Lebanon: Không xăng, không điện và nhiều trường học phải đóng cửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên bờ vực phá sản, Lebanon đang cạn kiệt ngoại tệ và cùng với đó là nhiên liệu, thuốc men và điện. Tất cả những điều này tác động đến mọi mặt xã hội, thậm chí nhiều trường học ở Lebanon phải đóng cửa mà không liên quan gì đến đại dịch Covid-19.
Các lái xe ở Thủ đô Beirut, Lebanon xếp hàng dài để mua xăng với lượng phân phối nhỏ giọt

Các lái xe ở Thủ đô Beirut, Lebanon xếp hàng dài để mua xăng với lượng phân phối nhỏ giọt

Ông Taghreed Taki, giáo viên một trường công lập ở Rashaya, cách Thủ đô Beirut 2 giờ lái xe cho biết, ông khó đảm bảo giờ dạy vì thiếu xăng để chạy xe. Mỗi lần xếp hàng đổ xăng, ai cũng chỉ được đổ vài lít và phải chờ rất lâu nên đến làm muộn. “Nhưng bước vào lớp, tôi nhận ra một số học sinh vắng mặt, không phải vì ốm mà vì bố mẹ các em không đủ trả tiền xe buýt nữa, đặc biệt là khi gia đình có vài trẻ ở độ tuổi đi học”, thầy giáo 40 tuổi nói. Ở khu vực ngoài Thủ đô Beirut, hầu như không có bất kỳ phương tiện giao thông công cộng nào và những người không có ô tô thường phải đi chung taxi. Nhưng tại khu vực nội đô, tình hình cũng không khả quan hơn. Bên cạnh đó, do không có nhiên liệu, các nhà máy điện của Lebanon không thể hoạt động. Điện lưới chập chờn, kết nối Internet không đảm bảo kéo theo việc dạy học trực tuyến là nhiệm vụ bất khả thi. “Tất cả đều có mối liên hệ với nhau. Đó là một vòng luẩn quẩn”, giáo viên Taghreed Taki nói.

Nhiên liệu thiếu là do nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt, không có tiền nhập khẩu. Đó chỉ là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của một nền kinh tế sắp phá sản. Báo cáo Theo dõi Kinh tế Lebanon mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho rằng, Lebanon hiện là một trong những nền kinh tế tồi tệ nhất trên toàn thế giới. Đồng bảng Lebanon đã mất 90% giá trị trong thời gian gần đây. Trên hết, đất nước này tiếp tục phải vật lộn với đại dịch cùng hậu quả của vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut hồi tháng 8 năm ngoái khiến hơn 200 người thiệt mạng. Tỷ lệ thất nghiệp tại đây là 40%, nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa và nhiều người không thể truy cập vào tài khoản ngân hàng của họ. Về mặt chính trị, Thủ tướng được chỉ định, Saad Hariri, cho đến nay đã không thể thành lập nội các kể từ khi được đề cử vào tháng 10 năm ngoái.

Tại hội nghị các nhà tài trợ do Pháp triệu tập, các nước đã đồng ý viện trợ tài chính cho quân đội Lebanon. Đó là bởi vì, Nhà nước sẽ không thể trả lương cho quân đội trong vòng 5 tháng. “Họ muốn đảm bảo rằng, quân đội có thể thực hiện vai trò của mình một cách hiệu quả nhất có thể”, bà Menhem nói.

Lebanon là một quốc gia nhập khẩu. Và nhiều sản phẩm nhập khẩu như bột mì, nhiên liệu và thuốc, được chính phủ trợ cấp với mức giá khoảng 6 tỷ USD hàng năm. Một nửa trong số đó dành cho việc trợ giá xăng nhập khẩu, vốn là cách duy nhất để người dân bình thường có thể mua được trong nhiều thập kỷ. Mặt hàng khan hiếm này cũng đang bị buôn lậu ra khỏi đất nước. Một số người cáo buộc các nhà điều hành trạm xăng cố tình giữ lại nhiên liệu cho đến khi trợ cấp giảm và bán với giá cao hơn cho nước láng giềng Syria.

Quyền Bộ trưởng Năng lượng của Lebanon, Raymond Ghaja, đã đưa ra cảnh báo rằng, trợ cấp nhiên liệu có thể sắp kết thúc và người dân nên bắt đầu xem xét các phương tiện giao thông thay thế, nhưng ông không nói bằng cách nào. Để tiết kiệm xăng, nhiều người ở Lebanon chỉ lái xe ô tô của họ khi họ thực sự cần thiết. Nếu trợ cấp biến mất hoàn toàn, rất ít người có đủ khả năng đổ xăng để đi lại. Và điều này có nghĩa là, sẽ có ít trẻ em đi học hơn và tương lai của thế hệ trẻ ở Lebanon càng mịt mờ.

Trong bối cảnh đó, nhiều người, một phần là bác sĩ và giáo viên, có xu hướng rời bỏ đất nước để cư ngụ ở nước ngoài. “Nguồn lực con người của Thủ đô sẽ bị ảnh hưởng, điều này thật bi thảm”, bà Diana Menhem - Giám đốc điều hành của tổ chức cải cách chính trị Kulluna Irada nói.