Làm rõ động cơ kẻ đẩy vợ xuống sông

ANTĐ - Sau khi Báo ANTĐ ngày 3-6 có đăng bài: “Chở vợ lên cầu Đuống, đẩy xuống sông” phản ánh vụ việc ông Nguyễn Kim Đức đẩy bà Nguyễn Thị H (SN 1963), ở phường Giang Biên, quận Long Biên xuống dòng nước, mặc cho người vợ bám vào thành cầu kêu cứu. Sáng 3-6 chúng tôi đã tìm đến gia đình người phụ nữ xấu số này…

Làm rõ động cơ kẻ đẩy vợ xuống sông ảnh 1
Cầu Đuống - nơi đối tượng Nguyễn Kim Đức thực hiện hành vi đê hèn

Cái chết oan nghiệt

Hơn một ngày sau khi bị chính người chồng ném xuống sông, thi thể bà Nguyễn Thị H đã được được lực lượng chức năng tìm thấy khi đang trôi dạt tại địa phận xã Tri Phương, huyện Tiên Du - tỉnh Bắc Ninh và được người thân đưa về lo hậu sự. Tìm đến ngôi nhà khang trang của vợ chồng bà Nguyễn Thị H và ông Nguyễn Kim Đức, chúng tôi được những người láng giềng cho biết, ngôi nhà mới được xây cách đây chưa lâu. Trong bầu không khí u buồn, người con cả của bà H đã từ chối tiếp chúng tôi. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thọ - Tổ trưởng tổ dân phố thì cái chết của bà H khiến những người dân trong khu phố cảm thấy thực sự tiếc nuối và thương cảm, bởi lẽ bà H là người phụ nữ chịu thương, chịu khó, đảm đang, nhanh nhẹn và là người trụ cột quán xuyến mọi việc trong gia đình.

Ngoài làm ruộng, bà H còn làm công nhân, cấp dưỡng để có thêm thu nhập. Sau nhiều năm chăm chỉ làm lụng và dành dụm được ít tiền, đầu năm 2013 bà H đã xây dựng căn nhà khang trang, tìm sự an nhàn khi tuổi già xế bóng. Kể đến đây bà Thọ chép miệng thở dài, trái ngược với người vợ tảo tần, chồng bà H suốt ngày chỉ biết rượu chè, rồi về đánh đập vợ. Trước đây, ông Đức là công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, do thời gian gần đây ít việc nên nghỉ ở nhà. “Nhiều lần uống rượu say, không làm chủ được mình, ông Đức có hành vi ngược đãi, đánh đập vợ. Sau những lần đó, chính quyền địa phương và tổ dân phố đã mời ông Đức lên nhắc nhở. Tuy đã hứa hẹn nhưng ông Đức vẫn chứng nào tật nấy…”- bà Thọ chia sẻ.

Thời gian gần đây, bà H bị tai biến, sức khoẻ giảm sút, việc đi lại rất khó khăn. Vậy mà ông Đức thường xuyên có lời nói xúc phạm, lăng mạ vợ. Bà Thọ kể: “Sau những lần 2 vợ chồng lời qua tiếng lại, bà H đã tâm sự với bà con hàng xóm là cảm thấy rất buồn tủi. Có ai muốn mình bị bệnh rồi ngồi một chỗ đâu. Có lẽ cũng do lúc có sức khoẻ bà H vất vả sớm tối tìm mọi cách để kiếm tiền chăm lo cho chồng con nên mới lâm bệnh như thế…”. Cũng theo bà Thọ, sáng 1-6, một số người hàng xóm có nghe 2 vợ chồng bà H cãi vã, xô xát, rồi sau đó nghe thấy hung tin bà H đã bị chính người chồng của mình đẩy xuống sông Đuống.

Cần xử lý nặng

Lâu nay, những vụ việc chồng ngược đãi vợ không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, hành vi của ông Đức là đẩy bà H xuống sông, mặc cho bà cố bám vào thành cầu kêu cứu, van nài, trước sự chứng kiến của những người xung quanh khiến dư luận không khỏi bàng hoàng phẫn nộ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhiều bạn đọc đã gọi điện đến ĐDN Báo ANTĐ tỏ thái độ bất bình. Anh Nguyễn Văn Minh, ở phường Đức Giang, quận Long Biên cho biết, đây là hành động dã man, không một người đàn ông nào lại đang tâm đẩy vợ mình xuống sông, nhất là khi họ lại đang mắc bệnh, không thể tự vệ được. Dù có khúc mắc nào đi chăng nữa thì người chồng cũng không thể đối xử bạc ác với vợ mình như thế. “Hành vi của đối tượng Đức cần được pháp luật xử lý đích đáng”- anh Minh nhận xét

“Trong mối quan hệ vợ chồng cả người chồng lẫn người vợ phải biết tôn trọng bản thân và tôn trọng lẫn nhau. Ngay cả khi có bất hòa thì cũng không có lý do gì có thể bào chữa cho việc đánh đập, nhục mạ nhau bằng những lời lẽ tục tĩu, thậm chí là đẩy vợ mình đến cái chết. Đây không phải là hành động của con người”- bà Lê Thị Tuý, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm tuổi trẻ hạnh phúc và gia đình Việt Nam cho biết.Cũng theo bà Tuý, lâu nay, hành vi đánh đập, ngược đãi, hành hạ phụ nữ vẫn thường xuyên xảy ra trong các gia đình. Sau những dồn nén không thể nói ra, người phụ nữ trở nên cam chịu. Cũng chính từ sự cam chịu đó, nhiều ông chồng ngày càng thú tính cả về cường độ lẫn cách thức khi đối xử với vợ mình. Đầu óc con người là một “cỗ máy” hoàn hảo của tạo hóa.  Đấy là lúc bình thường, nhưng khi tâm trạng tức giận, nhiều người đã không kiểm soát được hành vi của mình, dẫn đến hành động “thoát” khỏi sự kiểm soát của bộ não. Hành vi của đối tượng Nguyễn Kim Đức là hành vi của một người không bình thường về tâm lý, thậm chí là biểu hiện lệch lạc về nhân cách. Do đối tượng thường xuyên uống rượu, đầu óc không tỉnh táo dẫn đến tâm lý không ổn định và đã có hành động giết hại vợ mình.

Khởi tố Nguyễn Kim Đức về hành vi giết người

“CQĐT đã thu thập, củng cố tài liệu chứng minh hành vi giết người của đối tượng Đức, và sẽ hoàn tất hồ sơ, ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Kim Đức vào ngày mai, 4-6”, đại diện CAH Gia Lâm trao đổi với PV ANTĐ, chiều qua, 3-6.

Theo cán bộ thụ lý vụ án, suốt thời gian bị tạm giữ để điều tra từ 1-6 đến nay, Nguyễn Kim Đức không hề tỏ ra ân hận hay lo lắng. Đức khai nhận khá thành khẩn diễn biến sự việc, và luôn cho rằng hành động đó của ông ta là để… “giúp” vợ. Ít phút chứng kiến Nguyễn Kim Đức trong quá trình bị xét hỏi tại CAH Gia Lâm chiều 3-6, PV ANTĐ thậm chí còn trông thấy người đàn ông này…cười khá tươi. Cán bộ điều tra cho biết Đức có biểu hiện tâm lý bất thường, do uống nhiều rượu trong thời gian dài. Tuy nhiên, gia đình Đức không xuất trình được hồ sơ bệnh án từng điều trị bệnh lý thần kinh. 

Về nạn nhân xấu số, bà Nguyễn Thị H., chiều 2-6, sau hơn 1 ngày, gia đình bà H. đã tìm được thi thể bà H nổi lên tại bờ sông cách hiện trường chừng 15 cây số, thuộc địa phận xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, CQĐT đã tiến hành khám nghiệm pháp y. Kết luận giám định pháp y cho thấy, bà H. tử vong do ngạt nước.


Theo luật sư Nguyễn Tiến Hoà - Đoàn luật sư TP.Hà Nội, hành vi đẩy vợ xuống sông Đuống của đối tượng Nguyễn Kim Đức là hành vi giết người vì động cơ đê hèn, có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (điểm q điều 93 BLHS). Trong hoàn cảnh bà Nguyễn Thị H - vợ của đối tượng bị bệnh tai biến, với trách nhiệm của người chồng, đối tượng Nguyễn Kim Đức phải chạy chữa, chăm sóc và động viên để vợ mau lành bệnh, nhưng ngược lại đối tượng đang tâm đẩy vợ xuống sông mặc cho bà H vẫn cố gắng bám chặt vào thành cầu và kêu cứu khẩn thiết là hành vi đê hèn.

Theo quy định tại Điều 13 BLHS: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp người phạm tội chỉ bị hạn chế năng lực hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình gây ra, khi ra tòa, hội đồng xét xử sẽ xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt”.