Lắt léo ngõ xuyên phố

ANTĐ - Hà Nội nổi tiếng với khu phố cổ. Qua bao năm tháng mà thành các phố nhỏ, ngõ nhỏ đặc trưng. Thú vị vô cùng khi đi vào một số nhà ở phố này, luồn lách qua những ngách ngang dọc tối om rồi bỗng bừng sáng và lại đã ở số nhà một phố khác hẳn. 

Lắt léo ngõ xuyên phố ảnh 1

 Số nhà 13 Bà Triệu thông sang phố Hàng Khay

Hồi nhỏ, tôi hay lang thang chơi trong các ngõ nhỏ. Cái trò chơi của bọn trẻ con ngày ấy là luồn lách qua các ngõ, cứ từ số nhà ở phố này, luồn qua ngách tối lại sang số nhà phố khác. Dễ tìm và nổi tiếng nhất là số nhà 13 Bà Triệu hay còn gọi là ngõ Chùa. Thuở xưa, nơi đây là làng Vũ Thạch có đầy đủ đình, miếu, chùa. Sau khi thành phố Tây - phố Bà Triệu vẫn giữ được cả bộ tam di tích tín ngưỡng này. Ngõ 13 Bà Triệu đi sâu vào sẽ tới cổng chùa Vũ Thạch rồi đi thông ra phố Hàng Khay, sát bờ hồ Hoàn Kiếm. 

Thời bao cấp, trong số nhà 13 Bà Triệu có một hợp tác xã sản xuất cặp tóc cho chị em và đến khoảng đầu thập kỷ 90 thì giải thể. Trở lại số nhà 13 Bà Triệu những ngày đầu năm 2016, nay là nhà riêng của gia đình anh Nguyễn Xuân Phú, bố anh trước kia chính là chủ nhiệm hợp tác xã. Anh kể cái số nhà này nhiều chuyện ly kỳ cười ra nước mắt. Nhiều thứ đổi thay nhưng ngõ này vẫn tồn tại một nhà vệ sinh công cộng suốt mấy chục năm nay và miễn phí hoàn toàn. Thời xưa, nhiều người nông thôn ra thành thị hay bị mất đồ đạc khi đi tàu xe.

Kẻ gian hay mang đồ trộm cắp được vào nhà vệ sinh này lục lọi rồi vứt lại giấy tờ của người không may. Công nhân vệ sinh ngày ấy cứ thi thoảng lại thấy vứt lại một túi xách. Ban đầu thì nộp công an, sau cứ mang ra đầu phố cho ai mất cắp thì tự đến lấy giấy tờ về. Câu chuyện anh Phú kể về số nhà 13 Bà Triệu còn gọi là ngõ Chùa cơ man ký ức, từ sân chùa có bập bênh, đu quay cho trẻ con, đến cây bồ hòn trong chùa đến mùa rụng quả, dân xung quanh lại ra nhặt về giặt quần áo, trẻ con thì lấy hạt mài xuống đất cho nóng rực rồi gí vào tay nhau, đứa thì hét ré lên, đứa thì bỏ chạy cười ngặt nghẽo.

Lắt léo ngõ xuyên phố ảnh 2

Số nhà trên phố Hàng Gai luồn lách sang phố Hàng Hành

Phố Lý Quốc Sư lại có số nhà 31 thông sang phố Hàng Trống. Những năm phương tiện đi lại sang trọng chỉ có xích lô, nhiều kẻ cứ đi xích lô oai phong lẫm liệt rồi đến số nhà này thì nói chờ vào lấy tiền, xích lô cứ đứng chờ không thấy, vào hỏi mới biết kẻ gian đã luồn thông sang phố Hàng Trống trốn mất dạng. Chuyện cứ như cái kết của “Người ngựa - ngựa người”. Việc này xảy ra nhiều lần đến mức dân cư hai số nhà của hai phố họp và quyết định “ngăn sông cấm chợ” vĩnh viễn.

Những số nhà từ phố nọ lại xuyên sang số nhà phố khác đã tồn tại ở Hà Nội từ lâu. Đến nay, những số nhà đó vẫn còn, những lối luồn lách đó vẫn còn nhưng có chỗ đã bị bịt lại vĩnh viễn, có chỗ chỉ bịt lại vào ban đêm. Trên phố Hàng Gai, số nhà 63 là nơi gia đình anh Nguyễn Minh Tuấn kiếm sống bằng bán quà lưu niệm cho khách du lịch nước ngoài có thể thông sang 20 Hàng Hành.

Những người bạn từ nơi khác đến thường nhờ tôi dẫn đi chơi kiểu “du kích” này. Ban đầu, bước chân vào một số nhà, nhà cổ nên chỉ một người bước qua được, qui định là im lặng và tỏ ra thật tự nhiên khi gặp người dân trong đó. Cứ thế, cả đoàn người im lặng nối đuôi nhau đi trong những ngách tối om, giữa ban ngày mà người sau phải nắm tay người trước, qua vài đoạn quay ngang, quẹo dọc thì bỗng sáng bừng và đã sang phố khác.

Riêng phố Hàng Gai có đến 3 số nhà thông ra 3 phố khác nhau, từ phố Hàng Gai đi sang Hàng Hành, phải vòng vài trăm mét mới quay lại, rồi vào số nhà khác đã lại sang ngõ Hàng Chỉ, lại vòng lại vài trăm mét, chui vào một số nhà khác lại đã ra đến Bảo Khánh. Nếu bạn không phải là dân phố cổ, hãy thử một lần khám phá Hà Nội theo cách này xem sao, thú vị lắm đấy.