Lấy phiếu để tự soi mình

ANTĐ - Bên lề Quốc hội sáng 23-10, phóng viên ANTĐ đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị xung quanh Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn. 

Lấy phiếu để tự soi mình  ảnh 1

- PV: Ông kỳ vọng gì từ Nghị quyết này?

- Ông Hà Sỹ Đồng: Đây là nội dung rất quan trọng tại kỳ họp Quốc hội lần này. Việc xem xét thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm cho thấy Quốc hội đặt mục tiêu, quyết tâm cao trong việc thanh lọc, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, xứng đáng với các vị trí, chức danh do Quốc hội và HĐND bầu ra. 

Bản thân mỗi cán bộ khi được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng sẽ tự nhìn nhận, tự đánh giá lại năng lực và phẩm chất của mình, từ đó sẽ tự có ý thức rèn luyện thêm. Ngay cả những cán bộ chưa được lấy phiếu tín nhiệm cũng sẽ nhìn vào các đợt lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm này để rút kinh nghiệm. 

Có thể nói, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ đã được đưa ra rất sát, rất đúng với tình hình hiện nay, đáp ứng được kỳ vọng của các ĐBQH, cũng là mong mỏi của nhân dân cả nước về một đội ngũ cán bộ chủ chốt có năng lực, phẩm chất tốt hơn.

- Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm cán bộ khi được thông qua liệu có tạo ra “văn hóa từ chức”?

- Mục đích của lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm cũng nhằm thanh lọc, thay thế, luân chuyển những cán bộ chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu nhưng không đủ năng lực, phẩm chất, không được tín nhiệm. Bản thân những đồng chí có mức tín nhiệm thấp cũng sẽ nhận thức sâu sắc được vấn đề này để chủ động xin từ chức, hoặc ít ra cũng phải tự kiểm điểm sâu sắc, tự rút ra bài học cho mình để ở kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm sau, mức tín nhiệm của mình được cải thiện hơn. 

- Có ý kiến cho rằng nên lấy phiếu tín nhiệm 2 năm một lần thay vì định kỳ hàng năm như trong dự thảo Nghị quyết, quan điểm của ông thế nào?

- Cá nhân tôi ủng hộ việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu theo định kỳ mỗi năm một lần. Vì như vậy cán bộ mới luôn có ý thức cao nhất để phấn đấu, rèn luyện và cống hiến, hơn nữa họ cũng có thời gian để nhận thấy và nâng cao mức tín nhiệm của cá nhân  qua từng năm. Còn nếu lấy 2 năm một lần, tôi cho là quá dài, không phù hợp.