Lãi suất ngân hàng tăng - xu thế khó đảo ngược

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất huy động có nơi lên đến trên 9%/năm, người gửi tiền tất nhiên có lợi, nhưng kéo theo đó là lãi suất cho vay cũng tăng, tạo áp lực cho các cá nhân, doanh nghiệp đang phải vay ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc tăng lãi suất thời điểm này là cần thiết.

Áp lực lãi vay đang lớn dần

Lãi suất ngân hàng tăng mạnh giúp người gửi tiền có lợi nhưng gây áp lực lên doanh nghiệp, người dân đi vay tiền

Lãi suất ngân hàng tăng mạnh giúp người gửi tiền có lợi nhưng gây áp lực lên doanh nghiệp, người dân đi vay tiền

Từ ngày 25-10, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lên 6%/năm. Như vậy, sau 2 lần nâng lãi suất trong vòng hơn 1 tháng, trần lãi suất này đã tăng thêm 2%/năm. Cùng với đó, một loạt lãi suất điều hành khác cũng được NHNN tăng thêm 2%/năm sau 2 lần điều chỉnh. Và tất nhiên, ngay sau quyết định tăng lãi suất của cơ quan điều hành thì hàng loạt ngân hàng thương mại đã đồng loạt nâng lãi suất tiền gửi. Trong đó, nhiều ngân hàng tầm nhỏ, tầm trung như Techcombank, VPBank, Sacombank, LienVietPostBank, SCB, NCB, BacA Bank đã nâng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần.

Tại các kỳ hạn khác, lãi suất cũng tăng tương đối mạnh. Đơn cử như SCB, theo biểu lãi suất vừa áp dụng, kỳ hạn 6 tháng đã áp dụng mức lãi suất 8,7%/năm; 12 tháng 9,15%/năm và từ 15 tháng trở lên là 9,3%/năm.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng lãi suất đang khó đảo ngược, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác trên thế giới. Dù gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đi vay tiền, song không còn cách nào khác, doanh nghiệp cần quyết liệt tái cấu trúc, đa dạng hóa nguồn vốn để bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính (dòng tiền), lãi suất và tỷ giá, có thể phối hợp với tổ chức tài chính trong nước để kiểm soát các rủi ro này.

Tại các ngân hàng khác, mức lãi suất trên 8%/năm trước đây là cá biệt, giờ đã được áp dụng phổ biến. Không thể đứng ngoài cuộc, 4 “ông lớn” ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV cũng chính thức công bố biểu lãi suất mới vào các ngày 27 và 28-10 vừa qua. Theo đó, lãi suất cao nhất tại quầy ở 4 ngân hàng này là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cao hơn so với trước đó 1%/năm.

Đối với kỳ hạn từ 6 - 11 tháng, lãi suất tại 3 ngân hàng này cũng tăng mạnh lên mức 6 - 6,1%/năm. Các kỳ hạn ngắn, lãi suất tại các ngân hàng này chưa chạm trần như nhóm ngân hàng tư nhân, song cũng tăng thêm tới 1%/năm, lên mức 4,9 - 5,4%/năm tùy từng kỳ hạn. Không chỉ vậy, tại các ngân hàng này, những khách hàng chọn hình thức gửi tiền online sẽ được hưởng mức lãi suất hấp dẫn hơn, cao hơn 0,3 - 0,5%/năm so với hình thức gửi trực tiếp tại quầy.

Như vậy, tính mặt bằng chung ở hầu hết các ngân hàng, chỉ trong vòng hơn 1 tháng vừa qua, lãi suất tiền gửi đã tăng trên dưới 2%/năm, thậm chí tăng 3 - 4%/năm. Mặt bằng lãi suất như vậy thậm chí đã cao hơn cả trước dịch Covid-19. Thời điểm trước dịch, mức lãi suất cao nhất 8,6%/năm chỉ xuất hiện tại một vài ngân hàng và khách hàng phải gửi tiền với kỳ hạn 15 - 18 tháng trở lên mới được hưởng. Với việc lãi suất huy động tăng mạnh, các ngân hàng cũng đã buộc phải nâng lãi suất cho vay. Cộng với room tín dụng còn hạn hẹp, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Theo khảo sát của phóng viên, hiện lãi suất cho vay phổ biến đã tăng 1 - 2%/năm, thậm chí có những khoản vay mua nhà, mua xe, hay một số lĩnh vực không ưu tiên, lãi suất đã tăng thêm 3 - 4%/năm. Nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh mức lãi suất cho vay đã lên đến 13 - 14,5%/năm với các khoản vay trung và dài hạn.

Đáng nói, dù chấp nhận lãi suất cao nhưng nhiều người dân, doanh nghiệp cũng khó vay tiền, nếu muốn được giải ngân thì phải chấp nhận một số điều kiện của ngân hàng, chẳng hạn như mua bảo hiểm nhân thọ…

Doanh nghiệp cần quyết liệt tái cấu trúc

Lý giải về các quyết định tăng lãi suất, NHNN cho biết, hiện nay lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Cùng với đó, đồng USD lên giá mạnh, gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát. Do đó, để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, cơ quan này đã tăng các loại lãi suất điều hành.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân, xong xu hướng này là khó đảo ngược trong bối cảnh hiện nay. Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, khi lãi suất tăng, tất nhiên người gửi tiền sẽ được lợi, còn bên đi vay sẽ phải trả lãi suất cao hơn (đối với cả nợ đang còn và nợ mới). “Tất nhiên, tăng lãi suất là khó khăn đối với doanh nghiệp vì họ vẫn đi vay là chủ yếu. Đây là việc làm rất khó khăn của các ngân hàng Trung ương, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì thế, ngân hàng Trung ương hiện nay phải cân đối, tính toán đa chiều, tổng hòa các mặt để đưa ra quyết định tăng hay giảm lãi suất, rồi mức độ và tần suất như thế nào” - TS Cấn Văn Lực nói.

Theo TS Cấn Văn Lực, 3 mục đích chính của NHNN trong lần tăng lãi suất này bao gồm: Thứ nhất, kiểm soát kỳ vọng lạm phát (khi lãi suất tăng, giảm tổng cầu, giảm áp lực giá cả sẽ làm giảm lạm phát). Thứ hai là để lường đón các đợt tăng lãi suất tiếp theo của FED. Thứ ba là giảm áp lực tỷ giá vì khi lãi suất đồng nội tệ tăng, chính là tăng hấp dẫn của đồng nội tệ, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND, qua đó giảm áp lực tỷ giá.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng ủng hộ động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN, vì theo ông với điều kiện hiện nay thì cơ quan điều hành không còn cách nào khác. “Áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao, FED đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Ngoài ra, việc đồng USD lên giá mạnh đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát” - TS Nguyễn Trí Hiếu đã chỉ ra các nguyên nhân buộc NHNN phải ra quyết định tăng lãi suất.

Do đó, các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng lãi suất đang khó đảo ngược, không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác trên thế giới. Dù gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đi vay tiền, song không còn cách nào khác, doanh nghiệp cần quyết liệt tái cấu trúc, đa dạng hóa nguồn vốn để bớt phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính (dòng tiền), lãi suất và tỷ giá, có thể phối hợp với tổ chức tài chính trong nước để kiểm soát các rủi ro này.

Giảm lãi suất thực sự là nhiệm vụ khó khăn

Giải trình về vấn đề lãi suất tại phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 28-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tình hình thế giới năm 2022 biến động hơn những gì đã đánh giá. Lạm phát đang là xu hướng của thế giới, theo thống kê, có 80 quốc gia đang có lạm phát từ 2 con số trở lên. FED và nhiều Ngân hàng Trung ương tăng lãi suất cao, đồng đô la Mỹ tăng mạnh đã làm đồng nội tệ và khu vực mất giá. Nhiều đồng tiền mất giá từ 10 - 30%. Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới đều gặp khó khăn. Tại nước ta, diễn biến hoạt động ngân hàng chứng khoán, bất động sản cũng tác động tới thị trường tiền tệ, ngân hàng. Trong khi đó, chính sách tiền tệ được giao nhiều nhiệm vụ, đa mục tiêu. Trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng cao, nhiệm vụ giao cho chính sách tiền tệ vẫn phải cố gắng làm sao giảm lãi suất 0,5-1% trong 2 năm 2022 - 2023. Đây là nhiệm vụ thực sự khó khăn.