Làng Việt trong tâm hồn một người Mỹ 

(ANTĐ) - “Những nông dân Việt Nam tôi có dịp làm quen đã làm thay đổi cuộc đời tôi”, bà Lady Borton đã nói như vậy với nữ văn sỹ Mỹ Grace Paley.

Làng Việt trong tâm hồn một người Mỹ 

(ANTĐ) - “Những nông dân Việt Nam tôi có dịp làm quen đã làm thay đổi cuộc đời tôi”, bà Lady Borton đã nói như vậy với nữ văn sỹ Mỹ Grace Paley.

Bà sống, bà hoạt động theo lý tưởng của Quaker, một giáo phái khá thịnh hành ở Mỹ. Quaker tin rằng thần thánh có trong tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, nam nữ, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến. Nếu giết bất kỳ một người nào đó cũng tức là giết thần thánh. Do đó người Quaker không tham gia một cuộc chiến tranh nào. Lady Borton cũng vậy, không tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ chống Việt Nam. Và do nhận thức được tính chất hung bạo của cuộc chiến tranh này, bà tỏ thái độ phản đối. Lòng nhân ái đã dẫn bà đến với người Việt Nam và đứng về phía nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Lady Borton trong một lần đến thăm và làm việc với nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà văn Lady Borton trong một lần đến thăm và làm việc với nhà sử học Dương Trung Quốc

Trong những năm tháng đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt ở cả miền Bắc và miền Nam nước ta, Lady Borton đang dạy học tại một trường ở Philadenphia. Bà làm công việc bình thường của một người Mỹ có học vấn: ngày ngày lái xe đưa trẻ em đến trường, và lên lớp để truyền thụ kiến thức cho các em.

“Giống như đa số người Mỹ - bà kể - tôi xem cuộc chiến trên tivi... Tối tối, những người tị nạn Việt Nam lũ lượt đi qua màn hình xám nhấp nháy và đi vào phòng khách của tôi. Âm thanh xa lạ trong tiếng nói của họ đã ám ảnh tôi đến tận đêm khuya, gương mặt đau khổ của người tị nạn lưu lại trong tôi suốt cả ngày... Nhưng khi tôi xem tivi, tôi bị thôi thúc học tiếng Việt để tôi có thể lắng nghe và hiểu được những người nông dân ấy”.

Đức tin của người Quaker cho rằng giết một người nào đó tức là giết một phần của Chúa đã thôi thúc bà đến với Việt Nam. Bà tham gia cuộc biểu tình trước Lầu Năm Góc do sự thuyết phục của một em học sinh. Sau đó và tham gia nhiều cuộc biểu tình khác. Lác đác một vài em học sinh từ biệt bà để đi Việt Nam. Bà cảm thấy thật là phù phiếm nếu ra công dạy dỗ để rồi những thanh niên đó bị giết chết giữa một xứ sở xa lạ. Bà quyết định phải sang Việt Nam để góp phần làm dịu nỗi đau của những người bị tàn sát một cách vô nghĩa.

Nhưng sang bằng cách nào? Nếu sang đó mà làm việc trong một tổ chức cứu trợ dựa vào tiền của Chính phủ Mỹ thì dần dần sẽ gắn vào các hoạt động quân sự Mỹ. Bà đã tìm đến ủy ban phục vụ của những người bạn Mỹ (AFSC) - đây là một tổ chức Quaker không nhận tài trợ của Chính phủ, xin được tới Việt Nam. Bà ở Quảng Ngãi từ 1969 đến 1971, huấn luyện người Việt Nam làm chân tay giả cho những dân thường bị tàn tật. Và chính bà là người Mỹ đầu tiên dẫn phóng viên Mỹ đến Mỹ Lai chứng kiến cảnh binh lính Mỹ tàn sát năm trăm người dân vô tội.

“Bất kể theo phe phái nào thì nạn nhân của chúng tôi đã đến với máu me và vết bỏng đầy mình. Họ đến với chân cụt, tay cụt, họ là người già và người trẻ, là nam, là nữ; họ là những trẻ con và em bé còn ẵm ngửa”. Chính vì lòng nhân ái ấy mà bà rời trang trại bình lặng của xứ sở mình để dấn thân vào nơi có chiến sự ác liệt. Rồi đến năm 1972, trở về mái ấm nơi trang trại Ohaio của mình, hình ảnh Việt Nam vẫn ám ảnh bà. “Sự hoang vu của Apalachien và điều kiện đất đai cằn cỗi ở đây đối với những người đến sinh sống đã tạo ra âm hưởng với những điều tôi đã cảm thấy ở Việt Nam”.

Tâm trạng ấy đã thôi thúc và trở lại Việt Nam năm 1975. Rồi năm 1980, bà đến làm việc tại trại tị nạn người Việt Nam ở đảo Pulau Biđông thuộc Malaysia. ở đây bà đã chứng kiến những cảnh tượng đau thương: người chen chúc nhau trên con thuyền nhỏ, gương mặt người phụ nữ hốt hoảng có thể đã bị bọn cướp biển hãm hiếp, các cháu bé da nhợt nhạt sắp chết khát.

Trại tị nạn này là chất liệu để bà viết cuốn “Tìm hiểu kẻ thù”. Nhưng bà lại bứt rứt bởi một câu hỏi day đi day lại: Người tị nạn chỉ là số rất ít, còn đại đa số người Việt Nam tự nguyện ở lại xây dựng đất nước bị tàn phá. Tại sao họ ở lại? Để tự trả lời cho câu hỏi này, bà trở lại Việt Nam nhiều lần. Bà gom nhặt chất liệu những chuyến thăm lâu dài vào các năm 1987, 1988, 1989... để viết cuốn “Tiếp sau nỗi buồn” (cuốn sách này đã xuất bản ở Mỹ).

Cuốn sách gồm 3 tập. Tập I: Xã Bàn Long, đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Tập II: Làng Phú Khánh, đồng bằng sông Hồng, miền Bắc Việt Nam. Tập III: Hà Nội, ngôi làng lớn nhất Việt Nam.

Bà viết: “Tiếng Việt là ngôn ngữ có thanh điệu. Nghe như hát chứ không phải là nói. Một chuỗi chữ chỉ có một phát âm nhưng phát âm đó lại có thể hát lên với sáu thanh điệu khác nhau, mỗi thanh điệu xác định một từ khác nhau. Thí dụ “binh” với dấu huyền có nghĩa là hòa bình, còn không dấu thì có nghĩa là quân lính. “Ban” với dấu nặng nghĩa là bạn bè, nhưng khi có dấu sắc thì lại là bán”. Với công phu học tập tiếng Việt, bà không những đồng cảm với người Việt Nam bằng công việc, bằng hành động, mà đồng cảm trong sắc thái ngôn ngữ của những người dân bình thường nhất. Và có lẽ cũng vì thế mà cuốn sách hình thành ba phần đều mang nội dung làng xã: Xã Bàn Long, làng Phú Khánh, làng Hà Nội.

“Làng” là một từ thuần Việt. Vậy thì chắc chắn làng là một tổ chức xã hội thuần Việt từ buổi nguyên sơ hình thành dân tộc Việt, và có thể lâu hơn nữa. Bà Lady Borton đến với làng Việt Nam là đến với gốc gác cả quốc gia này, dân tộc này. Từ nơi đó, bà tìm hiểu mọi sinh hoạt, mọi phong tục tập quán và mọi chuyển động của xã hội. Muốn tìm hiểu sâu những mặt đó, bà tìm hiểu ngôn ngữ của người nông dân. Bà biết cả những thành ngữ nảy sinh trong thời kỳ hợp tác xã cơ giới hóa nông nghiệp: “Trâu đen ăn cỏ trâu đỏ ăn gà”. Bà tinh tế nhận xét ở cán bộ và cả nhân dân, cứ bắt đầu câu nói là “báo cáo anh”, “báo cáo chị”, “báo cáo đồng chí”... Đến thời kỳ đổi mới, ngôn ngữ Việt Nam có sự chuyển động theo ý thức mới.

Sự nhuần nhuyễn về ngôn ngữ tạo cho bà có ưu thế chủ động cầm bút viết trên 300 trang sách. Những dòng chữ cứ bình thản, nhẩn nha, thủ thỉ như bà đang đối diện trò chuyện với chúng ta. “Hiếm có một quyển sách như cuốn sách của Lady Borton do cách nhìn thẳng thắn và tính trung thực của tác giả khi viết về những người bình thường từng chạm súng với chúng ta và nhờ lối viết tránh bút chiến, tránh lên lớp và tránh lên án” (Kirkus, nhà văn Mỹ).

Người đọc càng nhận thấy kiến thức phong phú của bà về Việt Nam khi mỗi đầu chương đều có trích thơ Việt Nam làm tiêu đề, tựa như tiểu thuyết chương hồi của phương Đông. Mở đầu hai mươi lăm chương là hai mươi lăm đoạn thơ của các thi sỹ từ triều đại nhà Lý đến thời chống Mỹ: Mãn Giác thiền sư, Trần Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Thái Thuận, Cao Bá Quát, Hồ Chí Minh, Nguyễn Đình Thi, Trần Hữu Thung...

Lady Borton đã đến Việt Nam sau chiến tranh không chỉ với mục đích cứu trợ những nạn nhân bị chất độc hóa học, mà còn muốn đạt được một ý nghĩ sâu xa hơn: Tìm hiểu con người Việt Nam đã làm nên những điều kỳ diệu. Bà thuyết phục các cấp lãnh đạo không bố trí cho bà ở trong khách sạn tại phố xá có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, mà được ở ngay giữa làng xóm với gia đình nông dân.

Và ý muốn của bà đã được chấp nhận. Thế là bà mang tên Việt Nam: khi ở miền Nam thì gọi là út, khi ở miền Bắc thì gọi là Lý. Bà đội nón và bận quần áo như phụ nữ nông thôn, trò chuyện thân mật với Chín Hà, Hai Sang... thủ thỉ tâm sự với bác Hòa, cô Đằng, cô Mơ... vào vườn hái quả, ra kênh rạch chèo đò. Bà ra chợ, bắt con cua bò lổn ngổn trên miệng giỏ của người bán: ngồi trên bờ mương nhìn con trâu đằm dưới nước và nghếch mõm gặm từng nhánh cỏ. Có lúc bà tập gánh, thấp thểnh bước, đòn gánh đè nặng trên vai.

Trời nắng, bà lội xuống ruộng nước tập cấy lúa: “Tôi nhìn xuống chân và rùng mình, tôi cúi người rứt con đỉa đang bám ở mắt cá chân ra. Tôi nhìn một dòng máu nhỏ chảy xuống bàn chân trên lớp da vì nước với nỗi mê hoặc bệnh hoạn. Tôi biết là trong nước giải của con đỉa có một loại protein ngăn cản máu đông nhưng tôi cũng biết cái mẹo của nông dân. Tôi xé một mẩu lá của cái nón và đắp lên chỗ đỉa cắn, máu thôi không chảy nữa...”. Cứ như vậy, từng ngày từng ngày hình ảnh người nông dân in đậm vào máu thịt bà và đem đến cho bà một sự đồng cảm sâu sắc. Nghe Hai Sang kể lại những ngày quần nhau ác liệt với kẻ thù, “tôi cảm thấy xúc động. Tôi thấy mình đang nhìn Hai Sang với những cảm xúc hỗn độn. Cái gì là sự thực trong mọi chuyện này?”.

Không nén được, bà bộc lộ một cách thành thật: “Làm sao có thể dung hòa tuổi trẻ của tôi sung túc và tự do với tuổi trẻ của chị gian nan và bị đàn áp? Nếu vào địa vị chị, tôi sẽ làm gì? Phải chăng chủ nghĩa hòa bình chỉ là lý luận sách vở trong khi chỉ nói ra thôi cũng đủ để lên máy chém? Liệu tôi có được lòng can đảm như chị không? Không, tôi khẳng định với tiếng thở dài: Không!”. Trong giấc ngủ, bà mê sảng thấy những hình hài phơi ngoài trận mạc, những từ “mất tích” và “hy sinh” xuyên qua óc bà như những viên đạn. Và thảng thốt giật mình tỉnh dậy, ướt đẫm mồ hôi, phờ phạc, tưởng đang phiêu diêu theo những linh hồn trong “Văn tế thập loại chúng sinh” của thi hào Nguyễn Du.

Lady Borton đã phát hiện trong những người nông dân bình dị ấy một triết lý sống thật đơn giản: “Chừng nào đất nước ta còn thì gia đình ta còn, nhưng nếu mất nước thì gia đình sẽ chết!”. Và Grace Paley trong lời giới thiệu cuốn sách, cũng thuật lại mẩu chuyện nhỏ. Năm 1969, G.Paley vào sát khu phi quân sự ở sông Bến Hải, dừng lại tại một làng nhỏ đã biến dạng hoàn toàn vì bom đạn. Gặp một thanh niên, G.Paley hỏi: “Tại sao anh có thể ở lại đây được nhỉ?”. Anh ta trả lời một cách bình thản:” Nếu chúng tôi bỏ đi thì ai sẽ giữ mảnh đất này?”. Trong khi đó, ngay giữa cảnh hoang tàn, một bà cụ già lọm khọm chăm bón mấy vạt sắn xanh non...

Những câu nói giản dị ấy, những hình ảnh bình thường ấy đâu có phải bỗng nhiên mà có. Chính người nông dân đã thấm vào máu thịt mình lịch sử giữ nước của ông cha, lời dạy của tiền nhân, trở thành tiềm thức với một sức mạnh nội tại phi thường. Họ kể cho Lady Borton nghe nhiều câu chuyện quá khứ. Cuộc thần tốc của Vua Quang Trung phá tan hai mươi vạn quân Thanh. Cụ Phan Bội Châu bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đẫm máu...

Việc chăm sóc mồ yên mả đẹp cho người đã khuất không những là biểu hiện tín ngưỡng mà còn là biểu hiện đạo đức - sống có nhà chết có mồ. Đêm khuya thanh vắng, Lady Borton nằm bên cạnh chị Năm Hòa, nghe chị kể chuyện những năm còn chiến tranh: “Chúng tôi phải ẩn nấp và phải chịu đựng. Chả bao giờ được ngủ trên mặt đất. Đôi khi một quả bom giết chết một gia đình”. Và bà nghe chị nói riêng một mình như thảng thốt: “Khi cả gia đình chết thì ai trông nom mồ mả!”.

Sức sống bền vững của làng Việt Nam được Lady Borton thể hiện súc tích bằng hình ảnh cảm động sau đây:

Chị Hai Sang dẫn bà đến trước cây mận. Chị nâng một cành lên, vuốt ve những chiếc lá. Theo chị kể thì cây mận này do người mẹ trồng. Sau khi mẹ hy sinh, còn lại chiếc giỏ trên bàn thờ, cây mận và ngôi mồ mẹ trong nghĩa trang liệt sỹ ở Mỹ Tho. Một quả bom đã phá hủy cây nhưng còn gốc, nó lại đâm chồi trở lại!

Võ Văn Trực