Lấy xe của chính mình có thể phải ngồi tù tới 15 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian qua có một số trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có hành vi lấy trộm xe của chính mình. Điều khiến nhiều người băn khoăn là tại sao đối tượng lấy chiếc xe thuộc quyền sở hữu cá nhân nhưng vẫn bị khởi tố về hành vi trộm cắp tài sản?

Công an quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội, vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Bình (43 tuổi, trú tại Hải Dương) để điều tra tội trộm cắp tài sản.

Trước đó, Bình mua chiếc ô tô hiệu Toyota Corolla Altis không có giấy tờ với giá 65 triệu đồng để phục vụ nhu cầu đi lại và dạy lái.

Tháng 12-2021, do Bình đỗ xe không đúng quy định trên đường Nguyễn Hoàng, quận Nam Từ Liêm nên bị CSGT lập biên bản vi phạm, tạm giữ, đưa xe về gửi tại bãi xe số 3 Lê Quang Đạo.

Hơn nửa năm sau, Bình phát hiện chiếc xe vẫn đang để tại bãi xe số 3 Lê Quang Đạo nên nảy sinh ý định trộm cắp. Bình đã nhờ bạn qua kích điện chiếc xe giúp nhưng khi Bình nổ máy thì xe chết máy nên Bình đã nhờ nhân viên của một gara sửa chữa ô tô gần đó mang xe về sửa.

Khi phát hiện xe bị mất, nhân viên bãi xe số 3 Lê Quang Đạo đã đến trình báo cơ quan công an, Bình đã bị bắt giữ ngay sau đó. Kết quả giám định sơ bộ xác định chiếc xe Bình lấy trộm trị giá 80 triệu đồng.

Nguyễn Văn Bình và chiếc xe tang vật của vụ án
Nguyễn Văn Bình và chiếc xe tang vật của vụ án

Sự việc trên không phải hiếm gặp. Cách đây không lâu tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, đối tượng Trần Minh Thành (SN 1984) và Nguyễn Ngọc Báu (SN 1986), ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên cũng bị tạm giữ hình sự về hành vi trộm cắp tài sản do lái xe ô tô của chính mình đang bị tạm giữ về nơi cất giấu.

Trước đó, do Trần Minh Thành điều khiển xe ô tô nhãn hiệu Mazda 2 mang BKS 72A- 362.38 vi phạm nồng độ cồn, nên lực lượng công an đã tiến hành tạm giữ xe ô tô trên.

Khi đi xe máy đến trụ sở Công an huyện Bình Xuyên để xử lý vi phạm, thấy không có người quản lí trông giữ, nên Thành và người đi cùng đã lẻn vào trong điều khiển xe ô tô của mình (trị giá khoảng 250 triệu đồng) rời khỏi bãi xe về cất giấu tại đường liên thôn giáp nhà của Thành.

Về các vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật của người khác, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản, hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết.

Trên thực tế, hành vi này làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện được các quyền ( bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt) đối với tài sản của họ được giao quản lý, đồng thời những quyền này lại thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.

Hậu quả của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội chiếm đoạt được tài sản từ 2 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp luật quy định phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong các vụ việc trên, dù chiếc xe ô tô thuộc quyền sở hữu của đối tượng song đã bị tạm giữ do chủ phương tiện vi phạm quy định về ATGT. Trong thời gian bị tạm giữ, chiếc xe này thuộc quyền quản lý của cơ quan công an và chủ sở hữu phương tiện tạm thời không có quyền sử dụng.

Vì vậy, việc chủ chiếc xe lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, tự ý đi vào nơi tạm giữ phương tiện lái chiếc xe về nhà là hành vi trái pháp luật có dấu hiệu cấu thành tội Trộm cắp tài sản.

Theo Điều 173 BLHS 2015 sửa đổi, chiếm đoạt tài sản giá trị từ 50-dưới 200 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 2-7 năm. Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tù từ 7-15 năm – Luật sư Thu nhấn mạnh.