Lặng thầm góp chiến công của những người lính hình sự đặc nhiệm

ANTD.VN - So với với “tuổi đời” hơn 50 năm của Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội thì Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm chỉ là thế hệ sau. Thế nhưng trong suốt 25 năm thành lập của mình, đây là một trong số các đội có đóng góp nhiều nhất vào những chiến công chung của cả đơn vị.

Với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 16 Huân chương Chiến công (cho 7 lượt tập thể và 9 cá nhân), 12 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen (cả tập thể lẫn cá nhân), 52 Bằng khen của Bộ Công an, chưa kể vô số Bằng khen, Giấy khen khác của UBND TP, Tổng cục Cảnh sát, Ban Chỉ đạo 197...; có thể nói, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm là cái tên được xướng lên nhiều nhất mỗi khi các cấp, các ngành tuyên dương về những chiến công chống tội phạm trong lực lượng Công an Hà Nội.

Trung tá Dương Minh Tùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm tâm sự: “Thực ra thành tích được cấp trên ghi nhận cũng là sự động viên khích lệ anh em, nhưng đối với những người lính chúng tôi, đằng sau sự khen thưởng cũng còn nhiều trăn trở. Chiến công nhiều tức là tội phạm, án từ vẫn còn nhiều. Giá như có thể ngăn chặn trước khi sự việc xấu xảy ra thì dù chẳng có thành tích nào được ghi nhận, chúng tôi cũng thấy lòng mình thanh thản”.

“Phòng còn hơn chống”

Bắt nguồn từ suy nghĩ “phòng hơn chống” ấy, chính Trung tá Dương Minh Tùng đã quán triệt toàn bộ chiến sĩ trong đội thực hiện tốt Kế hoạch 72/KH-CAHN của Giám đốc CATP Hà Nội. Đây là kế hoạch phòng ngừa tội phạm có vũ khí nhằm vào các cơ sở kinh doanh vàng bạc, ngân hàng, quỹ tiết kiệm, các điểm thu đổi ngoại tệ. 

Trong năm 2017, một số tỉnh, thành phố trong cả nước liên tục xảy ra các vụ án dùng vũ khí “nóng” để cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng kinh doanh vàng bạc... gây hoang mang dư luận. Cụ thể như vụ sử dụng chất nổ tự tạo đe dọa bảo vệ, nhân viên Ngân hàng HD Bank ở thị trấn Gia Ray, Xuân Lộc, Đồng Nai hôm 1-9-2017; vụ dùng súng ngắn cướp 200 triệu đồng ở Ngân hàng VietinBank ngày 27-9-2017 tại khu công nghiệp Hòa Phú, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, Vĩnh Long hay vụ dùng dao cướp 200 triệu đồng ngay tại quầy giao dịch Ngân hàng Liên Việt Post Bank ngày 10-10-2017 thuộc phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Qua các vụ án này, Phòng Cảnh sát Hình sự nhận thấy các cơ sở kinh doanh có quá nhiều sơ hở như bảo vệ mất cảnh giác, không chủ động phát hiện đối tượng nghi vấn thường lai vãng nhằm nắm bắt quy luật hoạt động. Đó là chưa kể đến việc vị trí ngồi của bảo vệ không hợp lý, tuổi đời của nhân viên bảo vệ lại cao, nơi giao nhận tiền và kiểm đếm của cán bộ ngân hàng quá dễ tiếp cận... Vì lẽ đó, đơn vị đã chủ động phối hợp với công an các địa bàn liên tục tổ chức kiểm tra, xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý tình huống cho các cơ sở kinh doanh, đảm bảo tất cả những cơ sở này đều được mở hồ sơ điều tra cơ bản. 

Bên cạnh đó, đơn vị cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh này cập nhật thường xuyên các số liệu về nhân viên, đội ngũ bảo vệ, trang bị hệ thống camera an ninh, chuông báo động và phân công cán bộ làm công tác quản lý. Một mặt thực hiện lồng ghép với các chuyên đề khác trong công tác tuần tra kiểm soát, mật phục trinh sát, tập trung vào các thời điểm đối tượng có thể lợi dụng gây án, mặt khác, đơn vị cũng thu thập thông tin về các ổ nhóm, đối tượng hoạt động lưu động có biểu hiện tụ tập, sử dụng vũ khí nóng, xác lập, đăng ký chuyên án, tổ chức lực lượng đấu tranh triệt phá kiên quyết không để cho chúng có điều kiện phạm tội. Chính nhờ thực hiện tốt công tác phòng ngừa này nên trong 2 năm qua, trên địa bàn Hà Nội đã không có vụ việc nào liên quan đến cướp ngân hàng, hiệu vàng... xảy ra.

Kiên quyết tấn công tội phạm

Bên cạnh công tác chủ động phòng ngừa thì công tác tấn công tội phạm của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt là việc thực hiện kế hoạch đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh tài chính. Có một thời gian, các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi núp danh các cửa hàng cầm đồ, hỗ trợ tài chính, đã lộng hành và gây ra nhiều vụ đòi nợ, xiết nợ, tạo dư luận không tốt trong nhân dân cũng như ảnh hưởng tới tình hình ANTT.

Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 27-6-2017 khi Nguyễn Thị Duyên (SN 1985, trú tại tổ 3, phường Duyên Hải, TP Lào Cai) thuê Lưu Hồng Bảy (SN 1976, ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cùng nhiều đối tượng lưu manh khác để đe dọa, ép chị C (nhà ở quận Long Biên) phải viết giấy nhận nợ số tiền 1,5 tỷ đồng. Trong vụ án này, Duyên cùng các đối tượng liên tục đến nhà chị C đe dọa gia đình, yêu cầu người thân của chị C phải trả nợ thay con nếu không sẽ bị xử theo “luật rừng”. Nắm được thông tin này, lãnh đạo Phòng CSHS và cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã lập kế hoạch xác minh, mật phục, bắt quả tang nhóm đối tượng do Duyên cầm đầu đang thực hiện hành vi cưỡng đoạt tiền của chị C tại nơi ở của nạn nhân. 

Đội trưởng Dương Minh Tùng cho biết, hoạt động cho vay nặng lãi dẫn đến xiết nợ bằng vũ lực của nhóm đối tượng trên có sự cấu kết của nhiều băng nhóm ở TP Lào Cai, Hà Nội, Yên Bái, Nam Định. Thông qua các mối quan hệ xã hội, các đối tượng liên kết lại để thực hiện hoạt động cưỡng đoạt tài sản từ những giao dịch vay nợ tiền bạc vốn khá phổ biến trên địa bàn Hà Nội.

Hay như vụ chị Bùi Thị Hà (ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) bị một nhóm đối tượng giam giữ trái phép tại một quán karaoke. Trước đó, chị Hà bị nhóm người này bắt giữ trái pháp luật và đánh đập, đe dọa tại quán Xanh, cũng nằm trên phố Trần Nhân Tông… Nguyên nhân bắt nguồn từ việc chị Hà quen biết Đặng Thị Kim Dung (SN 1974, HKTT ở 20 ngõ 2, phường Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội, tạm trú tại ngõ Tô Tiền cùng phường Trung Phụng). Giữa chị Hà và Dung có sự trao đổi với nhau trong công việc làm ăn. Sáng 14-2-2017, chị Hà cùng chồng là anh Trần Quang Minh xuống Hà Nội chơi. Tối cùng ngày, Dung gọi điện cho chị Hà hẹn đến ăn trưa tại quán Xanh, ở phố Trần Nhân Tông.

Cũng tại thời điểm đó, Dung và Nguyễn Thanh Hà (SN 1972, ở ngõ Chợ Khâm Thiên, phường Trung Phụng, quận Đống Đa) nói chuyện với nhau về việc chị Hà nợ Hà Phương Hạnh (SN 1979, trú tại ngõ chợ Khâm Thiên, Hạnh là bạn của Dung) 700 triệu đồng từ lâu chưa trả và Nguyễn Thanh Hà đã gọi điện thoại báo cho Hạnh đến giải quyết khoản nợ, đồng thời rủ một nhóm đối tượng giang hồ giúp sức. Trưa  14-2, Dung và Nguyễn Thanh Hà đến quán Xanh ngồi đợi. Khi chị Hà tới thì bị các đối tượng cùng nhóm lưu manh chốt cửa phòng đe dọa, đánh đập, đồng thời buộc nạn nhân phải gọi điện cho chồng mang tiền đến. 

Để uy hiếp tinh thần chị Hà, nhóm này còn cho ma túy vào túi xách tay của nạn nhân và quay lại clip dọa nếu không thanh toán tiền, sẽ báo cho công an đến bắt. Khi anh Minh, chồng chị Hà đến nơi thì bị cả nhóm xúm vào đánh đập đồng thời yêu cầu phải trả khoản tiền vay 700 triệu đồng và tiền lãi trong 4 năm, tổng cộng là 2 tỷ đồng. Nhận tin báo, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm  đã đột kích phòng giam vợ chồng anh chị Hà - Minh, giải cứu nạn nhân và bắt quả tang hành vi bắt giữ người trái pháp luật của nhóm đối tượng.

“Thành tích được cấp trên ghi nhận cũng là sự động viên khích lệ anh em, nhưng đối với những người lính chúng tôi, đằng sau sự khen thưởng cũng còn nhiều trăn trở. Chiến công nhiều tức là tội phạm, án từ vẫn còn nhiều. Giá như có thể ngăn chặn trước khi sự việc xấu xảy ra thì dù chẳng có thành tích nào được ghi nhận, chúng tôi cũng thấy lòng mình thanh thản”.

Trung tá Dương Minh Tùng (Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng Cảnh sát Hình sự, CATP Hà Nội)