Liên tiếp các vụ tấn công công an để "thông chốt" kiểm dịch: Cần xử lý mạnh tay để răn đe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần đây, tại địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra vụ việc một số cá nhân đã hung hãn tấn công lực lượng chức năng đang thực thi công vụ để “thông chốt” kiểm soát dịch Covid-19. Theo nhiều người dân, hành vi này không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người khác mà còn ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch, cần bị xử lý nghiêm khắc để làm gương.

Chửi bới, hành hung lực lượng công an để “thông chốt”

Ngày 28-8 vừa qua, CAH Gia Lâm, Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối với Phạm Thanh Tùng (SN 1994, ở thôn Giao Tất A, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.

Theo thông tin ban đầu, tại chốt kiểm dịch số 2 trên địa bàn huyện Gia Lâm, khi phát hiện đối tượng Tùng không đeo khẩu trang đi bộ một mình từ bên trong thôn Giao Tất A ra chốt kiểm dịch và xin đi qua nhưng không có lý do chính đáng, tổ công tác yêu cầu Tùng đeo khẩu trang và quay về nhà. Song đối tượng này không những không chấp hành, vẫn cố tình đi qua chốt mà còn chửi bới, thách thức. Khi bị Trung uý Hồ Việt Anh dùng điện thoại ghi lại sự việc, Tùng đã bất ngờ đánh đồng chí Việt Anh xây xước, bầm đỏ, sưng phù ở vị trí vùng đầu sau tai trái.

Sau đó, Công an xã Kim Sơn đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang đối với Tùng về hành vi Chống người thi hành công vụ. Hiện Cơ quan CSĐT Công an huyện Gia Lâm tiếp tục củng cố hồ sơ đưa đối tượng ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.

Trung úy Hồ Việt Anh khống chế đối tượng cố tình chống đối để "thông chốt"

Trung úy Hồ Việt Anh khống chế đối tượng cố tình chống đối để "thông chốt"

Trước đó, tại chốt kiểm dịch Covid-19 số 1, thuộc tổ dân phố 2 phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội, đối tượng Trần Văn Thịnh (SN 1975, trú tại đường Phan Huy Chú, phường Yết Kiêu, quận Hà Đông), không đeo khẩu trang, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe máy BKS 29T1-607.53 định đi qua chốt.

Khi được thành viên chốt kiểm dịch giải thích, yêu cầu đeo khẩu trang, Thịnh không chấp hành, có hành vi chửi bới tổ công tác, giằng co, xô đẩy, giật khẩu trang, khiến đồng chí công an bị thương tích xây xát vùng da cổ. Hiện CAQ Hà Đông (Hà Nội) đang phối hợp cùng cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm hành vi của đối tượng này.

Còn tại một chốt kiểm dịch trên phố Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, khi phát hiện 1 thanh niên điều khiển xe máy chở 2 người không đội mũ bảo hiểm, Đại úy Ngô Hải Phú đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra nhưng đối tượng không chấp hành. Khi thấy Đại úy Phú đuổi theo đối tượng cầm lái vẫn cố tình tăng ga và người ngồi sau bất ngờ dùng tay quàng qua vai cảnh sát, làm cả hai ngã ra đường khiến Đại úy Ngô Hải Phú bị gãy xương.

Cần có biện pháp xử lý thích đáng

Những sự việc trên diễn ra ngày càng nhiều trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng đang phải căng mình chống dịch khiến nhiều người dân bức xúc, thậm chí phẫn nộ. Họ cho rằng, hành vi chống đối, tấn công người thi hành công vụ để “thông chốt” là điều không thể chấp nhận được, cần bị xem xét là việc chống lại xã hội, coi thường pháp luật chứ không đơn thuần là không tuân thủ yêu cầu của lực lượng chức năng.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích, việc xử lý nghiêm khắc những cá nhân vi phạm lúc này là hành động vì cộng đồng. Các đối tượng có hành vi chống đối cần phải bị xử lý nghiêm để bảo đảm sự thượng tôn của pháp luật.

Thời gian qua, hầu hết các đối tượng đã bị xử phạt hành chính song dường như chế tài xử lý còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Do đó, để ngăn chặn triệt để hiện tượng trên, theo Luật sư Hồng Vân, cơ quan chức năng cần phải áp dụng biện pháp mạnh hơn như thu giữ phương tiện, truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng vi phạm.

“Mọi hành vi tấn công bằng vũ lực đối với các thành viên tổ công tác phòng dịch, phá hoại tài sản hoặc trang thiết bị tại các chốt kiểm soát cần phải bị xử lý về tội Chống người thi hành công vụ” theo Điều 330 BLHS 2015 với khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí bị phạt tù từ 2-7 năm (tùy theo tính chất, hậu quả của hành vi).

Trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể xử lý đối tượng vi phạm về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.