Lãnh đạo thành phố Hà Nội dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ

ANTD.VN - Sáng nay, 17-12, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016), các đoàn đại biểu lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP, Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Mai Dịch và các di tích trên địa bàn thành phố.  

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội thắp hương tưởng nhớ các vị tiền bối cách mạng, các Anh hùng liệt sĩ

Đoàn lãnh đạo thành phố Hà Nội do đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội). Tại đây, đồng chí Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu trong đoàn đã dành một phút mặc niệm, kính cẩn nghiêng mình để tưởng nhớ công ơn của các vị tiền bối cách mạng, các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân. Tiếp đó, các đồng chí trong đoàn lãnh đạo thành phố đã dâng hương tưởng nhớ đến từng phần mộ các đồng chí lãnh đạo cách mạng tiền bối, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ và phần mộ của các liệt sĩ vô danh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng dâng hương tại Phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946”

Cũng trong sáng 17-12, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng Quận ủy, chính quyền và nhân dân quận Ba Đình, quận Hoàn Kiếm trang trọng dâng hoa tưởng niệm tại Tượng đài “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” ở vườn hoa Vạn Xuân, quận Ba Đình và dâng hương tại Phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” ở chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm.

Cách đây 70 năm, Hà Nội đã cùng nhân dân cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. 60 ngày đêm chiến đấu liên tục với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương, Khu ủy và Bộ chỉ huy Khu XI giao. Quân và dân Hà Nội đã xây dựng Liên khu I thành chốt thép kiên cường ngay trong nội thành Hà Nội; thu hút, bẻ gãy các cuộc tấn công của quân Pháp, giam chân địch dài ngày trong thành phố góp phần đập tan hoàn toàn kế hoạch đánh chiếm Hà Nội trong 24h của địch, tạo điều kiện và thời gian thuận lợi cho cả nước chuyển từ thời bình sang thời chiến. Trong 60 ngày đêm chiến đấu ấy, hàng nghìn người con của Thủ đô đã ngã xuống để bảo vệ từng ngôi nhà, từng góc phố thân yêu của Thủ đô. Máu của các anh hùng, liệt sỹ và nhân dân dân Liên khu I đã tô thắm lá cờ của Trung đoàn Thủ đô, góp phần làm nên “Bản hùng ca mùa đông bất tử 1946” vang vọng muôn đời.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung gặp gỡ các nhân chứng lịch sử đã từng tham gia trận đánh Pháo đài Láng năm xưa

Cũng trong sáng 17-12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã tới dâng hoa tại Khu di tích Pháo Đài Láng (quận Đống Đa), Hà Nội, Tại đây, Chủ tịch UBND TP đã gặp gỡ các nhân chứng lịch sử đã từng tham gia trận đánh Pháo đài Láng năm xưa.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Pháo đài Láng - nơi phát ra tiếng súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch chống Pháp đã trở thành di tích lịch sử, một điểm tham quan du lịch trong nội thành và được xếp hạng quốc gia năm 1993. Khu di tích Pháo đài Láng ngày nay vẫn còn lưu giữ một khẩu pháo lớn. Đây là một trong hai khẩu pháo còn lại, là chứng tích cho sự mở đầu "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của quân và dân Hà Nội. Bên trong khu di tích còn có nhà trưng bày, lưu giữ nhiều hiện vật quý như mô hình Hà Nội xưa, danh sách cán bộ, chiến sĩ Đại đội Pháo binh Thủ đô tham gia chiến đấu bảo vệ Hà Nội trong những ngày kháng chiến và nhiều kỷ vật, tranh ảnh, tư liệu lịch sử của quân và dân pháo đài...  

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc thăm và dâng hương tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc, Hà Đông

Sáng cùng ngày, tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội do đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP làm trưởng đoàn đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tại lễ dâng hương, đoàn đã được ôn lại những bài học sâu sắc của lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân; khẳng định vai trò lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đóng góp của các tầng lớp nhân dân đối với cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, tự do và sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta.

Tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đã biểu dương những cố gắng của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng như chính quyền địa phương trong công tác giữ gìn, bảo tồn giá trị lịch sử của Nhà lưu niệm. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng đề nghị những cán bộ đang được giao trách nhiệm trông giữ Nhà lưu niệm làm tốt hơn nữa việc mở rộng đối tượng tham quan, để nơi đây thực sự là địa chỉ đỏ thiêng liêng - nơi giáo dục truyền thống cách mạng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Sáng 17-12, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn đã tới dâng hoa tại Khu di tích Chùa Trầm (Phụng Châu, Chương Mỹ). Tại đây, đoàn đã ôn lại những sự kiện diễn ra tại Chùa Trầm. Khi đó, vào đêm 19-12-1946, tại Chùa Trầm, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng tại đây, đêm 21-1-1947, sau khi chủ trì phiên họp Chính phủ tại phủ Quốc Oai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về trụ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc lời chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước vào Giao thừa Tết Đinh Hợi. 10 năm sau, ngày 19-5-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại thăm cán bộ và nhân dân xã Phụng Châu. Ngày 13-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đơn vị bộ đội thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và làm việc một ngày tại Chùa Trầm…

Trong buổi dâng hoa, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chùa Trầm để nơi đây mãi là “điạ chỉ đỏ” nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Thủ đô và thế hệ trẻ huyện Chương Mỹ. Nhân dịp này, huyện Chương Mỹ đã phát động cán bộ và nhân dân trong huyện tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và học tập theo gương Bác Hồ để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước để xây dựng Chương Mỹ ngày càng giàu đẹp, văn minh.