Lãnh đạo Tân Hoàng Minh gửi tâm thư xin bỏ cọc lô đất đấu giá 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tân Hoàng Minh đã có tâm thư xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm vào đầu tháng 12/2021 vừa qua.

Chiều tối 11/1/2022, đại diện Tân Hoàng Minh xác nhận, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, ông Đỗ Anh Dũng, đã có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm.

Theo đó, ông Dũng bày tỏ chấp nhận mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Hành động này theo ông Dũng nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản. Bởi ông Dũng thừa nhận kết quả đấu giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 đất có thể dẫn đến những hệ luỵ không tốt cho thị trường.

Đặc biệt là sau khi doanh nghiệp tiếp thu ý kiến, nhận định "đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng một m2 là bất thường" của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc hôm 4/1.

"Chúng tôi nghiêm túc kiểm điểm và nhận thấy rằng việc đấu giá đất với kết quả nêu trên sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng", ông Dũng viết trong tâm thư.

Lô đất ở Thủ Thiêm mà Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá với giá trị 24.500 tỷ đồng

Lô đất ở Thủ Thiêm mà Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá với giá trị 24.500 tỷ đồng

Trước đó, ông Dũng đã chia sẻ bản thân bất ngờ về mức giá mà mình quyết định bỏ ra để trúng thầu. Theo ông kể lại, thời điểm đó, có nhiều nhà đầu tư tham gia trả giá cao đến 20.000 tỷ đồng rồi bỏ cuộc, chỉ còn một nhà đầu tư ngoại. Ông kể, lo ngại mảnh đất đẹp nhất Thủ Thiêm về tay người nước ngoài, vì "trào lên lòng tự hào dân tộc", nên quyết định trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng, để giành quyền trúng thầu.

Trong phiên đấu giá ngày 10/12/2021, lô đất 3-12 có sự cạnh tranh khá căng thẳng khi mất đến 70 lượt trả giá mới tìm được nhà đầu tư thắng cuộc. Từ mốc khoảng trên 20.000 tỷ đồng, chỉ còn lại hai doanh nghiệp tham gia là Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty CapitalLand One Financial.

Cuối cùng Công ty Ngôi sao Việt đã trả mức giá 24.500 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp thắng cuộc.

Doanh nghiệp sau đó đã có những điều chỉnh, cân đối tài chính để đảm bảo đóng tiền theo đúng tiến độ, quy định cũng như lên phương án thiết kế, đầu tư, kinh doanh.

Ông Dũng cho rằng bản thân luôn cố gắng để đóng góp phát triển kinh tế cho đất nước "với tôn chỉ thượng tôn pháp luật". Việc tham gia đấu giá lần này cũng có một phần mong muốn tăng thêm nguồn thu cho ngân sách TP.HCM sau Covid-19 và xây dựng một công trình điểm nhấn, góp phần cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị của bán đảo Thủ Thiêm.

Lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng thầu ngày 10/12/2021với giá 24.500 tỷ đồng và đã đặt cọc 588,4 tỷ đồng. 7 ngày sau đó, Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng TP.HCM.

Theo Luật Đấu giá tài sản, hủy hợp đồng mua bán tài sản đấu giá có sự thỏa thuận giữa các bên sẽ dẫn đến hủy kết quả đấu giá. Trong trường hợp này là thỏa thuận giữa Công ty Ngôi Sao Việt và Trung tâm quỹ đất (Sở TN-MT TP. HCM) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp TP.HCM). Sau khi hủy kết quả, nếu các bên có lỗi gây thiệt hại sẽ phải bồi thường theo quy định.

Vì đã đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty Ngôi Sao Việt có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng - bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo khoản 5 Điều 27 Nghị định 62/2015/NĐ-CP, khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.

Đây không phải lần đầu tiên Tân Hoàng Minh tham gia đấu giá đất trên địa bàn TP.HCM rồi lại bỏ cọc.

Trước đó, tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh từng trúng thầu khu đất vàng 3.000 m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM với mức giá cao nhất 1.430 tỷ đồng rồi sau đó đề nghị huỷ kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá.

Nhưng đến 6/2016, doanh nghiệp lại đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Do quá thời gian quy định, ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt.

Đến tháng 5/2017, doanh nghiệp này được nhận mảnh đất nhưng không triển khai gì và năm 2019, mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho Techcombank.