Làm giàu từ… tóc rối

(ANTĐ) - Không mang cái vẻ ồn ào, náo nhiệt vốn có của một làng nghề, người dân nơi đây làm việc trong sự yên ắng, trầm lặng. Hay  như cách nói của người dân làng Đông Bích, xã Đông Thọ, Yên Phong (Bắc Ninh), người Đông Bích làm giàu âm thầm. Khách thập phương dù vào đến giữa làng cũng không hề hay biết, mình đang đứng trên một mảnh đất làm nghề mang lại thu nhập tiền tỷ cho người lao động.

Làm giàu từ… tóc rối

(ANTĐ) - Không mang cái vẻ ồn ào, náo nhiệt vốn có của một làng nghề, người dân nơi đây làm việc trong sự yên ắng, trầm lặng. Hay  như cách nói của người dân làng Đông Bích, xã Đông Thọ, Yên Phong (Bắc Ninh), người Đông Bích làm giàu âm thầm. Khách thập phương dù vào đến giữa làng cũng không hề hay biết, mình đang đứng trên một mảnh đất làm nghề mang lại thu nhập tiền tỷ cho người lao động.

Công nhân đang thực hiện rút tóc tại một xưởng thu gom tóc ở Đông Bích
Công nhân đang  thực hiện rút tóc tại một xưởng thu gom tóc ở Đông Bích

Tóc lên đường xuất ngoại

Thời xa xưa, thế hệ ông cha ở làng Đông Bích bây giờ phải đạp xe kẽo kẹt khắp nơi để đổi kẹo lấy tóc rối. Song, nghề “tóc rối đổi kẹo” ngày ấy chưa phát triển, nên người làng Đông Bích bảo nhau đổi sang làm nghề thu mua phế liệu, sắt vụn. Nhưng chỉ được một thời gian, người dân quay lại với nghề thu mua  tóc. Từ khoảng năm 1995-1996, nghề thu mua tóc bắt đầu phát triển. Đến nay, làng Đông Bích có khoảng trên 300 hộ dân thì có hơn 250 hộ làm nghề thu mua tóc, trong đó chiếm khoảng 30% số hộ đứng đại lý thu gom, rồi xuất đi khắp các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…

Ông Nguyễn Văn Thắng, 1 hộ chuyên thu gom tóc ở Đông Bích tâm sự, nhà ông chuyển qua nghề thu mua tóc từ năm 1996, kể từ đó đến nay, công việc làm ăn thuận lợi mang lại đồng ra đồng vào, nhà cửa khang trang, nên 6 người con của ông đều chuyển sang thu mua tóc. “Hai vợ chồng đứa lớn thì ở tại TP Hồ Chí Minh để thu gom hàng phía trong đó, vợ chồng đứa thứ 2  ở Quảng Trị, và 1  đứa thì nằm vùng ở Biên Hòa.

Vài ba tháng, khi nào hàng đủ chuyến thì mang về, rồi lại đưa hàng thành phẩm đi xuất”. Hàng tóc nhà ông chủ yếu được xuất qua Thái Lan. Ở nhà hiện chỉ còn ông với đứa cháu đang học tiểu học. Ông Thắng vừa quản lý công nhân làm việc, vừa chăm nom đứa cháu, bởi, con cái ông phải 2-3 tháng mới về một lần, về rồi, lại tất tả đi.

Nhà lầu, xe hơi làm nên từ tóc

Chúng tôi tìm đến nhà ông Tạ Xuân Tạc, Bí thư chi bộ thôn Đông Bích. Ông Tạc cũng là một trong những hộ thu mua tóc lớn nhất nhì làng. Căn nhà khang trang, cao rộng cùng với nội thất sang trọng, theo ông Tạc, tất cả đều có được nhờ tóc rối. “Đường bê tông dẫn vào làng, vào ngõ, vào xóm, rồi đến nhà lầu, xe hơi, tất cả đều xuất phát từ tóc”, ông Tạc nói.

Tóc rối được thu gom từ khắp mọi miền đất nước
Tóc rối được thu gom từ khắp mọi miền đất nước

Ông kể lại, làng Đông Bích trước kia nghèo nhất trong toàn xã Đông Thọ. Gần 100% người dân làm ruộng, thóc gạo không đủ ăn nói chi đến chuyện làm đường sá, xây dựng nhà cửa to rộng như bây giờ. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, nghề thu mua tóc mang lại thu nhập tương đối cao, ổn định, nhà nhà trong làng đều tham gia thu mua tóc.

Trải rộng khắp đất nước, từ mũi Cà Mau, Rạch Giá, đảo Phú Quốc cho đến Móng Cái… nơi nào cũng có sự hiện diện của người dân Đông Bích. “Tôi vừa đi Cà Mau gom hàng đến tuần nay, vất vả lắm. Tóc được thu gom ở khắp mọi nơi, từ các hiệu cắt gội đến các bãi rác, nhiều khi phải vật lộn, phờ phạc mặt mũi cả ngày trời trong bãi rác để nhặt tóc.

Chỉ có người dân làng Đông Bích mới đủ sức chịu đựng để theo cái nghề này”, ông Tạc cho biết. Theo ông, đi lại bằng máy bay là thường xuyên, 1 tháng vài lần đi nước ngoài để xuất hàng, cả nhà đều có hộ chiếu, nhưng xong việc, lột bỏ cái lớp bên ngoài, lại về bới rác, thu gom tóc rối.

Xuất ngoại như đi chợ

Tóc rối sau khi được các hộ dân thu gom về, đầu tiên sẽ được tẩy rửa bằng xà phòng và phơi khô, rồi lại được nhuộm để tóc đồng màu đen. Sau đó, tóc sẽ được rút, chải phân ra từng loại ngắn dài, bọc đóng hàng và chờ đủ chuyến là đưa đi xuất. Người công nhân chải tóc cũng cần phải có kỹ thuật, căn bản tay phải dẻo, mềm mại để chải tóc được nhanh và không bị đứt sợi.

Chị Nguyễn Thị Thủy, 1 hộ thu gom tóc ở Đông Bích cho biết, mỗi tháng nhà chị xuất qua Thái Lan khoảng 300 tạ tóc, chủ yếu là loại dài. Theo chị Thủy, thị trường Thái Lan tuy số lượng không nhiều, và lợi nhuận không cao như xuất sang Trung Quốc nhưng lại ổn định, không bấp bênh. Mỗi tháng, vợ chồng chị Thủy phải thay nhau mang hàng đi Thái Lan để giao. Chị Thủy cho rằng, nhờ nghề thu mua tóc làm ăn ngày một phát đạt, nên gia đình chị đã thoát hẳn cảnh nghèo khó ngày xưa.

“Cái được lớn nhất của vợ chồng tôi là nuôi được 2 đứa con ăn học đàng hoàng, hiện cả 2 cháu cùng đang học đại học. Đứa lớn năm nay ra trường, vợ chồng tôi sẽ cho cháu qua Thái Lan để mở điểm giao dịch, vừa mở rộng đầu ra, vợ chồng tôi cũng không phải lặn lội 1 tháng 2 lần mang hàng qua đó giao”, chị Thủy tính toán.

Làm nghề mang lại lợi nhuận, có thu nhập, có của ăn của để nên người làng Đông Bích không ai bảo ai đều cặm cụi làm ăn. Thanh niên trai tráng, người trong độ tuổi lao động hầu hết đã đi các nơi để thu gom tóc, làng chỉ còn lại người già, trẻ em và phụ nữ bận con nhỏ ở nhà quán xuyến công việc. Làng nghề mang lại tiền tỷ hàng năm nhưng trong lành, yên bình mà không mấy làng làm nghề có được.

Ngân Tuyền