"Lệ làng" sẽ giúp chủ nhà Malaysia đạt được mục đích?

ANTD.VN - Hôm nay 1-7, các Liên đoàn thành viên cùng đại diện Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) sẽ nhóm họp tại Nha Trang để bàn nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc cùng lên tiếng kiến nghị về thể thức bốc thăm thiếu công bằng mà chủ nhà SEA Games 29, Malaysia muốn áp dụng.

Một tuần sau khi Malaysia - chủ nhà SEA Games 2017, công bố điều lệ sơ bộ bốc thăm môn bóng đá, futsal của đại hội, trong đó quy định nước chủ nhà có quyền chọn bảng đấu, làn sóng phản đối tiếp tục lan rộng ở Đông Nam Á.

Trả lời truyền thông, lần lượt đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Myanmar, Lào, Indonesia đều cho rằng cách bốc thăm của Malaysia là không công bằng, ảnh hướng tới sự phát triển chung của bóng đá khu vực. Các liên đoàn này cũng gửi văn bản tới AFF, AFC (Liên đoàn Bóng đá châu Á) đề nghị có tiếng nói với chủ nhà SEA Games.

Tổng thư ký AFF Ahmad Azzuddin thừa nhận cách thức bốc thăm mà Malaysia định áp dụng là không thỏa đáng. Có điều dù là tổ chức đứng đầu bóng đá Đông Nam Á song AFF thừa nhận cũng không thể can thiệp vì SEA Games có đặc thù riêng và chỉ có Hội đồng Olympic, nơi tổ chức cuộc họp các đoàn tham dự giải mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Chủ nhà SEA Games được nhận nhiều đặc quyền, trong đó có việc quyết định thể thức bốc thăm, số nội dung, môn thi đấu... (Trong ảnh: Malaysia nhận cờ đăng cai SEA Games 29)

Hôm nay 1-7, AFF sẽ cùng đại diện các liên đoàn thành viên họp, với nội dung được quan tâm là việc kiến nghị lên AFC - tổ chức được Ban tổ chức SEA Games tham vấn về nội dung môn bóng đá đại hội, đề nghị tổ chức này có ý kiến với Ủy ban Olympic Malaysia.

Tuy nhiên, sự tác động này của AFF, thậm chí tới đây là AFC cũng không đảm bảo chủ nhà Malaysia sẽ thay đổi. Tín hiệu lạc quan hơn được kỳ vọng ở cuộc họp Ủy ban Olympic các quốc gia thành viên dự SEA Games 29, sẽ diễn ra tại Malaysia vào ngày 3-7 tới. Đây sẽ là cuộc họp cuối cùng để các quốc gia thành viên chốt lại những vấn đề còn thắc mắc, chưa thống nhất, đặc biệt là trong thể thức thi đấu ở 38 môn thi đấu, trong đó bao gồm bóng đá, futsal.

Song, theo thông lệ SEA Games, quyết định cuối cùng vẫn sẽ thuộc về Ủy ban Olympic nước chủ nhà Malaysia - Ban tổ chức đại hội kỳ 29 này.

Mới đây, trước làn sóng phản đối từ nhiều quốc gia thành viên dự SEA Games, Tổng thư ký Ủy ban Olympic Malaysia Sieh Kok Chi khẳng định việc chủ nhà tự chọn bảng đấu không phải là phi lý và từng có tiền lệ.

"Trong quá khứ, chủ nhà Việt Nam tại SEA Games 2003 hay Indonesia tại SEA Games 2011 cũng được chấp thuận cho tự chọn bảng đấu", ông Sieh Kok Chi tiết lộ.

Việc tự chọn bảng đấu xảy ra ở ngay kỳ SEA Games mới nhất năm 2015, chủ nhà Singapore cũng chọn cho mình nằm ở bảng A (cùng Indonesia, Myanmar, Campuchia và Philippines), để bảng B trở thành "tử thần" với sự góp mặt của Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Lào, Brunei, Timor Leste.