Lên phương án di dân khu vực đập hồ Núi Cốc

ANTD.VN - Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) có dung tích khoảng 175 triệu m3 nước ngọt đang xuất hiện tình trạng thấm nước. Tỉnh Thái Nguyên đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo đánh giá, đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu, từ cao trình 45 m đến 46 m. Tại cao trình 44 m hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng. Rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cao trình 32 m và 42 m bị đổ gãy chiều dài 200 m làm tụt các tấm lát mái.

Lên phương án di dân khu vực đập hồ Núi Cốc ảnh 1Hồ Núi Cốc có dung tích 175 triệu m3 nước đang gặp sự cố

Ban bố tình trạng khẩn cấp 

Ngày 14-6, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc; tổ chức trực 24/24h tại hiện trường để theo dõi diễn biến sự cố. Tỉnh cũng lập phương án xử lý khẩn cấp và chuẩn bị điều kiện cần thiết để thi công khắc phục sự cố, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20-8.

Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh được giao làm chủ đầu tư dự án xử lý cấp bách đập chính hồ Núi Cốc. Tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn xử lý cấp bách dự kiến là 47 tỷ đồng. Do đây là dự án cấp bách nên chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh phê duyệt cơ chế đặc thù; kế hoạch triển khai dự kiến vừa thiết kế, vừa thi công khoan phụt hoàn thành trước ngày 20-7-2017; các công việc còn lại thực hiện sau khi kết thúc mùa mưa bão năm 2017, dự kiến thời gian hoàn thành là 120 ngày.

Ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh cho biết, hồ Núi Cốc được xây dựng năm 1972 và đưa vào vận hành khai thác từ năm 1978. Thân đập là đập đất đồng chất, tại thời điểm đó được thi công bằng phương pháp thủ công.

Trong quá trình quản lý, vận hành công trình, công ty đã phát hiện tình trạng nước thấm qua đập chính gây nguy cơ mất an toàn. Từ năm 2014, Công ty đã đề xuất với Sở NN&PTNT tỉnh, báo cáo UBND tỉnh trình Bộ NN&PTNT và Bộ đã đồng ý cho triển khai thực hiện dự án nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn công trình hồ Núi Cốc với mức đầu tư dự kiến là 250 tỷ đồng, trong đó có hạng mục gia cố đập chính. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện. 

Phá 1 trong 7 đập để giữ đập chính?

Qua kiểm tra, đánh giá sơ bộ cho thấy, việc thấm ở đập chính là thấm cục bộ, xảy ra ở từng điểm và từng lớp đất cụ thể trên mái hạ lưu đập. Nguyên nhân được xác định sơ bộ có thể là do một số lớp đất đắp đập không đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn chất đất và độ chặt đầm nén.

Do đập đã được vận hành khai thác sử dụng lâu năm, độ kết dính của đất đắp bị lão hóa không còn đảm bảo chống thấm cho thân đập hoặc có thể do trong quá trình thi công, các lớp đất đắp với nhau bị phân tầng lâu ngày, tạo ra đường thấm qua đập. Nếu không được xử lý kịp thời hiện tượng thấm như đã nêu ở trên thì có khả năng gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến việc vận hành, khai thác công trình và ảnh hưởng đến sự an toàn của công trình.

Tại cuộc làm việc giữa Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Thái Nguyên, các chuyên gia đã đưa ra hướng xử lý đối với sự cố tại hồ Núi Cốc. Theo đó, các chuyên gia đầu ngành thủy lợi đã góp ý việc khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập phải đề cập rõ hình thức, vị trí. Trường hợp cần thiết, cần đưa ra phương án phá một trong 7 đập phụ để giữ đập chính; có phương án phòng chống lũ lụt, di dân, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Ông Đồng Văn Tự, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình và an toàn đập, Tổng cục Thủy lợi đánh giá, sự cố tại hồ Núi Cốc là do đập thoát nước ở hạ lưu xây dựng lâu và bị xuống cấp, bị tắc nên đường thoát nước dòng thấm ở đập ra phía hạ lưu bị đẩy lên trên.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng tỉnh Thái Nguyên hoàn toàn có thể khắc phục được sự cố. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ về tư vấn kỹ thuật, đưa ra giải pháp xử lý triệt để và đảm bảo an toàn bền vững cho công trình. Tổng cục Thủy lợi và một số chuyên gia cùng tham gia với đơn vị tư vấn, hiện nay đã hoàn chỉnh giải pháp sửa chữa. Ngày 21-6, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ họp với đơn vị tư vấn để hoàn chỉnh báo cáo gửi các chuyên gia tư vấn. Trong tuần này sẽ phê duyệt để lựa chọn đơn vị thi công. Dự tính trong khoảng 1 tháng sẽ hoàn tất sửa chữa.

Báo cáo sự cố hồ Núi Cốc 1 ngày/lần

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Công điện về việc đảm bảo an toàn đập, dân cư và cơ sở hạ tầng vùng hạ du công trình hồ Núi Cốc.

Theo đó, Công ty TNHH MVT Khai thác thủy lợi tỉnh Thái Nguyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lưu lượng đến, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa, diễn biến sự cố thấm qua hai vai đập và qua đập chính; chủ động xả nước hồ chứa để hạn chế phát triển của sự cố và ngập lụt vùng hạ du. Đặc biệt, báo cáo 1 ngày/lần về mực nước hồ, diễn biến, tiến độ xử lý sự cố đập, công tác đảm bảo an toàn hạ du.

Đối với TP Thái Nguyên, TP Sông Công, TX Phổ Yên và huyện Phú Bình phải rà soát và sẵn sàng triển khai phương án di dân, bảo vệ công trình đê điều, cơ sở hạ tầng vùng hạ du trong trường hợp xả lũ, nhất là xả lũ lớn, vỡ đập đảm bảo an toàn tính mạng của người dân, hệ thống đê điều, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản; trực ban nghiêm túc 24/24h.