Lên phương án sơ tán hàng trăm nghìn dân tránh bão số 10

ANTD.VN - Khoảng trưa đến chiều nay, 15-9, bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Trong ngày 14-9, các tỉnh miền Trung đã chạy đua với thời gian để chuẩn bị phòng chống cơn bão số 10 - cơn bão lớn nhất từ vài năm trở lại đây. Cùng với việc cấm tàu thuyền ra khơi, các tỉnh miền Trung đã sẵn sàng tổ chức sơ tán dân và gấp rút triển khai các phương án khác ứng phó với bão số 10.

Lên phương án sơ tán hàng trăm nghìn dân tránh bão số 10 ảnh 1Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi với ngư dân tại Cửa Gianh (Quảng Bình) về việc phòng tránh bão

Không được phép chủ quan

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều tối 14-9, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 16,6 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình khoảng 470km về phía Đông Đông Nam. Trong đêm, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và còn mạnh thêm. Khoảng trưa đến chiều nay (15-9), bão số 10 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị; gây gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, sau đó suy yếu dần. Đến 16h ngày 15-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, trên đất liền biên giới Việt - Lào. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên, gần sáng và trong ngày 15-9 tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15, biển động dữ dội. Sóng ngoài khơi vùng tâm bão cao trên 10m, vùng ven bờ 5-6m. Đến hết đêm 15-9, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Nghệ An có mưa to đến rất to (100-300mm), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm...

Tại cuộc họp ngày 14-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, bão số 10 là cơn bão rất mạnh, nếu không ứng phó kịp thời, hiệu quả, thì thiệt hại sẽ rất lớn. Do đó, đối với khu vực ven biển (nhất là tại các địa phương dự kiến bão sẽ đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Hoá đến Quảng Trị), Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền còn hoạt động ven bờ, triển khai cấm biển, không để tàu thuyền còn hoạt động trong vùng nguy hiểm từ đêm 14-9. 

“Phải khẩn trương rà soát, kiên quyết sơ tán triệt để người dân tại các khu vực nguy hiểm, tuyệt đối không được để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên các tàu thuyền (kể cả ở nơi neo đậu) khi bão đổ bộ vào. Cùng đó, phải đảm bảo an toàn cho người và tài sản, an ninh tại các khu vực người dân sơ tán, an toàn tài sản cho người dân” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan tiếp tục tăng cường thông tin, cập nhật kịp thời diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó, tránh chủ quan. Chiều 14-9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã đến Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo việc phòng chống bão số 10.

Lên phương án sơ tán hàng trăm nghìn dân tránh bão số 10 ảnh 2Vị trí, đường đi của bão số 10

Sẵn sàng cho tình huống xấu

Tại Thừa Thiên - Huế, tỉnh đã triển khai phương án sơ tán, di dời dân tại các vùng nguy hiểm với khoảng 26.977 nhân khẩu/106.104 hộ. Đến 19h ngày 14-9, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc sơ tán, di dời dân ở vùng ven biển, cửa sông và đầm phá đến nơi an toàn. Về chuẩn bị  hàng hóa, tỉnh đã dự trữ hơn 100 tấn gạo, 100 tấn mì tôm, 10.000 lít xăng, 100.000 lít dầu diesel và 30.000 lít dầu hỏa… Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động dự trữ lương thực và hướng dẫn người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng ngập lụt chủ động dự trữ các nhu yếu phẩm thiết yếu tối thiểu 7 ngày cho gia đình để không thiếu đói khi bão lụt xảy ra.

Tại Quảng Trị, cơ quan chức năng đã xây dựng kế hoạch sơ tán dân tránh bão đổ bộ trực tiếp với 3.881 hộ/7.710 người tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Riêng huyện đảo Cồn Cỏ, nếu bão đổ bộ trực tiếp thì phải sơ tán toàn bộ số người trên đảo vào các vị trí tránh trú an toàn.

Tại Thanh Hóa, tới chiều 14-9, có 6.177 phương tiện nghề cá với 20.232 lao động đã vào nơi neo đậu an toàn tại các bến, bãi, âu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn 1.232 phương tiện với 6.958 lao động đang hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận. Các phương tiện này đều đã liên hệ được với gia đình và chính quyền địa phương, đồng thời đã tìm được nơi tránh trú an toàn. 

Tại Nghệ An, chiều 14-9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã kiểm tra công tác chống ngập úng và di dân ở thành phố Vinh. Ông Nguyễn Xuân Đường đã kiểm tra công tác phòng chống lụt bão và di dân ở nhà C8 Quang Trung - là khu tập thể cao tầng xuống cấp nhất của thành phố hiện đang có 48 hộ dân sinh sống. Ông Nguyễn Xuân Đường lưu ý công tác chống ngập úng và di dân ở các khu tập thể là quan trọng nhất. Thành phố phải thường xuyên kiểm tra, tiêu thoát nước nhanh, bên cạnh đó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân tại các khu tập thể, các khu nhà xuống cấp.

Sở Y tế Nghệ An cũng yêu cầu các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa lũ gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. 

Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, dự báo mưa lớn sẽ xảy ra diện rộng và trên các sông khu vực Hà Tĩnh sẽ có một đợt lũ lớn. Do đó, tỉnh cảnh báo mưa lớn sẽ tập trung trong thời đoạn ngắn, cần đặc biệt đề phòng khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở trung du và vùng núi, ngập úng ở vùng trũng thấp, đặc biệt tại các huyện Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ. Trong ngày 14-9, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã tỏa về các huyện để kiểm tra tình hình triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ.

Ngư dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho thuyền quay vào bờ để tránh bão

Công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh điều động cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ giúp người dân gặt lúa tại các xã Sơn Ninh, Sơn Lệ

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội nạo vét khơi thông dòng chảy mương Nam QL 5 hạ mức nước đệm chuẩn bị phòng chống cơn bão số 10

Hà Nội: Ứng trực 24/24 giờ đề phòng mưa lớn

Tại Hà Nội, UBND TP đã chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10; đảm bảo an toàn công trình, tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Trong ngày 14-9, các đơn vị liên quan đã ráo riết chuẩn bị ứng phó bão số 10.  Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội yêu cầu các xí nghiệp, đơn vị trực thuộc phân công, bố trí lực lượng ứng trực khi có mưa giông, gió bão (bố trí 100% lực lượng ứng trực theo địa bàn đã được phân công); bắt đầu trực từ 17h, ngày 14-9 cho đến khi có lệnh dừng trực của công ty.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã chuẩn bị sẵn 20.000 bao tải cát, 10.000m2 bạt chắn sóng, 30 xuồng, 15 động cơ... và sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Toàn bộ công ty chuyển sang chế độ trực ban 24/24 giờ. Công ty đã bố trí 100% lực lượng ứng trực với hơn 2.300 cán bộ, công nhân viên, 200 đầu xe máy, thiết bị cơ giới bảo đảm sẵn sàng hoạt động để giải quyết thoát nước khi có mưa lớn tại các vị trí được phân công và chủ động giải quyết các điểm phát sinh khi có yêu cầu.

Học sinh miền Trung nghỉ học tránh bão

Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã có công văn khẩn, yêu cầu tất cả các trường học chủ động cho phép học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn trong cơn bão số 10. Theo đó, các trường học thông báo đến từng học sinh nghỉ học và dừng mọi hoạt động liên quan tại nhà trường trong thời gian bão số 10 tràn vào đất liền. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 15h ngày 14-9 đến kết thúc cơn bão (dự kiến từ ngày 14-9 đến ngày 16-9). Việc học bù những ngày nghỉ do bão, các nhà trường bố trí phù hợp với tình hình địa phương.

Tương tự, tại Hà Tĩnh, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã yêu cầu tất cả các trường cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 16-9.

Các hãng hàng không ngừng bay tới miền Trung

Do ảnh hưởng của cơn bão số 10 và thời tiết xấu tại các tỉnh miền Trung, để đảm bảo an toàn bay, Vietjet ngừng khai thác các chuyến bay đi và đến các sân bay khu vực miền Trung trong ngày 14-9. Cụ thể, Vietjet ngừng các chuyến bay VJ374/VJ375/VJ376/VJ377 chặng TP.HCM - Chu Lai - TP.HCM. Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền. Vietjet đã thông tin cho hành khách tại các sân bay và qua nhiều kênh truyền thông, điện thoại, tin nhắn SMS và tổng đài 19001886. 

Hãng hàng không Jetstar Pacific cũng thông báo, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, Jetstar Pacific sẽ điều chỉnh lịch bay và tạm ngừng khai thác một số chuyến bay. Cụ thể, trong chiều tối 14-9, có 4 chuyến bay phải ngừng khai thác gồm BL226/BL227 giữa TP.HCM - Chu Lai và  BL350/BL351 giữa TP.HCM - Đồng Hới. Ngày 15-9, có 12 chuyến bay ngừng khai thác. Jetstar Pacific đang phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến của bão số 10 để có kế hoạch điều chỉnh lịch bay phù hợp. Jetstar Pacific đã thông tin hành khách biết và chủ động trong kế hoạch đi lại nhằm bảo đảm an toàn chung.