Liên Hợp Quốc ra nghị quyết "Toàn vẹn lãnh thổ Ukraine"... không nhằm vào Nga?

ANTĐ - Ngày 27-3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã biểu quyết thông qua nghị quyết với tên gọi "Toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", khẳng định sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và kêu gọi tất cả các bên nỗ lực giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng tại Ukraine thông qua đối thoại chính trị trực tiếp. 

Nghị quyết do chính Ukraine soạn thảo với sự đồng bảo trợ của một số quốc gia, trong đó có Canada, Costa Rica, Qatar, Đức, Litva và Ba Lan, đã nhận được 100 phiếu thuận, 11 phiếu chống và 58 phiếu trắng.

Các nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Nicaragua, Syria, Sudan, Triều Tiên, Venezuela và Zimbabwe. Trong khi đó, tất cả các quốc gia thuộc khối BRICS gồm Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Trung Quốc đều bỏ phiếu trắng. Một số nước không tham gia bỏ phiếu.

Dự thảo nghị quyết vừa được thông qua khẳng định chủ quyền, đoàn kết, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong đường biên giới đã được cộng đồng quốc tế công nhận, đồng thời không thừa nhận cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của khu vực Crimea khi cho rằng cuộc trưng cầu dân ý này không có giá trị pháp lý.

Phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Nghị quyết không đề cập cụ thể tới Nga, thay vào đó đề cập một cách chung chung rằng "Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các cơ quan đặc biệt không thừa nhận bất kỳ một sự thay đổi nào về thực trạng của khu vực Crimea và thành phố cảng Sevastopol".

Phát biểu sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trên đây, Đại sứ Nga Vitaly Churkin nhấn mạnh Nga có nghĩa vụ ủng hộ quyền tự quyết của đại đa số nhân dân khu vực Crimea, đồng thời khẳng định Crimea về bản chất đã là một phần lãnh thổ của Nga trong nhiều thế kỷ.

Trong một tuyên bố trên trang website, Bộ Ngoại giao Nga đã gọi nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về Ukraine là “phản tác dụng” và chỉ làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ổn định tình hình tại nước này.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc không có tính ràng buộc về pháp lý, mà chỉ phản ánh quan điểm của các nước thành viên Liên Hợp Quốc về các vấn đề nóng bỏng của tình hình quốc tế.