: Chưa có hồi kết

(ANTĐ) - Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tập trung, công nghiệp là cần thiết để đảm bảo ATVSTP. Hà Nội đã và đang ráo riết thực hiện việc này. Tuy nhiên nhiều hội thảo, hội nghị đã diễn ra, song hiệu quả thực tế mang lại không nhiều.

Lò mổ tập trung: Chưa có hồi kết

(ANTĐ) - Xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) tập trung, công nghiệp là cần thiết để đảm bảo ATVSTP. Hà Nội đã và đang ráo riết thực hiện việc này. Tuy nhiên nhiều hội thảo, hội nghị đã diễn ra, song hiệu quả thực tế mang lại không nhiều.

Bàn bạc nhiều,hiệu quả thấp

Nhu cầu tiêu thụ thịt GSGC tươi sống trên địa bàn TP rất lớn, trung bình từ 420-430 tấn/ngày. Trong số đó, gần như 100% được giết mổ thủ công nhỏ lẻ, không đảm bảo ATVSTP. Nhiều năm qua, UBND TP đã giao cho cơ quan chức năng lập đề án xây dựng các lò giết mổ GSGC công nghiệp, tiến tới xóa bỏ các lò mổ thủ công như Thịnh Liệt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một lò giết mổ công nghiệp nào được ra đời từ đề án này.

Năm 2009, UBND TP và một số sở, ngành tiếp tục khởi động kế hoạch xây dựng 7 cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp. Để thúc đẩy tiến độ, UBND TP đã ban hành chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư. Thêm vào đó, không ít cuộc hội thảo, hội nghị, giao ban để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) đã được tổ chức. Nhưng, đến nay, kết quả đạt được không nhiều.

Trong 7 dự án được khởi động vào năm 2009 đến nay, mới có 2 cơ sở được duyệt địa điểm, còn lại vẫn đang trong quá trình chờ đợi. Theo phản ánh từ một số chủ đầu tư, không ít địa phương không muốn xây dựng cơ sở giết mổ GSGC trên địa bàn mình.

Ông Phan Minh Nguyệt - Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Đầu tư và phát triển nông nghiệp Hà Nội (Handico) cho biết, hiện tại, Handico được giao xây dựng 3 cơ sở giết mổ GSGC tập trung ở phía Tây TP, song, đến nay vẫn vướng mắc khâu chờ duyệt địa điểm, dù hồ sơ đã trình lên các sở, ban, ngành từ lâu. Cá biệt, có dự án thay đổi địa điểm đến 5 lần vẫn chưa xong, vừa mất thời gian, vừa gây lãng phí, quan trọng hơn là nhà đầu tư sẽ bắt đầu thấy nản.

Bên cạnh đó, thời gian qua, một số cơ sở giết mổ GSGC công nghiệp đã ra đời song không chiếm lĩnh được thị trường nên dần đi vào thất bại. Điều này đã khiến không ít nhà đầu tư tại 7 dự án tỏ ra băn khoăn, e ngại. Ông Lê Đình Phượng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm (Foodex) nêu dẫn chứng, cách đây 6 tháng, Foodex đã mạnh dạn bỏ ra trên 30 tỷ đồng đầu tư dây chuyền giết mổ lợn với công suất 600 con/ngày, song khi đi vào hoạt động do không có thị trường đầu ra nên nhà máy chỉ hoạt động được 10% công suất.

Theo tính toán, nếu giết mổ đơn thuần, không chế biến, mỗi con lợn chỉ thu lợi nhuận khoảng 10%, bởi vậy, công ty đang chịu lỗ. Ông Phượng lo ngại, nếu cứ duy trì mức công suất như vậy thì công ty rất khó tồn tại.

Gắn trách nhiệm cụ thể

Song, một phần sự chậm trễ từ các dự án giết mổ GSGC công nghiệp cũng xuất phát từ chính các nhà đầu tư. Để khuyến khích các nhà đầu tư, UBND  TP đã có một số cơ chế ưu đãi, miễn giảm tiền thuê đất, cho vay vốn xây dựng hạ tầng cơ sở,  đầu tư toàn bộ công nghệ xử lý nước thải.

Lợi dụng chính sách này, nhiều DN đã báo cáo mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Huy Tưởng nhận định: “Các chủ đầu tư lập dự án xây dựng dù chỉ giết mổ với công suất 600 con lợn/ngày song vốn đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Doanh số đầu tư lớn có khi không bù nổi chi phí, làm ăn thua lỗ DN lại đổ lỗi do không cạnh tranh được với giết mổ thủ công.

Trong khi, có DN đã đầu tư giết mổ cũng với công suất tương đương nhưng mức chi phí chỉ bằng 1/3”. Mặt khác, vin vào việc TP sẽ hỗ trợ 100% kinh phí xử lý nước thải cho các DN, nên đã tạo ra không ít vướng mắc. “TP hỗ trợ công nghệ xử lý nước thải, song mỗi DN lại đưa ra một mức giá khác nhau. Có DN đưa ra mức 5 tỷ đồng, nhưng có DN lại cần 7 tỷ đồng.

Bởi vậy chưa có sự thống nhất. Hiện, TP đang giao cho các ngành nghiên cứu để tìm ra một mức chung áp dụng cho tất cả các cơ sở” - Phó Chủ tịch cho biết. Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng, cố gắng, đến năm 2011, sẽ có những dự án đầu tiên đi vào hoạt động.

Hạ Quỳnh