Lạng Sơn tăng trưởng ấn tượng về công nghệ thông tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lạng Sơn là một trong 5 địa phương dẫn đầu về mức độ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trên cả nước với chỉ số chuyển đổi số xếp thứ 6/63 tỉnh, thành.
Lạng Sơn tăng trưởng mạnh nhờ hệ thống du lịch thông minh

Lạng Sơn tăng trưởng mạnh nhờ hệ thống du lịch thông minh

Chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực

Theo báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ chuyển đổi số (DTI) năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố hồi tháng 7/2023, Lạng Sơn đứng ở vị trí thứ 6, chỉ sau 5 tỉnh thành phố lớn là Đà Nẵng, TPHCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế và Cần Thơ.

Lạng Sơn cũng là 1 trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về mức độ lan tỏa ICT trong các ngành, hoạt động kinh tế khác và là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị trên toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” với Nền tảng trợ lý ảo giải pháp tự động trả lời về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỷ trọng kinh tế số của tỉnh chiếm 12,52% GRDP, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố.

Những con số này đã đưa Lạng Sơn trở thành điểm sáng của cả nước về chuyển đổi số quốc gia.

Một trong những ứng dụng số mang tính đột phá của Lạng Sơn là nền tảng cửa khẩu số. Thống kê của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 1/1/2023 đến nay có tổng số 238.195 phương tiện xuất, nhập khẩu khai báo trên nền tảng này. Đồng thời, 100% các xe hàng khai báo trực tuyến và được xử lý trực tuyến trước khi vào cửa khẩu.

Lạng Sơn cũng đã ký kết “Thoả thuận khung giữa UBND tỉnh Lạng Sơn, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh”.

Kinh nghiệm trong chuyển đổi số cũng giúp Lạng Sơn xây dựng thành công nền tảng Công dân số Xứ Lạng với hơn 640 ngàn tài khoản được cài đặt, chiếm 80% dân số của tỉnh. Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng thành lập được 1.662 tổ với hơn 9000 thành viên, thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số. Qua đó, Lạng Sơn được ghi nhận đứng thứ 3 toàn quốc về hoàn thành tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Trên toàn bộ địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tất cả biển tên đường, tên phố, công trình công cộng và khu di tích danh thắng đều được gắn mã QR Code phục vụ du khách, người dân tra cứu thông tin. Đây là việc không hề dễ làm với một tỉnh thành có hơn 200 km đường biên giới, 80% diện tích là đồi núi và rộng gấp 2,5 lần thủ đô Hà Nội như Lạng Sơn.

Kinh nghiệm trong chuyển đổi số cũng giúp Lạng Sơn xây dựng thành công nền tảng Công dân số Xứ Lạng với hơn 640 ngàn tài khoản được cài đặt

Kinh nghiệm trong chuyển đổi số cũng giúp Lạng Sơn xây dựng thành công nền tảng Công dân số Xứ Lạng với hơn 640 ngàn tài khoản được cài đặt

“Kinh tế xanh” tăng trưởng mạnh nhờ hệ thống du lịch thông minh

Chỉ số DTI ấn tượng của Lạng Sơn một phần được tạo nên bởi hệ thống du lịch thông minh của địa phương này. Sau 1 năm triển khai, hệ thống du lịch thông minh Lạng Sơn đã có trên 4 triệu lượt truy cập tìm kiếm thông tin, trên 450 cơ sở kinh doanh du lịch đăng ký. Hệ thống cũng số hóa 3D 9 điểm du lịch trọng điểm và dựng 3D 12 điểm du lịch khác bằng 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Trung.

Việc vận hành hệ thống du lịch thông minh đã mang về cho Lạng Sơn doanh thu hơn 3000 tỷ từ du lịch. Trong đó, khách trong nước 3,88 triệu lượt, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 10% chỉ tiêu đề ra.

Mục tiêu của tỉnh trong năm 2024 là 4300 tỷ doanh thu từ “kinh tế xanh”. Mục tiêu này được đánh giá nằm trong tầm tay của Lạng Sơn khi tỉnh này đang đẩy mạnh xây dựng hai làng du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN là Bắc Quỳnh (huyện Bắc Sơn) và Hữu Liên (huyện Hữu Lũng).

Hiện tỉnh cũng đã hoàn thành hồ sơ trình UNESCO thẩm định công nhận công viên địa chất Lạng Sơn thành công viên địa chất toàn cầu. Cùng với đó, hai dự án du lịch lớn là quần thể du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn và khách sạn sân golf Hoàng Đồng đang được đốc thúc triển khai. Đây được xem là những điểm du lịch trọng điểm mang về lượng khách khổng lồ cho Lạng Sơn trong tương lai gần.

Việc vận hành hệ thống du lịch thông minh đã mang về cho Lạng Sơn doanh thu hơn 3000 tỷ từ du lịch.

Việc vận hành hệ thống du lịch thông minh đã mang về cho Lạng Sơn doanh thu hơn 3000 tỷ từ du lịch.

Những thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực văn hóa - xã hội từ kết quả chuyển đổi số

Với những bước chuyển biến lớn khi ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, vận hành, lĩnh vực văn hóa - xã hội của tỉnh biên giới Lạng Sơn năm 2023 đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Ngành giáo dục và đào tạo đã trang bị hơn 17.500 chứng thư số cho tổ chức, cán bộ quản lý và giáo viên. Theo đó, 100% trường học các cấp sử dụng chữ ký số, thực hiện ký số trên 3 loại hồ sơ điện tử bao gồm sổ điểm, sổ học bạ, sổ đăng bộ.

Công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh diễn ra đồng bộ, tích cực và hiệu quả. Tỉnh cũng đã phê duyệt và triển khai Đề án “Rà soát, sắp xếp hệ thống trường, lớp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”; ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2022 - 2030”.

Ở mảng y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, Lạng Sơn duy trì trên 95% trẻ em dưới một tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng; trên 85% phụ nữ có thai tiêm đủ hai mũi uốn ván. Theo khảo sát, 92% người dân hài lòng với dịch vụ y tế công của tỉnh nhà. Các đơn vị khám chữa bệnh tiếp tục được tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị vật tư y tế tại các cơ sở y tế.

Ở mảng lao động việc làm, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng mạnh so với cùng kỳ, ước đạt 17.000 người trong năm 2023. Tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt 1.282,4 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ, tổng chi 2.114,5 tỷ đồng. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động ước đạt 40%.

Trong năm 2023, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Lạng Sơn giảm 3%, còn 5,92%; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%, đồng thời có thêm ít nhất 4 xã và 24 thôn thuộc xã vùng I, II thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu năm 2024, Lạng Sơn sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thúc đẩy các ứng dụng số, nền tảng số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế...