Lầu Năm góc cáo buộc Trung Quốc tăng tốc cải tạo đảo trên Biển Đông

ANTĐ - Trung Quốc đã nỗ lực cải tạo đảo ở 5 tiền đồn tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông,  để tăng cường sự hiện diện dân sự và quân sự của Trung Quốc tại đây, báo cáo của Lầu Năm góc vào cuối tuần qua về sức mạnh quân sự Trung Quốc cho biết.
Lầu Năm góc cáo buộc Trung Quốc tăng tốc cải tạo đảo trên Biển Đông ảnh 1

Tình trạng xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bãi đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, Bắc Kinh đã tăng tốc cải tạo các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa trong năm nay, với tổng diện tích bổ sung vào các tiền đồn trên Biển Đông tăng từ 500 mẫu Anh (200 hecta) vào tháng 12 năm ngoái lên đến 2.000 mẫu Anh (800 hecta) hiện tại. 

Quan chức quốc phòng Washington tuyên bố “không ủng hộ việc cải tạo đảo trên Biển Đông của bất kỳ bên nào, nhưng tốc độ và quy mô cải tạo đảo của Trung Quốc trong những năm gần đây vượt xa các quốc gia khác. Trung Quốc đã mở rộng diện tích trên các tiền đồn nước này chiếm đóng thêm khoảng 400 lần”. Lầu Năm góc cảnh báo rằng, 5 tiền đồn của Bắc Kinh có thể được sử dụng cho việc triển khai hệ thống giám sát, bến cảng, sân bay và hỗ trợ hậu cần đề sử dụng cho mưu đồ bành trướng chủ quyền.

Lần đầu tiên, báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc, Mỹ miêu tả hoạt động xây dựng đảo quy mô lớn của Trung Quốc tại 5 tiền đồn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam và tiết lộ 4/5 tiền đồn này được thay đổi cho mục đích chủ yếu là xây dựng và phát triển. Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi tình hình thực tế trên đất liền bằng cách đẩy mạnh cải tiến cơ sở hạ tầng quốc phòng của mình trên Biển Đông. 

Trong cuộc gặp gỡ với báo chí sáng 7-5 tại Hà Nội, hạ nghị sĩ Matt Salmon, Chủ tịch Tiểu ban châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết, ngay sau chuyến thăm Việt Nam của đoàn, Hạ viện Mỹ sẽ tổ chức một phiên điều trần về tình hình Biển Đông. Ông nhấn mạnh cần có sự phối hợp quốc tế để giải quyết vấn đề này và quan ngại về tình hình tranh chấp hàng hải và đánh bắt cá trong khu vực.

Hành động ngang ngược trên của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Trước tình trạng này, ngày 8-5, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III cho biết đã tìm ra cách để ngăn chặn hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Aquino cho biết ngay khi trở về Manila sau chuyến thăm Canada, ông sẽ tổ chức một cuộc họp để thảo luận về “con đường tiếp theo của phương pháp tiếp cận” vấn đề Biển Đông mà ông hiện chưa thể công bố được.

Khi Tổng thống Philippines nêu ra điều này trong cuộc họp với Thủ tướng Canada Stephen Harper, ông Harper cho rằng các bên ở Biển Đông cần bình tĩnh và ca ngợi Tổng thống Aquino đã xử lý vấn đề này rất thận trọng và trách nhiệm. Ông Aquino cũng khẳng định Philippines luôn tôn trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và “kiềm chế leo thang căng thẳng” trong khu vực.

Tàu chiến Nhật Bản đến Philippines tập trận chung 
Nhật Bản và Philippines sẽ tổ chức cuộc tập trận hải quân đầu tiên giữa 2 nước vào tháng này trên Biển Đông. Cuộc diễn tập an toàn hàng hải CUES (thực hành cách ứng phó khi xảy ra chạm trán bất ngờ trên biển) diễn ra ngày 12-5, là một phần trong thỏa thuận giữa Manila và Tokyo hồi tháng 1-2015 nhằm thắt chặt hợp tác an ninh. Cuộc diễn tập tiến hành tương tự như các cuộc tập trận trước kia với Mỹ. Sự hiện diện của tàu hải quân Nhật Bản ở Biển Đông thể hiện sự quan tâm nhiều hơn của Nhật đến khu vực, trong bối cảnh ngày càng có nhiều chỉ trích về hành động cải tạo đảo của Trung Quốc. “Cuộc diễn tập CUES cách không xa bãi cạn Scarborough”, một nguồn tin Nhật Bản cho biết. Cuộc diễn tập diễn ra trong 2 tiếng tại các vùng lãnh hải của Philippines gần vịnh Subic, một căn cứ cũ của hải quân Mỹ, sẽ có sự tham gia của tàu chiến Nhật Bản và một tàu khu trục hải quân Philippines, một phát ngôn viên của hải quân Philippines cho biết.
Khánh Chi (Theo GMA)