“Làng khoa bảng” bên dòng sông Nhuệ...

(ANTĐ) - Không quá nổi tiếng như những gia đình được nêu tên trong Đại hội Gia đình hiếu học và Dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ 2 tại Hà Nội năm 2007, nhưng ở thôn Đào Xá, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây lại là một thôn ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ, với nhiều hộ gia đình nông dân nghèo, quanh năm làm ruộng và làm thuê, nhưng có đến 3 con học đại học…

“Làng khoa bảng” bên dòng sông Nhuệ...

(ANTĐ) - Không quá nổi tiếng như những gia đình được nêu tên trong Đại hội Gia đình hiếu học và Dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ 2 tại Hà Nội năm 2007, nhưng ở thôn Đào Xá, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây lại là một thôn ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ, với nhiều hộ gia đình nông dân nghèo, quanh năm làm ruộng và làm thuê, nhưng có đến 3 con học đại học…

Những kỳ nhân của “làng khoa bảng”…

Qua lời tâm sự của bà Xuyền, người lên Hà Nội làm thuê đã được 17 năm, hiện đang làm nghề bán tào phớ tại chợ cóc ở phường Liễu Giai, Hà Nội, chúng tôi về thăm thôn  Đào Xá, xã  Hoàng Long, huyện Phú Xuyên. Đi dọc con đường mới lót bê tông dẫn từ Quốc lộ 1A vào thôn Đào Xá, nhìn cánh đồng lúa vừa gặt còn trơ gốc rạ, và những “thân cò” đang be bờ tát mương xúc tép, thật không dám nghĩ đó lại là một trong những công việc chính, đem lại thu nhập cho người dân nơi đây, mà hơn thế, từ những đồng tiền “tát mương, bòn vườn” này, họ còn nuôi được các con ăn học, tiêu biểu có gia đình đến 4 con đang theo học ở những trường danh giá nhất nước.

“Thân cò” làng Đào Xá
“Thân cò” làng Đào Xá

Đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tình ở thôn Đào Xá, thuộc diện nghèo nhất xã Hoàng Long, chúng tôi biết được hoàn cảnh gia đình bà vô cùng khó khăn. Chồng bị bệnh ung thư đã bảy tám năm, mọi việc trong gia đình chỉ trông cậy vào đôi bàn tay da bọc xương của bà. Tuy vậy, bà vẫn một tay lo vun vén, thuốc thang cho chồng, một tay lo cho hai con học đại học. Bà vừa cấy lúa, trồng khoai, vừa nhận thêm hàng gia công mây tre đan về làm để kiếm tiền trang trải.

Trung bình mỗi ngày bà kiếm được 7 - 8 nghìn đồng. Tất cả những đồng tiền chắt chiu ấy, bà dành dụm cho hai đứa con đang học đại học. Nhưng dù có bóp mồm bóp miệng cỡ nào cũng không sao đủ được. Chi phí tối thiểu cũng phải mất khoảng 500.000 đồng cho mỗi đứa một tháng, mà khoản tiền ấy, chỉ dựa vào mấy khoảnh đất trồng lúa, trồng ngô và  đan lát. ấy vậy, nhưng khi được hỏi lý do tại sao không vay vốn Nhà nước cho con ăn học, thì được bà trả lời rằng: “Vay thì cũng vay được.

Các cháu về bảo, nhà trường thông báo về việc Nhà nước cho vay tiền những tám trăm nghìn đồng một tháng. Nhưng vay rồi lấy gì trả?!”. Chúng tôi có giải thích cho bà rằng, khoản tiền được vay ấy có thời hạn lâu dài, sau này các cháu ra trường làm việc trả cũng chưa muộn. Bà Tình nghe xong, không nói gì thêm mà chỉ cúi xuống đưa nan, nước mắt ngắn dài...

Thôn Đào Xá có nhiều hộ gia đình đạt mức 100% con cái vào đại học. Điển hình như gia đình bà Phạm Thị Bín có 3 con đang học đại học. Điều đáng nói ở đây là, những người con của bà có đứa đã ra trường, có đứa còn đang theo học, nhưng toàn bộ tiền ăn học của các con đều do tay bà bòn vườn, đan lát và cày sâu cuốc bẫm mà ra cả. Chồng bà đã ở cái tuổi ngoại ngũ thập, nhưng vì thương vợ con mà lặn lội lên tận Thái Nguyên mua chè khô về bán lại cho dân làng, lãi tí chút thì dùng để dưa cà qua bữa, để dư cái phần khác cho các con ăn học.

Chỉ mới trong vòng ba năm qua, mà xã Hoàng Long đã có hàng trăm cử nhân các ngành nghề, trong đó, riêng ở thôn Đào Xá mỗi năm đã có gần 20 em sau khi tốt nghiệp THPT đã thi đỗ đại học, chiếm tỷ lệ 2/3 số lượng hồ sơ nộp dự tuyển. Đa phần các em đều học tại trường THPT Đồng Quan, huyện Phú Xuyên. Chính nhờ thành tích xuất sắc này, năm 2005, nhà trường đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

Vui mừng trước những thành quả rất đáng tự hào, Ông Nguyễn Như ý - Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan cho biết: “Từ những tấm gương điển hình trong học tập và vượt khó của các khóa trước, đã hình thành nên một phong trào thi đua âm thầm trong các em đang học tại trường. Nhà trường chỉ còn lo đến việc nâng cao chất lượng dạy và đầu tư trang bị cơ sở hạ tầng cho các em được tốt hơn thôi…”.  

Trí thức nghèo và những ước mơ xa…

Ra đi từ một vùng quê nghèo bên dòng sông Nhuệ, các trí thức trẻ của thôn Đào Xá luôn mang trong tim mình hình ảnh của những người mẹ, người cha quanh năm tần tảo ruộng vườn, và cả nỗi niềm mong muốn sớm học thành tài, trở về xây dựng quê hương. Bạn Nguyễn Văn Thiết, hiện đang là sinh viên năm thứ 2, trường Sĩ quan Phòng hóa, tâm sự: “Mình được sinh ra trong một gia đình gần như nghèo nhất xã, nên luôn cố gắng học tập để mong muốn thay đổi được cuộc đời, sau này phụ giúp được cho bố mẹ, và góp phần xây dựng  quê mình”.

Còn với bạn Đào Thị Bích Thảo, đang theo học năm thứ hai trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ thì lúc nào cũng mang theo giấc mơ về nghề y, Bích Thảo kể: “Từ khi còn bé, em đã rất thích hình ảnh những người thầy thuốc, những bác sĩ, y sĩ trong trang phục trắng tinh khiết, về chữa bệnh cho làng. Đến khi lớn lên, xã có trung tâm y tế, ngày ngày đi học phổ thông qua nơi này, em luôn mong ước có một ngày sẽ được về đây làm việc”. 

Bố của Nguyễn Văn Thiết tần tảo cả đời để nuôi con ăn học nên người

Bố của Nguyễn Văn Thiết tần tảo cả đời để nuôi con   ăn học nên người

Dẫu biết rằng, kinh phí giáo dục của Nhà nước dù có lớn đến đâu, cũng vẫn như một “tấm chăn chưa thể đắp hết được người” như lời phát biểu của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày

16-11-2007. Tuy nhiên, qua những “giấc mơ hình hạt thóc” của những trí thức trẻ thôn Đào Xá đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng khắp nước, người viết bài này chợt có một suy nghĩ nhỏ: Mỗi một hạt thóc nếu như không vội đem thổi thành cơm, mà đem gieo thành mạ, sau vài bận nắng mưa, từ hạt thóc ấy cho ra những bông lúa hàng trăm hạt khác.

Từ việc trồng lúa này, nghĩ đơn giản đến việc “trồng người” có vẻ hơi khập khiễng, nhưng đó lại là cách nghĩ của người nông dân chân lấm tay bùn. Và thôn nào, xã nào trong cả nước, cũng được như thôn Đào Xá, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, thì hình ảnh của một “mùa vàng” trong sự nghiệp giáo dục nước nhà, không phải là hình ảnh không rõ nét.                    

Trịnh Tuấn