Lao động nữ đi xuất khẩu chỉ chiếm 1/3 nhưng đóng góp 50% tiền gửi về nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), lao động nữ của Việt Nam dù chỉ chiếm 1/3 số lượng người làm việc ở nước ngoài song đóng góp tới 50% lượng kiều hối.

Tại hội thảo trực tuyến về hợp tác thúc đẩy di cư lao động an toàn và bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam, ILO cho biết, mặc dù phụ nữ Việt Nam chỉ chiếm một phần ba tổng số người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, nhưng họ đã đóng góp tới 50% lượng kiều hối.

Như vậy có thể nói, vấn đề di cư lao động của phụ nữ là một yếu tố quan trọng của sự dịch chuyển lao động. Tuy nhiên, lao động nữ phải đối mặt với nhiều rào cản hơn nam giới, có nguy bị cơ phân biệt đối xử và bạo lực dựa trên chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, tuổi tác, tình trạng di cư hoặc các đặc điểm liên quan đến giới tính.

Dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về những vấn đề lao động và bình đẳng giới của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, Bộ LĐ-TB&XH luôn quan tâm hướng tới việc thúc đẩy lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm.

Bộ Luật lao động 2019 đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu nhằm làm giảm khoảng cách cũng như cơ hội việc làm giữa nam và nữ, Luật Bảo hiểm xã hội cũng cho phép nam giới được nghỉ phép khi vợ sinh con...

Tuy nhiên, phụ nữ lao động di cư Việt Nam nói riêng và trong ASEAN nói chung vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như phải làm những công việc có mức lương thấp hơn, gặp phải nhiều rào cản hơn, có nhiều khả năng bị sa thải khi mang thai và sinh con. Lao động nữ cũng có ít cơ hội được tiếp cận với các cơ chế giải quyết khiếu nại hiệu quả cũng như các dịch vụ hỗ trợ trong trường hợp cần thiết khi ở nước ngoài.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày về những kết quả đạt được liên quan đến tạo dựng môi trường thuận lợi cho phụ nữ di cư; những bài học kinh nghiệm trong công tác điều phối các dịch vụ hỗ trợ lao động nữ di cư bị bạo lực; tổng quan về các kết quả chính đã đạt được trong khuôn khổ chương trình Safe and Fair (SAF) và kế hoạch năm 2022.