Huy động vốn tăng chậm lại, áp lực lên các ngân hàng càng lớn thêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Tốc độ tăng trưởng huy động vốn các ngân hàng chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đặt ra thách thức lớn với các ngân hàng.

Đây là một trong những khó khăn mà Ngân hàng Nhà nước nêu ra. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà, mặt bằng vốn năm nay rất khác mọi năm khi huy động vốn tăng trưởng chậm.

Tính đến nay, huy động vốn tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng. Điều này đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng rất cao, cũng gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động được tiền được mới cho vay được nền kinh tế.

Trước đó, theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tăng trưởng huy động vốn có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2022, tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ chức tín dụng là hơn 11,3 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,37% so với cuối năm 2021.

Tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây

Tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây

Tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi chậm lại kể từ đầu quý 3. Trong tháng 7, tháng 8, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đã sụt giảm tới hơn 171 nghìn tỷ đồng, trong khi tiền gửi của dân cư có tăng trưởng nhưng không nhiều (tăng hơn 17 nghìn tỷ đồng). Theo đó, tổng tiền gửi tại hệ thống đã giảm gần 154 nghìn tỷ đồng chỉ trong 2 tháng.

Trước đó, tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh giai đoạn 2020-2021 và lần đầu tiên vượt tiền gửi dân cư vào tháng 11/2021, chủ yếu do hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.

Xu hướng đảo chiều từ đầu năm 2022 khi nhóm khách hàng dân cư lại là động lực tăng trưởng chính cho huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh đó, với áp lực bảo đảm nguồn vốn để có thể bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh các mức lãi suất điều hành từ tháng 9, và gần đây nhất là từ 24/10, theo đó điều chỉnh tăng lãi suất điều hành và tăng lãi suất trần huy động của các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng.

Điều này bảo đảm cho các tổ chức tín dụng có khả năng huy động thêm được nguồn vốn để bảo đảm an toàn thanh khoản, đồng thời để có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Sau động thái của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng lập tức tăng mạnh lãi suất huy động, mức tăng khoảng 2-3%, đưa mặt bằng lãi suất huy động lên cao hơn cả trước dịch Covid-19.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc tăng lãi suất cũng phù hợp với thế giới khi lạm phát của thế giới tăng cao và kéo dài, chưa ở mức có thể dừng lại được. Tất cả các ngân hàng Trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, điển hình là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng nhanh và rất mạnh lãi suất đã làm cho đồng tiền nội tệ của các nước mất giá theo. Rồi các nước lại tiếp tục tăng lãi suất lần 2 nữa bởi 2 lý do: Một là chống lạm phát trong nước, hai là chống đỡ sự giảm giá của đồng nội tệ so với USD.

Do đó, việc tăng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.