Lạm phát thấp nhưng doanh nghiệp đang phải vay tiền lãi suất cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để hóa giải bài toán lãi suất cao, doanh nghiệp thiếu vốn, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần xem xét vai trò của nguồn vốn đầu tư công.

Doanh nghiệp lao đao, ngân hàng cũng khó chồng khó

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, từ đầu năm đến tháng 10, tăng trưởng GDP khoảng 8%, lạm phát khoảng 3%. Như vậy, GDP danh nghĩa (GDP tính theo giá hiện hành) tăng khoảng 11%.

Trong khi đó, cung tiền M2 chỉ tăng được 3%. Giả định, vòng quay tiền không đổi, thì nền kinh tế thiếu tiền cung ứng để lưu thông GDP theo giá hiện hành một cách bình thường.

Rất may, trong quý I, quý III và nửa đầu quý III/2022, tình hình chưa căng thẳng nhờ cung tiền năm ngoái dư thừa lớn. Tuy nhiên, tới thời điểm này, thanh khoản của nền kinh tế bắt đầu suy kiệt. Vì vậy, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang rất lớn dẫn tới lãi suất cho vay tăng rất nhanh.

“Ví dụ, lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm khoảng 10%, lạm phát 3%. Ngược lại, ở châu Âu lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm là 3%, trong khi lạm phát 10%. Mỹ cũng tương tự, lạm phát khoảng 8,5-9%, trong khi lãi suất cho vay khoảng 2,5% - 3%. Tức là lãi suất thực âm so với lạm phát.

Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới. Nói cách khác, tỷ lệ lạm phát thuộc nhóm thấp nhất thế giới nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay cao nhất thế giới” – TS Lê Xuân Nghĩa đánh giá.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) thì cho rằng không chỉ các doanh nghiệp mà bản thân các ngân hàng cũng đang gặp khó.

Doanh nghiệp đang rất khó khăn vì thiếu vốn

Doanh nghiệp đang rất khó khăn vì thiếu vốn

Theo thông lệ, ngân hàng chỉ là nơi cung cấp vốn lưu động, chủ yếu là vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, doanh nghiệp muốn huy động vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn.

Nhưng hiện nay ngân hàng phải gánh cả vai của thị trường vốn, hậu quả là cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đang mất cân đối nghiêm trọng khi xảy ra tình trạng trái phiếu chưa đến hạn đã phải trả trước hạn. Việc phải trả cả trái phiếu chưa đến hạn, buộc doanh nghiệp phải lấy cả nguồn tiền sản xuất kinh doanh, thậm chí cả vốn vay ngân hàng để trả nợ.

“Đến nay, dư nợ tín dụng là 11,8 triệu tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng nguồn vốn chỉ 4,8%. Như vậy NHNN có nới thêm room tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không có vốn để cho vay tiếp thêm” – lãnh đạo VNBA nêu thực trạng.

Ngoài ra, ông Hùng cho biết hiện nay các ngân hàng đang rất khó khăn trong hệ số an toàn vốn, tính chung cả ngành, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, nghĩa là có bao nhiêu vốn ngân hàng đã cho vay gần hết. Điều này buộc ngân hàng phải tăng mạnh lãi suất để tăng huy động, kéo theo lãi suất cho vay cao.

Không chỉ vậy, các ngân hàng đang phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu tăng cao do một số doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, không thể trả nợ; trong số đó còn có những doanh nghiệp dùng tiền vay ngân hàng trả nợ trái phiếu trước hạn.

Cần phát huy vai trò đầu tư công

Đề xuất giải pháp, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần phát huy vai trò của đầu tư công.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện có 900 nghìn tỷ đồng đầu tư công do phát hành trái phiếu Chính phủ đang nằm tại hệ thống ngân hàng, cần phải tìm cách giải phóng.

Ông đề xuất: Thứ nhất, có thể dùng 300 nghìn tỷ gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn.

Hai là trích một phần trong số tiền này thành lập khẩn trương quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ sẽ mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu rồi từ từ xử lý tài sản trong tương lai.

Thứ ba, Chính phủ cũng nên xem xét kéo dài điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của nghị định trước đó thêm 1 năm để nhà đầu tư không chuyên tiếp tục đầu tư trái phiếu, sau đó, từ từ thu hẹp lại…

Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp tái cấu trúc nợ như một ngân hàng thương mại, làm đề án tái cấu trúc nợ và công khai ra thị trường…

Với các giải pháp này, có thể dần dần giải quyết các vấn đề của nền kinh tế trong vòng 1 - 2 năm để dứt điểm các vấn đề về trái phiếu trong, giúp chứng khoán dần hồi phục, tiền sẽ được bơm ra từ các kênh, theo đó lãi suất sẽ đi xuống và tỷ giá hối đoái sẽ đi xuống.

Tổng thư ký VNBA cũng cho rằng cần quyết liệt trong giải ngân đầu tư công.

“Hiện có gần 1 triệu tỷ đồng (tương đương với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay) đang gửi tại ngân hàng mà không tiêu được. Để vậy có thể coi là lãng phí không trong khi các ngân hàng huy động vốn lãi suất cao?", ông Hùng đặt vấn đề

Ông cũng cho rằng, hiện nay cả trung ương và địa phương có hơn 20 quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV tại các tỉnh, thành phố nhưng lại không hoạt động được. Cần phải xem xét và khởi động lại hoạt động của các quỹ bảo lãnh, có bảo lãnh, các ngân hàng mói dám cho DNNVV vay…