Xuất cảnh lao động trái phép:

Liều thân theo đuổi giấc mơ đổi đời

ANTĐ - Cuộc sống khó khăn lại thiếu công ăn việc làm, hàng chục người dân ở huyện Ba Vì (Hà Nội) đã lén lút xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Tuy nhiên, thực tế ở chốn đất khách quê người đã không như những gì mà họ kỳ vọng. 

Ảnh: LEO

Ác mộng trại giam

Dù sự việc đã xảy ra khá lâu nhưng cho đến thời điểm này, người dân ở 4 xã Phú Cường, Tản Hồng, Phú Châu, Tây Đằng (huyện Ba Vì) vẫn không ngớt bàn tán về chuyện 23 lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Tháo chiếc mũ bảo hiểm sau khi vừa lái xe suốt quãng đường dài, người đàn ông trung niên có em gái tham gia xuất cảnh trái phép đi lao động bực dọc: “Tưởng đi làm thuê ở Hà Nội cả nhà mới đồng ý cho nó đi theo bạn bè, chứ biết trước bị giam hãm khổ cực, ăn uống thiếu thốn thì lương tháng cao thế, cao nữa cũng ở nhà”. Người dân tại đây cho hay, toàn bộ số lao động bị bắt giữ hiện đã trở về địa phương, có công ăn việc làm ổn định nhưng hầu hết vẫn rất mệt mỏi sau thời gian dài hoảng loạn, hoang mang.

Trước đó, ngày 23-2-2013, 22 công dân ở 4 xã trên được Nguyễn Mạnh Cường (SN 1985, ở Thanh Chiểu, Phú Cường, Ba Vì) đưa đến địa phận Móng Cái, Quảng Ninh để hôm sau xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Khi vượt sông sang bên kia biên giới, Cường và 2 người họ hàng tách khỏi đoàn. Còn lại 20 công nhân được 2 xe ô tô loại 10 chỗ do người Trung Quốc điều khiển chở sâu vào nội địa. Vừa đi đến địa phận huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, đoàn người đã bị công an địa phương của Trung Quốc kiểm tra, bắt giữ, rồi đưa về trại giam. Vẫn còn sợ hãi, anh Lê Văn Bắc, ở xã Tản Hồng – một trong số 23 người xuất cảnh trái phép kể: “Chúng tôi không biết ngoại ngữ nên không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Do bị đưa đi xét nghiệm máu, chụp X quang, lấy dấu vân tay, ghi lời khai nên mọi người đều hoảng sợ. Từng nhóm từ 12 đến 15 người bị nhốt vào các phòng riêng biệt, mỗi bữa chỉ được 1 bát cơm trộn lẫn rau, đồ ăn thừa”. Vẫn theo anh Bắc, do tâm lý lo sợ lại ăn uống không đầy đủ, sau 7 tuần bị giam giữ, nam thanh niên này đã sụt 7kg. Chỉ duy nhất một người bị viêm gan B và tật ở chân do tai nạn được trả tự do. 

Liều mạng sang đất khách

Chỉ 3 ngày sau khi hơn 20 công dân rời khỏi Quảng Ninh, thông tin về chuyến đi bất thành đã được chính thành viên trong đoàn xác nhận. “Ban đầu, nhiều gia đình lo lắng nhưng vì muốn che giấu sự việc nên đã không trình báo cơ quan chức năng. Phải sau nhiều ngày bị cắt đứt liên lạc và có nhiều tin đồn thất thiệt một số hộ dân mới gửi đơn đến chính quyền địa phương và cơ quan điều tra” – ông Phương Đình Căn, Phó CAX Tản Hồng nhớ lại và cho biết, phải đến lúc đó thì nội tình liên quan đến việc tuyển dụng lao động đưa đi xuất cảnh trái phép do Cường tổ chức mới được hé lộ. Qua xác minh, CAH Ba Vì phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra -CATP Hà Nội xác định: Từ dịp cận Tết Nguyên đán 2013, Nguyễn Mạnh Cường đã tung tin và dán nhiều tờ rơi thông báo cần tuyển gấp 40 công nhân lao động phổ thông nam, nữ tuổi từ 18 đến 40 đi nước ngoài làm việc, lương tháng từ 5,5 đến 7 triệu đồng. Thấy mức thu nhập hấp dẫn, lại biết Cường từng đưa nhiều người thân sang Trung Quốc làm việc nên có tổng cộng 22 người đăng ký đi theo. Khi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, Cường nói đã có người bảo lãnh việc di chuyển; người đi không phải làm bất cứ thủ tục gì, chi phí đi đường khoảng 3 triệu đồng sẽ được trừ vào lương. Tuy nhiên từ lúc sự việc xảy ra, Cường vẫn chưa về nước.

Theo cán bộ thụ lý vụ án, trước khi công an Trung Quốc có thông báo gửi cho Công an tỉnh Quảng Ninh đề nghị xác minh số lao động nhập cảnh trái phép, đã có nhiều tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận. Ban đầu, một số gia đình lo sợ con em họ bị lừa bán qua biên giới với các mục đích như bóc lột sức lao động, đưa vào ổ mại dâm... Nhưng sau đó, khi thấy nam thanh niên được trả tự do kể về việc tất cả đã được đưa đi xét nghiệm, chẩn đoán bệnh tật thì họ bắt đầu lo ngại về việc Cường liên quan đến “đường dây” lừa đưa người sang Trung Quốc để bán nội tạng. Thậm chí có một vài đối tượng còn lợi dụng hoàn cảnh đó để đe dọa, gọi điện đòi tiền chuộc. Trước hàng loạt thông tin chưa được kiểm định, nhiều gia đình đã gửi đơn trình báo, đề nghị CATP Hà Nội và Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an vào cuộc. Dù cơ quan chức năng đã định hướng dư luận, thông báo tình trạng sức khỏe của số công nhân xuất cảnh trái phép nhưng người dân địa phương chỉ thở phào nhẹ nhõm khi thấy 19 người bị giam giữ được trả tự do vào ngày 13-4 vừa qua. Liên quan đến vụ việc này, sau khi có đủ tài liệu, căn cứ pháp lý, ngày 2-5, Cơ quan An ninh điều tra – CATP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự và đến ngày 12-5 đã ra lệnh bắt, khám xét nơi ở đối với Nguyễn Mạnh Cường.

(Còn nữa)